Văn chương và hội họa trong “Người kép già”

GD&TĐ - “Người kép già” gồm 18 truyện ngắn và vừa của nhà văn Kim Lân. Qua cuốn sách, độc giả dễ nhận ra đó là cuộc hội ngộ của cha và con – khi xen kẽ truyện Kim Lân và tranh Thành Chương.

Họa sĩ Thành Chương muốn đem cái đẹp của hội họa đền gần với văn chương.
Họa sĩ Thành Chương muốn đem cái đẹp của hội họa đền gần với văn chương.

Bộ minh họa trong ấn phẩm “Người kép già” - cuộc liên tài văn chương và mỹ thuật giữa hai thế hệ: Nhà văn Kim Lân và con trai là hoạ sĩ Thành Chương do Đông A xuất bản nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà văn, vừa đấu giá trực tuyến thành công tại Fanpage Đông A Gallery.

Cầu nối nghệ thuật

Trong năm 2020 và đầu năm 2021, độc giả yêu văn chương và đặc biệt yêu mến nhà văn Kim Lân có dịp thưởng thức 18 truyện ngắn và vừa trong “Người kép già”.  

Tuyển tập tác phẩm nổi tiếng của cố nhà văn với những mảng nội dung: Vợ nhặt, Đứa con người vợ lẽ, Đứa con người cô đầu... tái hiện làng quê Bắc Bộ thời đói kém với những thân phận người nghèo khổ.

Làng, Nên vợ nên chồng, Ông lão hàng xóm... là câu chuyện về cách mạng, cải cách ruộng đất với nhiều hệ lụy. Người kép già, Đôi chim thành, Con mã mái, Chó săn, Cầu đánh vật… thể hiện thú chơi chó săn, chọi gà, hoặc đơn thuần chỉ là dấu ấn văn hóa.

Song hành cùng 18 truyện ngắn là tranh minh họa của Thành Chương. Với quan niệm hội hoạ giúp truyền tải tinh thần tác phẩm văn chương, mang đến cho người đọc trải nghiệm mới. Con vẽ minh hoạ cho tác phẩm của cha, điều đó giống như một cây cầu nối giữa cha – con, xưa – nay, văn chương – mỹ thuật.

Họa sĩ Thành Chương có cách hiểu và cách cảm riêng biệt đối với tác phẩm của cha mình. Cho nên, với “Người kép già”, công chúng gặp lại một Thành Chương vừa quen vừa lạ.

Đó vẫn là họa sĩ Thành Chương nổi tiếng của hội hoạ đương đại, người đã ghi dấu đậm nét với phong cách kết hợp hài hoà giữa trường phái lập thể của phương Tây và nét dân dã rất Việt Nam trong những minh họa ấn tượng cho những trang viết của cha mình.

Nhưng cũng từ “Người kép già”, người yêu hội họa lại thấy một Thành Chương rất khác và lạ. Dường như hoạ sĩ tự hạ mình xuống, ẩn đi những dấu ấn cá nhân và nhường chỗ cho mục tiêu cao nhất của việc minh họa sách.

Có thể thấy điều này rõ nhất trong những bức minh họa theo lối tranh cổ động tác phẩm Nên vợ nên chồng. Hoặc cảnh nhá nhem của những mảnh đời dẫu chưa biết ngày mai ra sao, nhưng niềm tin và hi vọng vẫn lấp lánh trong tác phẩm Ông lão hàng xóm.

Không phải dễ minh họa cho những tác phẩm mà Kim Lân đã viết, đúng như nhà thơ Nguyễn Quang Thiều – Chủ tịch Hội Nhà văn nhận định: “Ngôn ngữ và thông điệp chứa đựng bên trong những câu chuyện của ông vẫn rực ấm.

Hình thức xã hội luôn thay đổi nhưng bản chất của con người không thay đổi. Ngôn ngữ có thể thay đổi nhưng bản chất của tình yêu thương và cái thiện trong con người không hề thay đổi. Văn chương của nhà văn Kim Lân thuộc về những điều không thể thay đổi ấy”.

Tác phẩm minh họa “Vợ nhặt”.

Tác phẩm minh họa “Vợ nhặt”.

Dấu ấn Thành Chương

“Tôi tự nhủ đang thi thố với cha. Phải làm sao để đem cái đẹp của tranh đến gần với cái hay của truyện ngắn Kim Lân. Có nhiều tác phẩm khiến tôi vừa khóc vừa vẽ trong sự thương nhớ và kính trọng cha”. 
Họa sĩ Thành Chương

“Người kép già” của cố nhà văn Kim Lân một lần nữa được dư luận quan tâm đặc biệt, khi mới đây họa sĩThành Chương tổ chức đấu giá trực tuyến bộ tranh minh hoạ cho cuốn sách này.

Đại diện Đông A Gallery nói rằng, trong số 19 tranh của hoạ sĩ Thành Chương mang ra đấu giá lần này có 18 tranh minh hoạ cho 18 truyện ngắn và vừa trong sách “Người kép già” và 1 tranh được sử dụng trên bìa sách.

Các bức minh họa này được họa sĩ Thành Chương vẽ với chất liệu màu bột trên bìa (kích thước 30 x 40cm, sáng tác năm 2020), đã được “gõ búa” với tổng giá trị giao dịch toàn phiên lên tới 602 triệu đồng.

Trong đó, tác phẩm được trả cao nhất là “Người kép già” (in trên bìa cuốn sách), mức giá 120 triệu đồng. Tiếp theo là các tác phẩm “Anh chàng hiệp sĩ gỗ” chốt giá 50 triệu đồng, “Ông Cản Ngũ” có giá 34 triệu đồng, “Người kép già” (minh họa truyện) giá 33,3 triệu đồng. Ngoài ra, có tới 3 tác phẩm bán được đồng giá 31 triệu đồng là: Trả lại đòn, Vợ nhặt, Làng.

Họa sĩ Thành Chương nổi tiếng trong giới mỹ thuật đương đại, đôi khi có biệt danh “vẽ ra tiền”. Tuy nhiên, người ta cũng thấy tố chất hội họa và năng lực sáng tạo của ông rất giàu có. Họa sĩ đã tìm đường thoát khỏi sự ảnh hưởng bao trùm bởi mỹ thuật cổ điển Pháp, để xây dựng một phong cách riêng mang đậm dấu ấn truyền thống.

Tất nhiên, với một người như Thành Chương khó có thể tránh khỏi những xì xào điều này tiếng kia. Kể cả việc sáng tạo của bản thân, không ít lần bị đồng nghiệp chê bai. Tuy nhiên, đó là điều bình thường mà bất kỳ nghệ sĩ nào cũng dễ vướng phải do quan niệm, thậm chí là thái độ yêu ghét.

Họa sĩ Nguyễn Thanh Bình viết trên Facebook cá nhân: Riêng mình, vẫn đánh giá cao Thành Chương và một số ít người khác... vì mình nhìn tác phẩm của họ trong tiến trình từ khởi đầu đến nay bằng con mắt của kẻ cầm cọ tô màu.

Vấn đề ở chỗ trên cái nền tiếp thu từ người khác, anh tạo ra được điều gì, có đủ sức tự đứng giữa rừng sáng tạo hay không và đứng được bao lâu.

Tất nhiên, ai cũng có quyền khen chê, thích hoặc không thích. Nhưng nếu chỉ đọc vài bài viết, xem vài bức tranh, rồi “phán xét” thì e rằng điều đó không thoả đáng, thậm chí có thể gây cười.

Muốn hiểu một tác phẩm (văn học, hội họa hay âm nhạc) người ta luôn phải tìm hiểu tác giả. Điều đó gần như một nguyên tắc, bởi tác phẩm là sự phát tiết cảm xúc của chính tác giả, và một tác giả có thể có nhiều hướng đi hoặc duy nhất một đường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ