Vắc-xin Trung Quốc có thể kết hợp với các loại khác?

GD&TĐ - TS.DS Phạm Đức Hùng gợi ý, có thể sử dụng vắc-xin CoronaVac như 1 liều tiêm đầu tiên. Sau đó, có thể đẩy mạnh liều thứ 2 hoặc thậm chí là thứ 3 (nếu có) với vắc-xin AstraZeneca, Pfizer hay Moderna.

Hiệu lực của Vero Cell và CoronaVac khác nhau tại các quốc gia.
Hiệu lực của Vero Cell và CoronaVac khác nhau tại các quốc gia.

Phản ứng phụ thấp

Giáo sư Y khoa Nguyễn Văn Tuấn - Đại học New South Wales (Australia) cho biết, Trung Quốc có 2 loại vắc-xin đang được sử dụng, do Công ty Sinopharm và Sinovac Biotech sản xuất. Vắc-xin của Công ty Sinopharm có tên là “BBIBP” (hay BBIBP - CorV; Vero Cell). Vắc-xin của Sinovac là “CoronaVac”.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phê chuẩn cho sử dụng BBIBP vắc-xin vào tháng 5 và CoronaVac vào tháng 6 năm nay. Tính đến cuối tháng 6, Trung Quốc đã tiêm chủng hơn 1 tỷ liều của 2 vắc-xin này trong nước. Đồng thời, cung cấp hàng trăm triệu liều cho hơn 80 quốc gia trên thế giới.

Chia sẻ về hai loại vắc-xin này, Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn cho biết, BBIBP và CoronaVac đều được bào chế theo kĩ thuật truyền thống. Theo đó, nhà khoa học lấy các phân tử của virus. Sau đó, làm cho chúng bất kích hoạt (tức không thể gây bệnh Covid-19).

Vắc-xin BBIBP có nhiều protein bắt chước hệ thống miễn dịch con người kích thích sản sinh các kháng thể. Nhờ đó, nhằm phát hiện và chống trả sự tấn công của SARS-Cov-2. Kỹ thuật này được áp dụng trong việc sản xuất các vắc-xin chống bệnh Polio, viêm gan A và cả cúm mùa.

Tuy nhiên, chuyên gia này cho rằng, dữ liệu về hiệu quả của hai loại vắc-xin này còn hạn chế. Song, những dữ liệu cho thấy, hiệu quả của hai vắc-xin dao động rất lớn, từ 51% đến 84%, tùy vào quần thể thử nghiệm.

“Về mức độ an toàn, số liệu báo cáo cho thấy, nguy cơ phản ứng phụ rất thấp, chỉ bằng 3 - 4 phần 10.000 so với các vắc-xin như AstraZeneca và Pfizer”, chuyên gia nhận định.

Cũng theo Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn, có thể tiêm vắc-xin Vero Cell hoặc CoronaVac như một liều bổ trợ cho AstraZeneca, Pfizer hay Moderna. 

Sử dụng làm liều tiêm đầu tiên?

Bộ Y tế đồng ý cho Công ty TNHH một thành viên Dược Sài Gòn nhập khẩu 5 triệu liều vắc-xin Covid-19 Vero Cell, đáp ứng nhu cầu cấp bách cho phòng chống dịch Covid-19 tại Việt Nam. TPHCM được quyền phân phối, sử dụng.
Vắc-xin Covid-19 Vero Cell là loại thứ 6 được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chấp thuận cho tình huống khẩn cấp.
Tại Việt Nam, ngày 4/6 vừa qua, vắc-xin của Sinopharm cũng đã được Bộ Y tế đồng ý phê duyệt có điều kiện. Trước đó, ngày 20/6, Bộ Ngoại giao và Bộ Y tế đã phối hợp Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam tiếp nhận 500.000 liều vắc-xin Vero Cell của Sinopharm.
Đến nay, vắc-xin Covid-19 của Sinopharm đã cung cấp tới hơn 70 quốc gia. Trung Quốc cho biết có thể sản xuất 3 tỷ liều vắc-xin Vero Cell mỗi năm.

Chia sẻ về CoronaVac, TS.DS Phạm Đức Hùng, Bệnh viện Cincinnati (Mỹ) nhận xét, hiệu lực của loại vắc-xin này thay đổi lớn giữa các quốc gia.

Cụ thể, ở Brazil là 51%, Indonesia 65%, Thổ Nhĩ Kỳ 83%. Trong khi đó, tỷ lệ giảm tử vong sau khi tiêm vắc-xin được báo cáo trên dưới 100%. Số lượng thử nghiệm là khoảng 1.000 – 12.000 người tùy nơi.

“Lý do được nghĩ tới là vào lúc được thử nghiệm pha 3, ở các quốc gia có các biến thể virus khác nhau, như Brazil có biến thể Gamma, còn Thổ Nhĩ Kỳ thì bị biến thể Alpha. Sau đó, người ta tiến hành 1 nghiên cứu thời gian thực ở Chile trên 10,2 triệu người thì cho thấy, vắc-xin có hiệu lực 66% giảm triệu chứng bệnh và giảm nhập viện do Covid đến 88%”, TS Hùng dẫn chứng.

Theo chuyên gia này, với CoronaVac hiện tại, có thể sử dụng vắc-xin này như 1 liều tiêm đầu tiên. Sau đó, có thể đẩy mạnh liều thứ 2 hoặc thậm chí là thứ 3 (nếu có) với vắc-xin AstraZeneca, Pfizer, hay Moderna.

“Vắc-xin Trung Quốc sản xuất theo công nghệ bất hoạt. Trừ khi có thành phần nào đặc biệt, nếu không thì đây là công nghệ đã được làm chủ, các tác dụng phụ và biến đổi được nắm bắt tốt hơn công nghệ mới”, TS.DS Phạm Đức Hùng nhận định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thầy Tân tranh thủ thời gian rảnh bán vé số để có nguồn hỗ trợ học sinh, dân nghèo. Ảnh: Thành Thật

Thầy giáo bán vé số giúp học trò nghèo

GD&TĐ - Người dân ở thị trấn Phong Điền (Phong Điền, Cần Thơ) từ lâu đã quen với bóng dáng thầy Tân trong bộ quần tây, áo trắng đi bán vé số giúp trò...