Vai trò, vị trí của người thầy xưa và nay

GD&TĐ - Ngày nay, vai trò, vị trí của người thầy khác xa so với cách đây 10 năm và rất khác so với cách đây 50 năm và 100 năm .

PGS.TS Đặng Quốc Bảo, ThS Lê Thị Loan (từ trái qua) chia sẻ tại Tọa đàm.
PGS.TS Đặng Quốc Bảo, ThS Lê Thị Loan (từ trái qua) chia sẻ tại Tọa đàm.

Ngày 16/11, Học viện Quản lý giáo dục phối hợp với Hội cựu giáo chức của Học viện tổ chức Tọa đàm với chủ đề “Người thầy: Xưa và nay”.

GS.TS Phạm Quang Trung – Giám đốc Học viện Học viện Quản lý giáo dục – nhấn mạnh, xã hội đang có dịch chuyển và thay đổi lớn chưa từng có. Nhiều người đặt vấn đề, vai trò, vị trí của người thầy xưa và nay có thay đổi?

ThS Lê Thị Loan – Hội Cựu giáo chức Học viện Quản lý giáo dục – nhìn nhận, trong nhà trường, đội ngũ các thầy, cô giáo là lực lượng quyết định đảm bảo chất lượng giáo dục. Đây là lý do quan trọng để các bậc phụ huynh tin tưởng gửi gắm con em mình theo học.

GS.TS Phạm Quang Trung phát biểu tại Tọa đàm.

GS.TS Phạm Quang Trung phát biểu tại Tọa đàm.

Theo ThS Lê Thị Loan, những người làm nghề dạy học được cả xã hội tôn vinh, kính trọng - gọi là Thầy. Và đã trở thành truyền thống, thành hệ giá trị xã hội từ ngàn đời nay: “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”, “Không thầy đố mày làm nên”.

Người thầy không chỉ dạy chữ, rèn kỹ năng, hình thành thái độ tốt mà còn biết quan tâm, tìm hiểu, chăm sóc, hỗ trợ người học bằng cả trái tim và lòng bao dung. Biết đánh thức tiềm năng trong mỗi người học, khơi dậy và phát triển nội lực của người học.

“Muốn vậy, không còn cách nào khác, các thầy cũng phải học; học qua sách vở, qua đồng nghiệp và qua các lớp tập huấn” - ThS Lê Thị Loan trao đổi.

Vì vậy, nghề dạy học đòi hỏi người thầy cần có hiểu biết rộng, trình độ chuyên môn vững, có phương pháp dạy học và giáo dục phù hợp, có thái độ tốt: có lòng yêu nghề mến trẻ, tận tụy, tôn trọng người học, có tư cách, tác phong mẫu mực làm tấm gương cho học sinh noi theo.

Cũng theo ThS Lê Thị Loan, quan điểm về vai trò của người dạy và người học trong các lớp học đã có nhiều thay đổi. Người dạy không phải là người toàn năng, toàn quyền trong việc định đoạt và truyền đạt kiến thức.

Vì thế vai trò của người thầy chuyển từ người cung cấp, truyền đạt, truyền dạy kiến thức cho người học sang vai trò dẫn dắt, hướng dẫn và tạo điều kiện cho học trò.

Các đại biểu, chuyên gia trao đổi tại Tọa đàm.

Các đại biểu, chuyên gia trao đổi tại Tọa đàm.

PGS.TS Đặng Quốc Bảo – nguyên Hiệu trưởng Trường Cán bộ quản lý GD&ĐT Trung ương I (nay là Học viện Quản lý giáo dục) – cho rằng, người thầy trong đổi mới giáo dục luôn phải tự nhủ: Thứ nhất, người học không phải là nhân tố để nhà trường cao đạo khi huấn luyện họ.

Thứ hai, người học không phải là con số thống kê lạnh lùng. Họ là người khao khát kiến thức, kỹ năng mà nhà trường có nhiệm vụ dẫn dắt họ chiếm lĩnh.

Thứ ba, người học đặt ra cho nhà trường những nguyện vọng về phát triển nhân cách. Nhiệm vụ của nhà trường là giúp họ hoàn thiện được các nguyện vọng.

Thứ tư, người học phải được đối xử ân cần khi đến trường, được hưởng các dịch vụ tốt nhất mà nhà trường có thể khai thác trong sự cộng tác với cộng đồng.

Theo GS.TS Phạm Quang Trung, ngày nay, vị trí của người thầy nói chung và giảng viên đại học nói riêng khác xa so với cách đây 10 năm và rất khác so với cách đây 50 -100 năm. Song dù xã hội có biến đổi như thế nào, thì người thầy vẫn luôn được tôn vinh, kính trọng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ