Vắc-xin Covid-19 làm rối loạn chu kỳ kinh nguyệt

GD&TĐ - Một nghiên cứu mới thực hiện trên gần 20.000 người trên khắp thế giới cho thấy, vắc-xin Covid-19 có thể làm rối loạn chu kỳ kinh nguyệt.

Nhiều phụ nữ chậm kinh nguyệt sau tiêm vắc-xin Covid-19.
Nhiều phụ nữ chậm kinh nguyệt sau tiêm vắc-xin Covid-19.

Không lâu sau khi vắc-xin Covid-19 phổ biến vào năm ngoái, nhiều phụ nữ bắt đầu chia sẻ về những gì họ tin là tác dụng phụ kỳ lạ: rối loạn kinh nguyệt. Một nghiên cứu mới thực hiện trên gần 20.000 người trên khắp thế giới cho thấy, vắc-xin Covid-19 có thể làm rối loạn chu kỳ kinh nguyệt. Những người chủng ngừa Covid-19 bị chậm kinh trung bình khoảng một ngày so với người chưa tiêm phòng.

Nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Y khoa Anh, lấy dữ liệu từ một ứng dụng theo dõi chu kỳ phổ biến có tên là Natural Cycles. Dữ liệu được thu thập từ phụ nữ khắp nơi trên thế giới, nhưng hầu hết đến từ Bắc Mỹ, Anh và châu Âu. Các nhà nghiên cứu đã sử dụng dữ liệu “không được xác định danh tính” từ ứng dụng để so sánh chu kỳ kinh nguyệt giữa 14.936 người tham gia đã được chủng ngừa Covid-19 và 4.686 người không tiêm vắc-xin.

Dữ liệu cho thấy, những người được tiêm chủng có kinh chậm trung bình 0,71 ngày sau liều vắc-xin đầu tiên. Tuy nhiên, những người được tiêm chủng hai lần trong một chu kỳ kinh nguyệt bị gián đoạn nhiều hơn. Trong nhóm này, độ dài chu kỳ kinh nguyệt tăng trung bình là 4 ngày. Có 13% phụ nữ bị chậm kinh từ 8 ngày trở lên, so với 5% ở nhóm đối chứng.

Tình trạng rối loạn kinh nguyệt sau tiêm vắc-xin Covid-19 là tạm thời.

Tình trạng rối loạn kinh nguyệt sau tiêm vắc-xin Covid-19 là tạm thời.

Alison Edelman - Giáo sư sản phụ khoa tại Trường Đại học Khoa học & Sức khỏe Oregon, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết, đối với hầu hết mọi người, tác động này chỉ là tạm thời. Tác dụng phụ này kéo dài trong một chu kỳ trước khi trở lại bình thường. Ngoài ra, không có dấu hiệu nào cho thấy tác dụng phụ của chu kỳ kinh nguyệt có ảnh hưởng đến khả năng sinh sản.

Các nhà nghiên cứu không biết chính xác lý do tại sao vắc-xin ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt. Tuy nhiên, bà Edelman cho biết, hệ thống miễn dịch và sinh sản có mối liên hệ với nhau. Ngoài ra, tình trạng viêm hoặc phản ứng miễn dịch mạnh có thể gây ra thay đổi trong chu kỳ kinh nguyệt.

Tuy nhiên, một hạn chế lớn của nghiên cứu là chỉ thực hiện trên người không sử dụng biện pháp tránh thai, có chu kỳ đều đặn trước khi chủng ngừa và ở độ tuổi từ 18 đến 45.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ