'Vạch mặt' những chiêu trò lừa đảo việc làm sinh viên dịp cuối năm

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Thời điểm cuối năm, nhiều sinh viên có xu hướng tìm việc làm để kiếm thêm thu nhập. 

Sinh viên Học viện Phụ nữ Việt Nam tham gia ngày hội việc làm năm 2022.
Sinh viên Học viện Phụ nữ Việt Nam tham gia ngày hội việc làm năm 2022.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, với thị trường việc làm khá phức tạp, trong khi sinh viên chưa có nhiều kinh nghiệm, nếu không cẩn trọng rất dễ rơi vào bẫy lừa tìm việc.

Chú trọng hợp đồng lao động

Nguyễn Thị Thu Trang, quê huyện Lương Tài (Bắc Ninh), sinh viên năm thứ nhất, Trường ĐH Xây dựng Hà Nội cho hay: Mấy ngày nay, em thường vào một số trang mạng tìm việc làm thêm để có tiền chi tiêu cho bản thân trong dịp Tết. Thấy có thông báo tuyển dụng bán hàng quần áo với khung thời gian phù hợp lịch học, thu nhập lại khá hấp dẫn, nữ sinh tìm đến địa chỉ để nộp hồ sơ xin việc. Tại đây, Trang được nhân viên tuyển dụng viết giấy hẹn đồng thời phải “nộp cọc” 500 nghìn đồng để “giữ chỗ” nếu không phía cửa hàng sẽ tuyển dụng người khác. “Nhà quê ra tỉnh”, lại thấy chị nhân viên nhiệt tình, thân thiện nên Trang đồng ý nộp tiền cọc.

“Hơn 1 tuần qua, em chưa thấy phía cửa hàng liên lạc lại. Em tìm đến văn phòng hôm trước thì họ không còn ở đó nữa. Giờ em mới biết mình rơi vào bẫy lừa tìm việc. Họ lợi dụng thời điểm này sinh viên đi tìm việc làm thêm để lừa tiền. Qua đây, em cũng rút ra bài học cho mình khi tìm việc làm bán thời gian, nhất là vào thời điểm cuối năm như hiện nay”, Thu Trang bộc bạch.

Lưu ý về một số chiêu trò lừa đảo, phổ biến khi sinh viên tìm việc làm thêm, bà Lê Thị Thu Huyền - Giám đốc Công ty IGARTEN Egroup khẳng định: Không bao giờ có việc nhẹ, lương cao. Trước khi nhận việc dễ mà lại nhiều tiền, sinh viên cần tìm hiểu thật kỹ công việc đó là gì. Khi đến nộp hồ sơ xin việc, nếu họ yêu cầu đặt cọc hay ứng tiền trước thì 100% là chiêu trò lừa đảo. Nếu có người mượn/thuê giấy tờ cá nhân thì chắc để lừa người khác bằng danh nghĩa của mình.

“Nếu họ hẹn phỏng vấn ngoài văn phòng, địa điểm làm việc thì 100% là có ý đồ xấu. Làm gì cũng cần có hợp đồng, đọc hợp đồng thật kỹ. Nếu có thể, sinh viên cầm về nghiên cứu trước khi ký. Còn nếu không được thì các em nên chào và ra về luôn”, bà Huyền khuyến cáo.

Theo TS Nguyễn Thị Thùy Yên – Trưởng khoa Quan hệ lao động và Công đoàn, Trường ĐH Công đoàn (Hà Nội), sinh viên làm việc bán thời gian được xem là có quan hệ lao động với người sử dụng lao động. Tại Nghị định số 38/2022/NĐ-CP ngày 16/6/2022 của Chính phủ “Quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động”.

Quyền lợi của người đi làm thêm, trong đó có sinh viên cũng được nêu rõ trong Nghị định này. Người sử dụng lao động phải giao kết hợp đồng với người lao động, bất kể làm việc toàn thời gian hay bán thời gian. Do đó, khi đi làm thêm, sinh viên cần xác lập quan hệ lao động thông qua hợp đồng lao động để bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của mình.

Sinh viên Trường ĐH Công đoàn tại Hội nghị đối thoại hiệu trưởng với sinh viên năm học.

Sinh viên Trường ĐH Công đoàn tại Hội nghị đối thoại hiệu trưởng với sinh viên năm học.

Thận trọng không thừa

TS Hoàng Trung Học – Trưởng khoa Tâm lý - Giáo dục (Học viện Quản lý giáo dục) nhìn nhận, nhu cầu làm việc của sinh viên để kiếm thêm thu nhập bằng sức lao động và tăng cường trải nghiệm thực tiễn là đáng trân trọng. Làm thêm không chỉ giúp sinh viên kiếm thêm thu nhập chính đáng, mà còn tăng trải nghiệm sống. Điều này có ý nghĩa không kém những bài học trên giảng đường đại học.

Tuy vậy, đối với việc làm thêm nói chung và làm thêm trong dịp Tết nói riêng, sinh viên cần lưu ý: Nhiệm vụ học tập của sinh viên vẫn là quan trọng nhất. Các em cần hoàn thành nhiệm vụ học tập trước. Sau đó, nếu còn thời gian, tâm sức mới dành cho việc làm thêm. “Chúng tôi thường khuyên, sinh viên có thể làm thêm vào năm thứ ba, thứ tư - khi đã quen với việc học và có những kinh nghiệm nhất định” - TS Hoàng Trung Học nhấn mạnh, đồng thời tư vấn: Việc làm thêm cũng chỉ nên thực hiện vào thời điểm phù hợp như nghỉ hè hoặc vào buổi tối để không ảnh hưởng đến lịch học.

Cũng theo TS Hoàng Trung Học, sinh viên không nên làm công việc không liên quan gì với ngành mình học. Thay vào đó, chọn những công việc phù hợp với năng lực, kiến thức đã được học ở trường. Làm được như vậy sẽ đạt mục tiêu kép là vừa học vừa làm. Đặc biệt, các em cần cẩn trọng khi chọn công việc, đảm bảo an toàn, tránh những môi trường nguy cơ cao, có thể gây nguy hiểm. Muốn vậy, sinh viên phải tìm hiểu rõ công việc mình sẽ làm. Cần có thỏa thuận, tốt nhất là có hợp đồng lao động quy định trách nhiệm, nghĩa vụ cho các bên để tránh trường hợp bị lừa hoặc bị “quỵt” lương.

Nhấn mạnh, sinh viên cần xác định việc học là chính, làm thêm chỉ là phụ, TS Nguyễn Thị Thùy Yên khuyến cáo, các em nên tìm kiếm công việc phù hợp nhất với năng lực, thời gian học ở trường. Tuyệt đối không chạy theo công việc mà bỏ bê học tập. Các em cần tìm hiểu thật kỹ, đến những địa chỉ uy tín để tìm việc như trung tâm hỗ trợ sinh viên, Đoàn trường, hội sinh viên nơi đang học... để tìm kiếm cơ hội việc làm phù hợp, tránh bị lừa đảo.

“Việc mải mê làm thêm mà không sắp xếp hợp lý thời gian cho học tập sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến kết quả, thậm chí chậm ra trường… Vì vậy, các em cần tính toán giữa việc làm thêm và học tập để có lựa chọn đúng đắn nhất cho mình” - TS Nguyễn Thị Thùy Yên chia sẻ.

Các em nên cân nhắc thật kỹ trước khi quyết định có thể làm thêm trong dịp này hay không. Nếu có thời gian, nhu cầu và xét thấy công việc phù hợp…, các em nên trao đổi với gia đình, bố mẹ để có được sự thấu cảm, đồng thuận. Có như vậy, việc làm thêm của các em mới đạt được những mục tiêu mong muốn. - TS Hoàng Trung Học

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trẻ nhập viện do uống vitamin quá liều. Ảnh: Bệnh viện Nhi Trung ương

'Con dao hai lưỡi' mang tên vitamin

GD&TĐ - Theo chuyên gia y tế, chỉ nên sử dụng một lượng vitamin cân đối vừa đủ cũng như phù hợp với tình trạng sức khỏe và nhu cầu của cơ thể.