Văn chương và lỗ thủng…

GD&TĐ - Danh sách hội viên mới của Hội Nhà văn Việt Nam công bố vào ngày 14/2 không có tên nhà thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh.

Ảnh minh họa/INT.
Ảnh minh họa/INT.

Những ngày qua, nhà thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh là trung tâm của cuộc tranh luận liên quan đến bài thơ “Lỗ thủng lịch sử”. Bài thơ sáng tác 19 năm trước và thời gian gần đây lại được mang ra mổ xẻ khi thông tin việc ông có tên trong danh sách kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam.

Trong đó có nhà thơ Lê Thiếu Nhơn dẫn ý kiến của một số nhà văn, nhà thơ cho rằng, việc kết nạp tác giả của bài thơ “Lỗ thủng lịch sử” được đánh giá là “tởm lợm”, “quái đản”.

Tuy nhiên, một số nhà văn, nhà thơ khác lại bày tỏ quan điểm trên trang Facebook cá nhân rằng, dù không thích bài thơ của Nguyễn Hữu Hồng Minh nhưng cũng không đồng tình việc mang một bài thơ đã được sáng tác 19 năm trước ra để ngăn cản tác giả vào Hội Nhà văn.

Ông Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn - xác nhận, trong danh sách hội viên mới công bố ngày 14/2 không có tên nhà thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh. Ông Thiều nói quyết định này phù hợp với điều lệ hoạt động của Hội Nhà văn.

Đó là khi việc kết nạp hội viên mới nhận những dư luận trái chiều từ hội viên và bạn đọc thì ban chấp hành để lại trường hợp đó, sẽ xem xét sau.

Được biết, năm vừa qua, ông Thiều là người đã mời Nguyễn Hữu Hồng Minh vào Hội Nhà văn, cùng với các tên tuổi khác như Nguyễn Việt Hà, Nhật Chiêu… Tuy được mời nhưng các thành viên này cũng phải thực hiện mọi thủ tục cần thiết như tất cả các nhà văn, nhà thơ khác muốn vào hội.

Vậy “Lỗ thủng lịch sử” là gì mà trở thành đề tài bàn luận sôi nổi trong giới văn chương? Nếu đó là một bài thơ hay, thì chắc chắn công chúng sẽ không phản ứng và giới văn nhân sẽ không cho là “tởm lợm”, “quái đản”.

Không một phương tiện truyền thông chính thống nào dám đăng tải “Lỗ thủng lịch sử”, bởi ngôn từ sống sượng chỉ về tình dục và bộ phận sinh dục. Đến nỗi, chính tác giả mới đây đã phải thừa nhận: “…khi tỉnh táo đọc lại cũng cảm thấy bàng hoàng tại sao mình lại viết bài này làm gì? Nó là một trạng thái mất kiểm soát… Nếu tôi dùng lý trí thì sẽ không bao giờ làm bài đó”.

Với văn chương Việt Nam, sau sự xuất hiện của những nhân cách lớn và tài năng lỗi lạc thế hệ trước, như: Tản Đà, Ngô Tất Tố, Phùng Quán, Kim Lân… thì dần mờ nhạt. Thơ văn viết ra nhiều, sách xuất bản cũng rất nhiều nhưng khó mà tìm được những cuốn sách đáng đọc, hay những câu thơ đáng ngẫm.

Có rất nhiều người được gọi là nhà văn, nhà thơ nhưng công chúng ngơ ngác không biết họ đã viết ra những gì. Bởi vì những gì họ viết, cứ nhờn nhợt và nhàn nhạt, đến chính tác giả cũng quên ngay sau khi viết.

“Lỗ thủng lịch sử” xét cho cùng chính là lỗ thủng văn hóa. Chúng ta có thể không xét đến vị trí văn nghệ sĩ đối với nền văn hóa, nhưng không thể không xét tới vai trò của văn chương với văn hóa. Kiệt tác Truyện Kiều của Nguyễn Du là một ví dụ, khi tác phẩm hòa quyện và làm đẹp thêm nét văn hóa dân tộc.

Người cầm bút không thể tự nhấc mình ra khỏi dòng chảy của văn hóa. Khi văn chương không vì con người, và không vì nghệ thuật thì dù có được tôn sùng cũng sẽ trở thành mũi tên độc bắn ngược vào tác giả.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ