Nhưng ở một kịch bản khác, các nhà khoa học cho rằng có thể biến chủng này mang tới tia hy vọng chấm dứt đại dịch.
Các nhà khoa học của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đang chạy đua với thời gian để phân tích mức độ nguy hiểm của biến chủng mới Omicron thông qua ba yếu tố: Tốc độ lây truyền, khả năng né tránh miễn dịch từ vắc-xin và độc lực gây ra đối với sức khỏe người nhiễm. Hiện mới chỉ có một chỉ số trong thực tế tại tâm dịch Nam Phi là tốc độ lây lan của Omicron nhanh hơn so với Delta nhưng đa phần có triệu chứng nhẹ.
Tính đến 7/12, số ca mắc Covid-19 tại Nam Phi đã vượt mốc 3 triệu người từ đầu dịch. Nhưng đáng chú ý là trong tuần qua sau khi biến chủng Omicron xuất hiện, số ca mắc mới trung bình mỗi ngày tại đây đã tăng gấp 7 lần so với trước.
Trên quy mô toàn cầu, hiện có khoảng 40 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận sự xuất hiện của Omicon. Tại Đông Nam Á, 3 nước đầu tiên báo cáo ca mắc biến chủng này là Singapore, Malaysia và Thái Lan.
Sự xuất hiện của biến chủng Omicron cùng những thông tin ban đầu về mức độ nguy hiểm của nó đã khiến cả thế giới lo sợ trong hai tuần qua. Thị trường chứng khoán nhiều nước, trong đó có Mỹ, đã phản ứng tiêu cực khi chứng kiến sự giảm điểm mạnh vì Omicron. Các chuyên gia còn dự đoán bóng ma Omicron sẽ phủ bóng lên đà phục hồi kinh tế của thế giới và có thể kéo cuộc chiến chống Covid-19 trở về vạch xuất phát.
Hàng loạt nước cũng ngay lập tức thắt chặt biên giới, cấm các chuyến bay từ Nam Phi và các nước lân cận, đồng thời hạn chế các điều kiện nhập cảnh vốn mới được nới lỏng trước đó nhằm đề phòng biến chủng Omicron thâm nhập. Đặc biệt Israel còn đóng cửa hoàn toàn biên giới trong ít nhất 14 ngày kể từ đầu tháng 12 để giảm nguy cơ về biến chủng mới.
Trong khi đó, tính đến ngày 6/12, WHO vẫn chưa ghi nhận ca tử vong nào vì biến chủng Omicron, kể cả tại tâm dịch Nam Phi. Tổ chức này kêu gọi các nước đề cao cảnh giác với “biến chủng đáng lo ngại” Omicron, nhưng cho rằng, thế giới không nên quá hoảng loạn. Lý do vì tâm thế của loài người hiện nay đã khác khi đối mặt với dịch so với trước vì độ phủ của vắc-xin ngày càng cao.
Còn theo các nhà khoa học, nếu biến chủng Omicron có khả năng lây truyền nhanh, vượt qua các kháng thể trong cơ thể con người và gây ra các triệu chứng nặng bất thường cho người mắc thì kịch bản Covid-19 sắp tới của thế giới sẽ vô cùng nghiêm trọng.
Còn nếu biến chủng này có mức độ siêu lây nhiễm, nhưng độc lực lại yếu và chỉ gây ra các triệu chứng nhẹ thì đây là kịch bản tốt đẹp có khả năng sẽ giúp thế giới chấm dứt được Covid-19. Báo cáo mới nhất từ Nam Phi cho thấy, đa phần các bệnh nhân nhiễm biến chủng Omicron đều không cần can thiệp y tế.
Như vậy, nếu có khả năng siêu lây nhiễm vượt qua biến chủng Delta đang chiếm tới hơn 90% số ca nhiễm toàn cầu mà lại có độc lực yếu hơn, thì Omicron dần dần sẽ trở thành biến chủng trội và biến Covid-19 trở thành một dạng bệnh mùa như nhiều căn bệnh phổ biến khác. Đây chính là cơ hội để con người có thể chung sống an toàn với Covid-19 bằng các loại vắc-xin tăng cường.
Tuy nhiên, đây cũng mới chỉ là dự đoán vì theo ước tính phải đến trung tuần tháng 12, WHO mới có thể có đầy đủ thông tin và hiểu biết về Omicron để có những khuyến cáo chính xác cách đối phó và chữa trị phù hợp cho người mắc biến chủng mới.