Vắc-xin Sinopharm (Trung Quốc): Tác dụng phụ nhẹ

GD&TĐ - Tác dụng phụ của Sinopharm hầu hết là nhẹ, như sốt và đau tại chỗ tiêm. Trong khi đó, khả năng sinh kháng thể của vắc-xin Sinopharm là trung hòa, nhưng hiệu giá với biến thể B.1.351 (Nam Phi) giảm.

Vắc-xin Sinopharm sẽ được ưu tiên tiêm cho 3 nhóm người. Ảnh: Bộ Y tế cung cấp.
Vắc-xin Sinopharm sẽ được ưu tiên tiêm cho 3 nhóm người. Ảnh: Bộ Y tế cung cấp.

Tiếp nhận 500 nghìn liều

Chiều 20/6, được sự ủy quyền của Chính phủ, tại Sân bay Quốc tế Nội Bài, Ban Đối ngoại Trung ương, Bộ Ngoại giao và Bộ Y tế đã phối hợp với Đại sứ quán nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa tại Việt Nam tiếp nhận 500.000 liều vắc-xin Vero-Cell của Sinopharm và 502.400 kim tiêm chủng dùng một lần, loại 1ml.

Bộ Y tế cho biết, lô vắc-xin Sinopharm vừa tiếp nhận từ Trung Quốc sẽ được ưu tiên tiêm cho 3 nhóm: Người Trung Quốc đang làm việc tại Việt Nam, người Việt Nam có nhu cầu học tập, làm việc tại Trung Quốc và người dân khu vực biên giới.

Như vậy, đến nay, Việt Nam sẽ có 3 loại vắc-xin, bao gồm: Gần 4 triệu liều AstraZeneca từ nguồn mua của VNVC, Covax và 1 triệu liều do Nhật Bản tặng; 2.000 liều Sputnik V của Nga tặng và 500.000 liều Sinopharm.

Trước đó, ngày 3/6, Việt Nam chính thức cấp phép khẩn cấp có điều kiện vắc-xin Sinopharm trong trường hợp phòng chống Covid-19. Ngoài Sinopharm, Việt Nam cũng đã cấp phép cho 3 loại vắc-xin khác, gồm: AstraZeneca, Sputnik V, Pfizer.

Theo Bộ Y tế, vắc-xin Sinopharm của Trung Quốc được nghiên cứu phát triển bằng công nghệ bất hoạt, từ tháng 2/2020. Cuối tháng 4/2020, vắc-xin này được phê duyệt thử nghiệm trên người. Ngày 23/6, vắc-xin bắt đầu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 tại Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE), Bahrain, Ai Cập, Peru, Maroc và Argentina.

Công ty Sinopharm cho biết, đây là loại vắc-xin bất hoạt được sản xuất bằng cách phân lập chủng WIV04 từ một bệnh nhân ở Vũ Hán (chẩn đoán vào năm 2019). Đây là một trong 3 chủng nhân lên nhanh nhất khi nuôi trên tế bào thận khỉ.

Sau đó, virus được bất hoạt bằng cách sử dụng B-propiolactone. Sau đó, virus bất hoạt được trộn với chất bổ trợ (gốc nhôm) nhằm kích thích hệ miễn dịch tăng cường phản ứng với vắc-xin. 

Khả năng sinh kháng thể trung hòa

Chia sẻ về vắc-xin Sinopharm, TS.BS Nguyễn Thu Anh - Giám đốc Viện nghiên cứu Y khoa Woolcock, Trường Đại học Sydney (Australia), cho biết, về lý thuyết, virus bị bất hoạt tức là đã chết, nên không còn khả năng gây bệnh. Khi được tiêm vào cơ thể, vắc-xin sẽ kích thích hệ miễn dịch sinh kháng thể. Khi Covid-19 xâm nhập vào cơ thể, kháng thể có sẵn sẽ tiêu diệt virus. Khoảng cách giữa 2 liều là 21 (+7) ngày.

“Cần lưu ý rằng, virus bất hoạt là chủng trước đây. Vì thế, hiện không rõ kháng thể sinh ra có tiêu diệt được chủng virus mới không. Phương pháp phát triển vắc-xin từ virus bất hoạt có từ những năm 1950 tới nay cho bệnh bại liệt, bệnh dại và viêm gan A”, chuyên gia chia sẻ.

Tác dụng phụ của Sinopharm hầu hết là nhẹ, như sốt và đau tại chỗ tiêm. Tuy nhiên, TS Thu Anh nhận định, cần xem xét các tác dụng phụ về chuyển hóa, thận tiết niệu, xương khớp khi tiêm ở diện rộng.

“Theo số liệu của chương trình tiêm chủng ở Trung Quốc, tỷ lệ người gặp tác dụng phụ là 24,6/100.000 liều. 11 người có các triệu chứng thần kinh mặt. Không có thông tin cụ thể về tác dụng phụ này, nhưng được kết luận là không liên quan tới vắc-xin. Một ca tiêm Sinopharm (trên hơn 13.000 người) bị huyết khối”, TS Thu Anh dẫn chứng.

Khả năng sinh kháng thể của vắc-xin Sinopharm là trung hòa, nhưng hiệu giá với B.1.351 (Nam Phi) giảm. Bên cạnh đó, có một số vấn đề về Sinoharm chưa được kết luận. Theo chuyên gia này, hiện chưa rõ vắc-xin có bảo vệ được bệnh nặng không, cũng như hiệu quả với các chủng mới ra sao.

Bên cạnh đó, thời gian cần tiêm nhắc lại và khoảng cách là bao lâu cũng chưa được làm rõ. Sinopharm cũng chưa được chứng minh có an toàn với phụ nữ mang thai không.

Mục tiêu phổ cập vắc-xin

Tới nay, Sinopharm đã sản xuất hơn 450 triệu liều vắc-xin. Trong đó, 100 triệu liều được cung cấp thông qua hình thức viện trợ Chính phủ và bán thương mại cho các doanh nghiệp. Vắc-xin Sinopharm đã được cung cấp tới hơn 70 quốc gia. Hiện tại, hơn 100 quốc gia có nhu cầu đặt mua vắc-xin của Sinopharm.

Vắc-xin Sinopharm được bảo quản trong điều kiện từ 2 - 8 độ C. Thời hạn sử dụng là 2 năm. Điều kiện bảo quản và vận chuyển dễ dàng. Nhờ đó, giúp giảm chi phí vận chuyển và lưu kho của vắc-xin.

Sinopharm là đơn vị sản xuất vắc-xin lớn nhất tại Trung Quốc. Để đáp ứng nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước, Sinopharm đang tiếp tục mở rộng năng lực sản xuất vắc-xin Covid-19. Công ty đặt mục tiêu trở thành nhà cung cấp vắc-xin Covid-19 lớn nhất thế giới. Qua đó, giúp vắc-xin được phổ cập rộng hơn tới người dùng.

Trong thời gian tới, bên cạnh nguồn vắc-xin của Pfizer đã ký kết, Việt Nam dự kiến tiếp nhận thêm một số loại vắc-xin được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho phép lưu hành khẩn cấp. Trong đó, bao gồm 3 loại vắc-xin AstraZeneca (sản xuất tại Hàn Quốc, Ấn Độ và châu Âu); Johnson & Johnson; Moderna; Sinopharm; SinoVac; Pfizer qua Chương trình COVAX Facility.

Bên cạnh đó, Việt Nam tiếp tục nhận viện trợ song phương của các nước. Vừa qua, Bộ Y tế đã tiếp nhận gần 1 triệu liều vắc-xin AstraZeneca từ Chính phủ Nhật Bản.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giáo viên Trường Tiểu học Lê Đình Chinh với sáng kiến tổ chức cho học sinh viết thư “điều con muốn nói” gửi đến ba, mẹ trong buổi họp sơ kết học kỳ I năm học 2023 - 2024. Ảnh: PV

Chống 'sốc' cho giáo viên trẻ

GD&TĐ - Không chỉ gặp khó khăn về phương pháp sư phạm, nhiều giáo viên trẻ còn hạn chế trong kỹ năng quản lý lớp học, tương tác với phụ huynh, học sinh…