Vắc-xin hoàn toàn "chặn đứng" Covid-19: Mục tiêu phi thực tế!

GD&TĐ - 2021 là năm vắc-xin Covid-19 chứng tỏ sức mạnh. Chúng ta đã bắt đầu một năm đầy hy vọng.

Vắc-xin không thể bảo vệ hoàn toàn khỏi Covid-19.
Vắc-xin không thể bảo vệ hoàn toàn khỏi Covid-19.

Với việc sản xuất lượng lớn vắc-xin, các chuyên gia hy vọng sẽ kiểm soát đại dịch và đưa cuộc sống trở lại bình thường. Song, liệu đó có phải suy nghĩ quá lạc quan hay không?

“Rào cản” của vắc-xin

Khoảng 200 triệu người ở Mỹ và hàng tỷ người trên toàn cầu đã được tiêm chủng đầy đủ. Vắc-xin của Pfizer, Moderna và Johnson & Johnson đã có sẵn tại Mỹ. Pfizer thậm chí đang sản xuất vắc-xin dành cho trẻ em dưới 5 tuổi.

Khoảng hai chục loại vắc-xin khác cũng đã được triển khai tiêm ở các nơi trên thế giới. Ở một số quốc gia có thu nhập cao hơn, bao gồm Mỹ, mọi người đã được tiêm mũi tăng cường.

Tuy nhiên, 2021 cũng là năm khắc hoạ rõ nét những giới hạn của vắc-xin. Các loại vắc-xin “vật lộn” trong việc ứng phó với những biến thể mới của Covid-19, sự chần chừ khi chủng ngừa của một số người và hiệu quả giảm dần của vắc-xin...

Những yếu tố này chứng minh rằng, còn rất nhiều việc phải làm để chấm dứt đại dịch này. Như để khẳng định điều đó, sự xuất hiện của biến thể Omicron vào cuối tháng 11 đã mang đến sự không chắc chắn mới cho tương lai của đại dịch.

Nhiều loại vắc-xin Covid-19 đã chứng minh hiệu quả, đặc biệt là trong việc ngừa bệnh nặng và tử vong. Điều đó đúng ngay cả với sự xuất hiện của nhiều biến thể mới. Tháng 1, số ca mắc Covid-19 trung bình ở Mỹ đạt đỉnh gần 250 nghìn/ngày. Song, việc triển khai tiêm chủng đã được thực hiện nghiêm túc. Ngay sau đó, số trường hợp mắc bệnh bắt đầu giảm mạnh.

Tuy nhiên, trong mùa hè, những báo cáo về ca mắc Covid-19 ở người được tiêm chủng bắt đầu xuất hiện. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, hiệu quả bảo vệ của vắc-xin giảm dần sau vài tháng.

Song, mục tiêu ban đầu của vắc-xin là ngăn ngừa nhập viện đã được duy trì ổn định, với hiệu quả khoảng 80 - 95%. Bằng chứng về sự suy giảm mức độ bảo vệ đã thúc đẩy Mỹ và các quốc gia khác “bật đèn xanh” tiêm mũi tăng cường cho người trưởng thành.

Nỗi lo về khả năng miễn dịch suy giảm ngày càng tăng, trong bối cảnh các biến thể mới xuất hiện. Thời điểm này, Delta là biến thể xuất hiện nhiều nhất trên toàn cầu. Song, tin tốt là những người được tiêm chủng có vũ khí chống lại những kẻ thù đột biến này.

Nina Luning Prak - nhà miễn dịch học tại Trường Đại học Pennsylvania, cho biết, hệ thống miễn dịch phát động một cuộc tấn công đa chiều chống lại những kẻ xâm nhập. Theo chuyên gia này, đối phó với các biến thể “là những gì hệ thống miễn dịch làm”.

Các kháng thể do vắc-xin kích hoạt vẫn tấn công Alpha và Delta, dù hiệu quả thấp hơn so với chủng ban đầu. Mặc dù khả năng bảo vệ giảm trước nhiều biến thể này, nhưng những người được tiêm chủng vẫn ít có khả năng phải nhập viện.

Các chuyên gia cho biết sẽ tiếp tục theo dõi hiệu quả của vắc-xin, đặc biệt là khi biến thể mới, như Omicron, xuất hiện. Muge Cevik - bác sĩ bệnh truyền nhiễm và nhà virus học tại Trường Đại học St. Andrews ở Scotland, cho biết: “Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, chúng tôi theo dõi cơ bản các đột biến của virus trong thời gian thực. Chúng ta nhìn thấy virus bởi đang tìm kiếm nó”.

Theo chuyên gia này, do khả năng bảo vệ đa dạng của hệ thống miễn dịch, sẽ rất khó để một biến thể Coronavirus trở nên hoàn toàn kháng lại vắc-xin.

Người dân tại một điểm tiêm chủng tại Mỹ.
Người dân tại một điểm tiêm chủng tại Mỹ.

Tỷ lệ sốc phản vệ thấp

Với hàng tỷ liều được phân phối trên khắp thế giới, các mũi tiêm đã chứng tỏ không chỉ hiệu quả mà còn an toàn đáng kể, ít mang lại tác dụng phụ nghiêm trọng. Kawsar Talaat - bác sĩ bệnh truyền nhiễm tại Trường Y tế Công cộng Johns Hopkins Bloomberg (Mỹ) cho biết: “Chúng tôi có rất nhiều dữ liệu về độ an toàn của các loại vắc-xin này”.

Các tác dụng phụ thường được báo cáo bao gồm đau, đỏ hoặc sưng tại chỗ tiêm, đau cơ, mệt mỏi, sốt, ớn lạnh hoặc đau đầu. Các triệu chứng này thường chỉ kéo dài một hoặc hai ngày. Trong khi đó, các tác dụng phụ hiếm gặp và nghiêm trọng hơn cũng được ghi nhận.

Tuy nhiên, không nhiều người gặp tác dụng phụ nghiêm trọng. Các thành phần của vắc-xin mRNA có thể gây phản ứng dị ứng, bao gồm sốc phản vệ và có thể đe dọa tính mạng. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) tính toán, phản vệ xảy ra với tỷ lệ khoảng 0,025 - 0,047 trường hợp cho mỗi 10 nghìn liều vắc-xin được tiêm.

Song, một nghiên cứu trên gần 65 nghìn nhân viên y tế ở Massachusetts cho thấy, tỷ lệ này có thể là 2,47 trường hợp trên 10 nghìn liều tiêm chủng. Tuy nhiên, đây vẫn là tỷ lệ thấp. Những người bị sốc phản vệ sau tiêm mũi một vẫn có thể chủng ngừa đầy đủ, nếu mũi thứ hai được chia thành các liều nhỏ hơn.

Tác dụng phụ hiếm gặp của vắc-xin Covid-19 là gây đông máu, kèm số lượng tiểu cầu đông máu thấp. Được gọi là huyết khối với hội chứng giảm tiểu cầu hoặc TTS, bệnh này phổ biến nhất ở những phụ nữ dưới 50 tuổi đã tiêm vắc-xin Johnson & Johnson, hoặc vắc-xin tương tự do AstraZeneca sản xuất.

Nhiều quốc gia bắt đầu triển khai tiêm mũi tăng cường.
Nhiều quốc gia bắt đầu triển khai tiêm mũi tăng cường.

Quá trình “phức tạp”

Nhiệm vụ tiêm chủng phải đối mặt với hai thách thức chính: Cung cấp vắc-xin cho mọi người và thuyết phục họ sử dụng. Các chiến lược được áp dụng cho đến nay là khuyến khích và khiến vắc-xin có thể tiếp cận được.

Nhà tâm lý học Gretchen Chapman thuộc Trường Đại học Carnegie Mellon ở Pittsburgh (Mỹ) - người nghiên cứu về việc chấp nhận tiêm vắc-xin, cho biết: “Mục tiêu vô cùng tham vọng là cố gắng đưa phần lớn đất nước và toàn cầu được tiêm chủng trong khoảng thời gian ngắn. Thông thường, phải mất vài năm trước khi đạt được điều đó”.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đặt mục tiêu có 40% người dân ở tất cả các quốc gia được tiêm chủng vào cuối năm. Tuy nhiên, hàng chục quốc gia, chủ yếu ở châu Phi và một phần châu Á, có khả năng không đạt được mục tiêu đó.

Ngược lại, Mỹ và các quốc gia phát triển khác có tỷ lệ phủ vắc-xin lớn. Thời gian đầu, người dân tại những quốc gia này được chủng ngừa miễn phí tại các điểm tiêm hạn chế. Song vào cuối mùa xuân, những người đủ điều kiện có thể đến hiệu thuốc để tiêm. Thậm chí, một số nơi làm việc cung cấp tiêm vắc-xin tại chỗ.

Nhiều chính phủ và công ty đã khuyến khích mọi người chủng ngừa, bằng các ưu đãi khác nhau. Sau đó, tiêm vắc-xin trở thành một nhiệm vụ. Harsha Thirumurthy - nhà kinh tế học hành vi tại Trường Đại học Pennsylvania cho biết, trước đại dịch, những biện pháp như vậy đã được chứng minh là có hiệu quả trong việc khuyến khích một số người tiêm vắc-xin.

Melanie Kornides - nhà dịch tễ học tại Trường Đại học Pennsylvania, chia sẻ, những người lo lắng về tác dụng phụ hoặc sự an toàn của vắc-xin sẽ khó chủng ngừa. Tuy nhiên, theo bà Kornides, các biện pháp như bị sa thải hoặc cấm đi học là cách hiệu quả nhất để tăng tỷ lệ tiêm chủng. 

Vắc-xin không thể “một tay” chấm dứt đại dịch

Một năm trôi qua, rõ ràng, tiêm chủng là một trong những công cụ tốt nhất mà chúng ta có để kiểm soát Covid-19. Tuy nhiên, chỉ vắc-xin không thể chấm dứt đại dịch. Mặc dù hoạt động khá tốt trong việc ngăn ngừa bệnh, nhưng sự bảo vệ của vắc-xin sẽ mất dần theo thời gian.

Luning Prak - nhà miễn dịch học của Trường Đại học Pennsylvania cho biết, vắc-xin đã “hoạt động hiệu quả một cách ngoạn mục” trong việc bảo vệ hầu hết mọi người khỏi bệnh nặng. Khi ngày càng nhiều người trên thế giới tiêm vắc-xin, số người tử vong do Covid-19 sẽ ít hơn.

“Chúng ta phải phân biệt giữa các bệnh nhiễm trùng có thể mắc phải (như sổ mũi) với những bệnh ở đường hô hấp dưới có thể giết chết bạn”, bà Luning Prak nói. Chuyên gia này lưu ý, ngăn ngừa bệnh nặng là mục tiêu cơ bản của hầu hết các loại vắc-xin. Trong khi đó, ngăn chặn hoàn toàn sự lây nhiễm “không bao giờ là một mục tiêu thực tế”.

Vì vắc-xin không phải là hàng rào bất khả xâm phạm chống lại virus, nên chúng ta vẫn cần dựa vào các chiến thuật khác để kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh. Saad Omer - nhà dịch tễ học tại Trường Đại học Yale (Mỹ) cho biết: “Vắc-xin không phải là công cụ duy nhất của chúng ta. Vắc-xin nên được kết hợp với những biện pháp khác, như khẩu trang và xét nghiệm Covid-19. Nhờ đó, giúp ngăn chặn sự phơi nhiễm và giúp mọi người biết khi nào nên ở nhà”. Theo chuyên gia này, hiện, điều quan trọng là phải duy trì nhiều lớp bảo vệ.

Cuối cùng thì đại dịch cũng sẽ kết thúc, mặc dù thời gian vào khi nào vẫn còn là dự đoán của mọi người. Song, sự kết thúc ở đây không có nghĩa là Covid-19 biến mất. Nhiều chuyên gia đồng ý rằng, Coronavirus rất có thể sẽ ở lại với chúng ta trong tương lai gần.

Thậm chí, virus này sẽ làm bùng phát dịch bệnh ở những nơi có nhiều người nguy cơ. Hoặc, virus có thể phát triển theo những cách giúp nó trốn tránh hệ thống miễn dịch. Sự kết thúc của đại dịch có thể vẫn còn xa tầm tay.

Tuy nhiên, dấu hiệu của sự bình thường đã trở lại: Trẻ em đã tới trường học, các nhà hàng, cửa hàng mở cửa và mọi người đang đi du lịch nhiều hơn.

Theo Science News

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Học sinh lớp 12 đăng ký phương thức xét tuyển sớm của Trường Đại học Công Thương TPHCM, tháng 4/2024. Ảnh: Mạnh Tùng

Điểm cao chẳng thể chủ quan

GD&TĐ - Dù đạt điểm cao ở các kỳ thi đánh giá năng lực, thí sinh vẫn cần tập trung tốt cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT, đồng thời đăng ký nguyện vọng hiệu quả nhất.