Các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên ở Quảng Bình đã nỗ lực vừa thực hiện dạy học văn hoá vừa kết hợp đào tạo nghề cho học viên có nhu cầu sau khi tốt nghiệp THCS.
Giúp học viên tìm kiếm được việc làm sau khi tốt nghiệp
Hai năm trở lại đây, nhờ làm tốt công tác phân luồng học sinh THCS, số lượng học viên tại các Trung tâm GDNN-GDTX ở Quảng Bình ngày càng tăng. Học viên vừa theo học văn hóa, vừa kết hợp với đào tạo nghề. Nhờ đó, ngay sau khi ra trường, các học viên tốt nghiệp đã được nhận cùng lúc bằng tốt nghiệp THPT và bằng trung cấp chuyên nghiệp.
Chính vì vậy, sau khi tốt nghiệp, thay vì mất thêm một khoảng thời gian tiếp tục học nghề thì nay học viên được theo học những ngành nghề cụ thể, nắm bắt kỹ năng và được thực hành ngay khi còn trên ghế nhà trường. Sau khi ra trường, các em đã có sẵn tay nghề cần thiết để tham gia vào thị trường lao động, nhờ đó sẽ tiết kiệm được thêm một khoản chi phí đào tạo nghề.
Tại Trung tâm GDNN-GDTX TP. Đồng Hới hiện có 16 lớp với 743 học viên theo học chương trình GDTX bậc THPT kèm học nghề và GDTX bậc THPT kèm chương trình trung cấp chuyên nghiệp. Ngay sau khi tốt nghiệp THPT, nhiều em trong số đó đã tìm kiếm được việc làm phù hợp với ngành nghề đào tạo.
Em Mai Văn Huyển (trú tại xã Hải Ninh, Quảng Ninh) vừa học văn hóa vừa theo học trung cấp nghiệp vụ nhà hàng. Thế nên, ngay khi ra trường, Huyển đã xin được công việc quản lý tại một quán cà phê lớn ở xã Bảo Ninh.
Cùng với học văn hoá, các học viên được đào tạo nghề mở ra cơ hội tìm kiếm việc làm sau khi tốt nghiệp. |
Huyển cho hay, việc vừa học văn hoá vừa học nghề may mặc dù trước mắt sẽ mất nhiều thời gian, thế nhưng sau khi tốt nghiệp THPT, em đã xin được việc làm đúng với mong muốn. Vì vậy, Huyển cũng đang tư vấn cho các em của mình theo học chương trình trên.
Theo thầy giáo Nguyễn Tiến Quang, Phó Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX TP. Đồng Hới, mặc dù chất lượng đầu vào thường bị đánh giá thấp, nhưng qua quá trình phấn đấu, rèn luyện, chất lượng học tập của học viên đã được cải thiện và nâng lên.
Để nâng cao chất lượng hoạt động chuyên môn, chất lượng dạy học chương trình GDTX bậc THPT, trung tâm đã liên kết đào tạo với các trường cao đẳng trên địa bàn tỉnh hỗ trợ đào tạo nghề cho học viên.
“Trung tâm luôn quan tâm bồi dưỡng để học viên hiểu ý nghĩa thiết thực của việc học nghề kết hợp với học văn hóa chương trình GDTX bậc THPT, giúp các em định hướng phấn đấu rèn luyện, có tinh thần vượt khó vươn lên trong học văn hóa và học nghề. Vì vậy, nhiều em sau khi tốt nghiệp đã xin được việc làm như mong muốn”, thầy Quang cho biết thêm.
Những khó khăn của công tác đào tạo nghề
Thầy Nguyễn Xuân Hải, Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX huyện Bố Trạch cho hay, hiện nay, nhu cầu về việc làm của người dân trên địa bàn huyện khá cao, đặc biệt là độ tuổi sau tốt nghiệp THPT.
Trong năm học 2022 - 2023, Trung tâm dự kiến đào tạo cho 260 học viên. Trước nay, Trung tâm đã liên kết với các trường như: Cao đẳng Kỹ thuật Công - Nông nghiệp Quảng Bình, Cao đẳng Nghề Quảng Bình... để đào tạo các ngành nghề như: chế biến món ăn, nghiệp vụ nhà hàng, điện công nghiệp.
Nhờ được trang bị các kỹ năng, có tay nghề từ sớm nên đa số học viên tự tin hơn khi tham gia vào các thị trường lao động sau khi hoàn thành chương trình đào tạo. Nhiều học viên sau khi kết thúc khoá học đã kiếm được cho mình công việc mong muốn với mức thu nhập ổn định.
Việc được trang bị các kỹ năng, có tay nghề từ sớm mở ra cơ hội cho học viên dễ tìm kiếm được việc làm sau khi ra trường. |
Tuy nhiên, theo thầy Hải, bên cạnh những thuận lợi, công tác đào tạo nghề cũng gặp rất nhiều khó khăn, chất lượng đầu vào thường thấp. Bên cạnh đó, học viên lại phải học song song hai chương trình GDTX bậc THPT và trung cấp nghề nên việc đầu tư cho mỗi chương trình học còn ít thời gian.
Ngoài ra, việc phát triển quy mô lớp học cũng gặp nhiều khó khăn do số lượng HS phân bổ cho các lớp 10 ở các trường THPT trên địa bàn chiếm hết số học sinh lớp 9 vừa ra trường. Bên cạnh đó, nhiều em chưa tập trung theo đuổi ngành nghề đã chọn. Cùng với đó, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, giáo viên đứng lớp... còn thiếu so với yêu cầu.