Người thầy 'làm tổ' trong tâm hồn tôi

GD&TĐ - Trong cuộc đời dạy học và NCKH của tôi hơn nửa thế kỷ nay, thầy giáo Nguyễn Trọng Vĩnh để lại những ấn tượng hết sức sâu sắc và cảm động.

Giáo sư Hoàng Chí Bảo.
Giáo sư Hoàng Chí Bảo.

Tôi là học trò của thầy Vĩnh từ năm 1963, niên học 1963 - 1964. Lúc bấy giờ, thầy là giảng viên Triết học của Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp Phổ thông Trung học thì tôi vào học Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội, lúc bấy giờ nhu cầu giáo viên rất lớn và cần đào tạo ngắn hạn, thậm chí có cả khóa đào tạo cấp tốc để ra dạy ngay rồi sau đó tiếp tục học lên. Thời ấy, chúng tôi được gọi là giáo sinh, tức là những học sinh được đào tạo để trở thành thầy giáo. Ở Trường Cao đẳng Sư phạm, tôi học ngành Văn học và Lịch sử.

Thầy Nguyễn Trọng Vĩnh.

Thầy Nguyễn Trọng Vĩnh.

Thầy Nguyễn Trọng Vĩnh vừa dạy tôi môn Triết học Mác Lênin (lúc đó gọi là môn Chính trị), đồng thời thầy lại là giáo viên chủ nhiệm của lớp chúng tôi. Tôi còn giữ được những dấu ấn rất cảm động về thầy, những dòng chữ rất đẹp của thầy. Từng lời phê trong học bạ dành cho từng học sinh, thầy viết rất cẩn thận.

Những lời nhận xét của thầy đầy lòng nhân ái và vị tha - một sự cổ vũ, khích lệ học trò bước trên con đường là đồng nghiệp của thầy. Bởi thế, trong hơn nửa thế kỷ nay, lúc nào tôi cũng nghĩ về thầy với tất cả tấm lòng ngưỡng mộ, kính trọng, biết ơn và luôn luôn theo hình thái phong cách sư phạm rất đĩnh đạc, mẫu mực của thầy Nguyễn Trọng Vĩnh.

Tôi được biết thầy được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú - một danh hiệu rất cao quý của Đảng, Nhà nước trao tặng cho các nhà giáo, các nhà hoạt động sư phạm có công lao với đất nước. Sau này tôi còn được biết thầy Nguyễn Trọng Vĩnh là Hiệu trưởng, Chủ tịch HĐQT Trường Nguyễn Siêu - một đơn vị giáo dục rất nổi tiếng, có thể gọi là thương hiệu giáo dục ở thành phố Hà Nội, mà tên tuổi cụ Nguyễn Siêu, tên của nhà trường và biểu trưng của nhà trường là Tháp Bút đã nói lên tất cả những ý nghĩa cao quý của nghề dạy học, của người thầy giáo, mà thầy Vĩnh có thể coi là một tấm gương sáng cho các thế hệ học trò, trong đó có bản thân tôi, noi theo.

Tôi còn có một may mắn nữa là cả gia đình tôi - các thế hệ - đều là học trò thầy Vĩnh. Con trai tôi sinh năm 1981, là học sinh PTTH Nguyễn Siêu, sau khi tốt nghiệp thì học Đại học Giao thông Vận tải, là kĩ sư xây dựng, sau đó được đào tạo trên đại học tại Đức. Đến lượt cháu nội tôi, sinh năm 1997, cũng là học sinh giỏi nhiều năm của Trường Nguyễn Siêu. Nay cháu đã tốt nghiệp Đại học quốc tế RMIT và đi làm. Tất cả những dấu ấn ấy luôn luôn nhắc nhở cả gia đình chúng tôi, từ tôi đến các con cháu tôi, những thế hệ khác nhau là học trò thầy Vĩnh, về lòng biết ơn.

Học bạ do thầy Nguyễn Trọng Vĩnh phê niên học 1963-1964.

Học bạ do thầy Nguyễn Trọng Vĩnh phê niên học 1963-1964.

Mỗi một năm, cứ đến ngày Nhà giáo, dù hoàn cảnh công việc bận rộn, ít có khi gặp lại thầy, trong tâm tưởng tôi, lúc nào thầy cũng là một hình ảnh rất trong sáng và cao quý. Thầy Nguyễn Trọng Vĩnh của chúng tôi chính là người đã truyền cảm hứng cho bản thân tôi và rất nhiều thế hệ học trò.

Sau này, tôi có điều kiện để học tiếp ở bậc đại học và trên đại học, rồi được cử đi làm luận án tiến sĩ ở Liên Xô, cũng về dòng nghiên cứu Triết học Mác Lênin, tôi lại càng nhớ đến thầy hơn... Hành trang cuộc đời mà tôi có được ngày hôm nay bắt đầu từ những người thầy, trong đó có thầy giáo Nguyễn Trọng Vĩnh yêu quý của chúng tôi.

Tôi cứ nhớ mãi một câu thơ như thế này: “Lời thầy giảng khắc trong tim/ Thầy ơi, như thể của chìm đời con”. Bài giảng thật sự thành công sẽ làm tổ trong tâm hồn con người. Và những bài giảng của thầy Nguyễn Trọng Vĩnh luôn luôn là một kỉ niệm đằm thắm, có tác dụng hết sức quan trọng dẫn đường để chúng tôi chọn lấy cho mình một nghề nghiệp có ý nghĩa.

Tôi đã chọn nghề dạy học, tôi đã chọn nghề nghiên cứu khoa học để tiếp nối sự nghiệp của các thầy cô truyền thụ cho mình. Nay đã gần tuổi 90, thầy Nguyễn Trọng Vĩnh của tôi vẫn đam mê công việc như vậy, vẫn làm việc tận tụy vì các thế hệ học trò, tôi nghĩ, quả thật là một tấm gương sáng, đúng với danh hiệu Nhà giáo - Chiến sĩ mà chúng ta tôn vinh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lá bài cuối cùng

GD&TĐ - Sau hơn một năm xung đột dữ dội, cả dải đất Gaza gần như đã bị biến thành đống đổ nát và trở thành một cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ.