Thầy Hiệu cho biết: Đối với việc học môn Văn hiệu nay, đa số học sinh đều có tình trạng học tập miễn cưỡng, chiếu lệ. Giáo viên nhiệt tình nhưng chưa đủ kiến thức sâu rộng và khả năng linh hoạt về phương pháp giảng dạy.
Việc vận dụng các lý thuyết của khoa học tự nhiên vào đọc hiểu văn bản theo thể loại là cần thiết.
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng văn bản văn học chỉ có mối quan hệ mật thiết với các bộ môn khoa học xã hội, việc vận dụng khoa học tự nhiên vào văn học sẽ làm khô cứng, công thức hóa văn học. Do vậy, không dễ dàng nêu những vấn đề như vậy trong giờ học văn bản văn học.
Vì thế, xảy ra tình trạng giáo viên dạy văn có phần dè dặt khi tiếp cận văn bản văn học dưới góc nhìn mới, khi vận dụng thành tựu của các khoa học tự nhiên và dạy học Ngữ văn.
Mặt khác, trong thực tế dạy học văn hiện nay, có hiện tượng dễ dãi khi tiếp cận văn bản văn học, mang tính chủ quan cảm xúc cao của người dạy mà đôi khi tách rời, thoát xa khỏi văn bản với đặc trưng và quy luật của nhận thức trong khoa học.
Bởi khi tổ chức dạy học, người dạy cũng chưa xác định rõ đặc trưng thể loại bộc lộ ở các phương diện nào, cần sử dụng các kiến thức các môn học khác ra sao để học sinh hiểu rõ ràng vấn đề.
Thêm vào đó, do chưa có nhiều phông nền sâu rộng về văn hóa, kiến thức và phương pháp nên người dạy sử dụng đơn điệu về phương pháp tổ chức dạy học, áp đặt về kiến thức truyền đạt.
Học sinh chưa được học tập thường xuyên trong môi trường học tập mới qua các trải nghiệm hực tế, sử dụng kiến thức nhiều môn học, trò chơi, trải nghiệm... Các em vẫn giữ lối mòn cách học từ lớp dưới, tạo rào cản cho giáo viên trong việc đổi mới phương pháp.
Những nguyên nhân trên đã dẫn đến việc sử dụng các lý thuyết khoa học tự nhiên trong đó có vật lí và toán học vào giờ đọc - hiểu văn bản theo đặc trưng thể loại còn nhiều hạn chế, đọc - hiểu văn bản hiệu quả chưa cao.
Trước thực trạng đó, thầy Hiệu đã chọn đề tài: "Vận dụng lý thuyết vật lí và toán học vào đọc hiểu văn bản truyện ngắn theo đặc trưng thể loại, thực nghiệm qua Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu" để áp dụng giảng dạy tại trường THPT Xuân Trường C.
Thầy Hiệu cho hay; Quá trình thực nghiệm giảng dạy đã cho những kết quả khả quan. Ưu điểm lớn nhất của phương pháp này là đã chuyển từ hoạt động dạy sang học, học sinh chủ động tích cực từ chuẩn bị đến học và kiểm tra đánh giá.
Không những vậy, đơn vị kiến thức bài học đã được soi chiếu dưới đặc trưng thể loại và các kiến thức của các môn khoa học khác đặc biệt là tự nhiên nên bản chất khoa học của kiến thức được làm sáng rõ dễ tiếp nhận.
Từ tiền đề đó, việc sử dụng sơ đồ hóa Graph biến kiến thức trừu tượng trở nên cụ thể hàm súc cô đọng. Học sinh dễ nhớ, dễ vận dụng vào đọc hiểu văn bản khác cũng như giải quyết các vấn đề đặt ra trong cuộc sống làm thay đổi thực trạng dạy học thụ động Ngữ văn hiện nay.
Với phương pháp này đã phát huy được các năng lực phẩm chất người học, tích hợp các kiến thức phù hợp với yêu cầu đổi mới phương pháp và tích hợp liên môn trong dạy học hiện nay.