“Trộn” vắc-xin cần sự đồng ý từ người được tiêm

GD&TĐ - Trường hợp số lượng vắc-xin hạn chế, ưu tiên sử dụng vắc-xin của Pfizer để tiêm mũi 2 cho những người đã tiêm mũi thứ nhất bằng vắc-xin AstraZeneca từ 8 - 12 tuần. Tuy nhiên, cần sự đồng ý từ người được tiêm.

Nhiều quốc gia đã triển khai tiêm kết hợp vắc-xin. Ảnh minh họa
Nhiều quốc gia đã triển khai tiêm kết hợp vắc-xin. Ảnh minh họa

Cần sự đồng ý của người tiêm

Ngày 13/7, Bộ Y tế phân bổ vắc-xin Pfizer cho TPHCM gần 55.000 liều, Hà Nội hơn 38.000 liều, Bình Dương và Đồng Nai mỗi tỉnh hơn 25.000 liều. Tổng số liều Pfizer phân bổ theo kế hoạch là hơn 745.000. Tuy nhiên, lượng vắc-xin thực tế về Việt Nam là hơn 97.000 liều. Phần còn lại dự kiến về trong tháng này.

Bộ Y tế cho biết, theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và các nhà sản xuất, tốt nhất là mỗi người cần tiêm đủ liều của cùng một loại vắc-xin phòng Covid-19. Tuy nhiên, căn cứ số lượng vắc-xin được cung ứng, Bộ Y tế đã có hướng dẫn cho các địa phương.

Cụ thể, trường hợp số lượng vắc-xin hạn chế, ưu tiên sử dụng vắc-xin của Pfizer để tiêm mũi 2 cho những người đã tiêm mũi thứ nhất bằng vắc-xin AstraZeneca từ 8 - 12 tuần, nếu người được tiêm đồng ý. Những trường hợp như vậy phải được theo dõi sức khỏe chặt chẽ hơn sau khi tiêm chủng.

Trên thế giới, nhiều quốc gia cũng đã tiến hành thử nghiệm tiêm trộn 2 mũi vắc-xin Covid-19 khác nhau cho người dân.

Hiện nay, hướng dẫn của các nhà sản xuất vắc-xin đều khuyến cáo sử dụng cùng một loại vắc-xin phòng Covid-19 để tiêm đủ liều cho một người. Tuy nhiên, trên thực tế, nguồn cung vắc-xin phòng Covid-19 rất hạn chế. Do đó, việc tiếp cận nguồn cung để có đủ vắc-xin cùng loại để tiêm mũi 2 ngay khi đến lịch cho những người đã được tiêm mũi 1 là điều khó khăn.

Không chỉ Việt Nam, một số quốc gia đã xem xét và triển khai tiêm mũi 1 vắc-xin AstraZeneca và tiêm mũi 2 bằng vắc-xin của Pfizer. Theo ghi nhận tại các quốc gia này, việc triển khai tiêm chủng 2 mũi vắc-xin khác loại cho cùng một người vẫn có hiệu lực bảo vệ phòng Covid-19. Tuy nhiên, khi tiêm hai loại vắc-xin AstraZeneca và Pfizer, có ghi nhận gia tăng một số phản ứng thông thường sau tiêm chủng.

“Cơ hội vàng” để làm nghiên cứu?

Theo TS Nguyễn Thu Anh - Giám đốc Viện Nghiên cứu Woolcock Việt Nam, Đại học Sydney (Australia), việc tiêm kết hợp AstraZeneca (mũi 1) và Pfizer (mũi 2) cho thấy đáp ứng miễn dịch tốt hơn. Tác dụng phụ ở mức nhẹ. Chuyên gia này dẫn chứng, có ít nhất 3 nghiên cứu đã cho kết quả về việc kết hợp vắc-xin.

Bên cạnh đó, hiện đã có một số thử nghiệm kết hợp vắc-xin của AstraZeneca và Sputnik V; Cansino và vắc-xin của Chongqing Zhifei Biological; Novavax và 1 loại vắc-xin khác chưa rõ; Sputnik V và vắc-xin Trung Quốc.

Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Thu Anh, các tổ chức lớn (WHO, EMA, CDC) và chính phủ một số nước vẫn thận trọng vì chưa có dữ liệu tin cậy. Bên cạnh đó, hàng chục quốc gia đã tiêm kết hợp vắc-xin. Chủ yếu là mũi 1 của AstraZeneca và mũi 2 của Pfizer. Một số nước triển khai thận trọng, chỉ cho phép kết hợp vắc-xin với điều kiện nhấn định.

Trong khi đó, chuyên gia dịch tễ học, Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn (Đại học New South Wales, Australia) cho biết, việc tiêm vắc-xin hiện nay là dựa trên chứng cớ khoa học rút ra từ các thử nghiệm lâm sàng (RCT) giai đoạn III.

Theo đó, các thử nghiệm này tiêm 2 liều của một vắc-xin (cách nhau một vài tuần) cho tình nguyện viên. Đánh giá về hiệu quả vắc-xin được tính toán trên số ca bị nhiễm ở nhóm tiêm vắc-xin và nhóm chứng. Các vắc-xin như AstraZeneca (AZ), Pfizer (P), Moderna,... đều có hiệu quả qua đánh giá như vậy.

Theo chuyên gia này, Việt Nam có thể làm nghiên cứu so sánh hiệu quả của trộn vắc-xin.

“Việt Nam đang tiêm nhiều loại vắc-xin và đây là cơ hội vàng để làm một nghiên cứu quan sát”, Giáo sư Tuấn nhận định.

Chuyên gia này gợi ý, có thể thiết kế theo mô hình đơn giản 4 nhóm như nhóm Oxford: AZ+AZ, AZ+P, P+AZ và P+P. Tuy nhiên, kết quả cần là tỷ lệ nhiễm, không phải chỉ số kháng thể. Số lượng tình nguyện viên cũng sẽ lớn hơn nhóm Oxford. “Có thể phải xác định khoảng cách giữa 2 liều vắc-xin và thời gian theo dõi. Nếu làm nghiên cứu như thế, cuối năm sẽ có kết quả”, Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn dự đoán.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa INT.

Môn học công cụ

GD&TĐ - Theo kết quả kỳ thi học sinh giỏi quốc gia lớp 12 năm học 2024 - 2025, Hà Nội vẫn dẫn đầu cả nước về số lượng học sinh đoạt giải.