Làm gì cho hết mấy chục năm!
Ai không quen sẽ nói Linh chảnh. Ờ mà cái tiếng “chảnh” đó đã có từ 6 năm trước rồi nên giờ thôi, đành lòng để thiên hạ, ai muốn, nghĩ mình như vậy cũng được, Linh chẳng nhọc công giải thích. Chọn cách miệt mài đi làm, ra sản phẩm và đáp lại bằng những thái độ hài lòng của khách hàng, khán giả trong suốt chặng đường đó. Chữ “chảnh” rồi cũng vơi dần, sự ác cảm cũng dần tan biến, không như thời mới nổi.
- Nghe ngóng rằng Linh có rất nhiều điều mới, mà hình như đã quá lâu rồi chúng ta chưa gặp nhau để biết Linh “mới” cỡ nào, 1, 2, 3, update đi thôi!
- Linh vừa trải qua đợt phẫu thuật cận thị, cần hạn chế sử dụng mỹ phẩm, hóa chất, và mắt cũng trở nên nhạy cảm hơn với ánh sáng mạnh của sân khấu, nên Linh tạm giãn lịch biểu diễn một thời gian. Cũng cần kiêng điện thoại nữa! “Ly dị” facebook nên mọi người thấy Linh không update thường xuyên như trước, thành ra có vẻ trầm lắng. Linh tranh thủ đi du lịch với gia đình, đi làm suốt rồi, bây giờ tranh thủ cha mẹ còn khỏe thì đưa đi chơi anh ạ.
- Ca khúc “Xin giữ em cho hoàng hôn” của nhạc sĩ Việt Anh vừa được bạn giới thiệu với công chúng và tôi quan tâm là tại sao lại là ca khúc này và tại sao lại là Việt?
- Linh cho rằng cảm xúc quan trọng lắm! Nghe bản demo anh Việt Anh gửi, Linh “cảm” ngay. Đó lại là ca khúc chính anh ấy gửi gắm tâm sự chứ không phải bài đặt hàng. Nhạc của anh Việt Anh khiến mình thèm hát, hoặc phớt đời hoặc nồng nàn.. tùy bạn, nhưng hát nhạc anh ấy nên bằng những cách có duyên và có sự tình tứ. Linh dành cảm tình rất nhiều cho âm nhạc của Việt Anh.
- Cũng bởi cái duyên và tình đó, mà Uyên Linh lâu lâu mới xuất hiện một bài rồi lại “lặn” mất hút, rồi lâu lâu lại xuất hiện. Đó là “chiến thuật” của bạn hay là sự khó khăn trong tìm bài mới?
- Nếu có gì “thiếu” ở đây thì là do Linh làm quảng bá cho sản phẩm của mình chưa hiệu quả. Linh vẫn ra sản phẩm dù không dày đặc và cũng đồng ý với anh rằng Linh gặp vài khó khăn khi tìm bài mới. Nhưng cuộc đời còn dài lắm, làm gì cho hết mấy chục năm nữa? Linh bây giờ không quá bị áp lực về kinh tế nữa, Linh muốn thong thả ca hát từ đây cho đến lúc già.
Bị nhạc sỹ Quốc Trung giục lấy chồng
Sau Thanh Lam, Uyên Linh có lẽ là nữ ca sĩ nhận được nhiều sự ưu ái từ nhạc sĩ Quốc Trung. Giữa họ không chỉ đơn thuần là mối quan hệ công việc mà dường như còn hơn thế nữa. Người viết nhớ rằng, trong đêm nhạc In the spotlight ngoài Hà Nội cách đây 2 năm, khi Quốc Trung lên tặng hoa, Uyên Linh đã nói rằng “thầy đến”. Một người thầy, một người anh và đôi khi là một người bạn vong niên, bởi vậy, Linh nói rằng ” Đâu đó luôn có sợi dây yêu thương ngầm”.
- Còn tôi thì lại thấy từ khi không cộng tác cùng nhạc sĩ Quốc Trung, thấy bạn có vẻ khó khăn vất vả hơn và thật khéo là nó được bạn “che giấu” bằng hai chữ “thong thả” đó, không biết nhận xét này có chủ quan quá không?
- Giả sử bây giờ Linh vẫn thuộc quản lý công ty anh Quốc Trung, Linh tin rằng mức độ khó khăn và vất vả là ngang nhau. Sau 6-7 năm nếu anh Trung vẫn là người phải đưa ra định hướng cho ca sỹ, thì phải chăng Linh quá dựa dẫm và mãi không trưởng thành? Quốc Trung - “bông hoa này là của chung” (cười) - anh ấy đang đem tới cho chúng ta những ngọn gió âm nhạc tươi mát. Linh cũng nhìn thấy được khát khao riêng của anh ấy, nên Linh quyết định cũng sẽ tự tìm đường đi cho mình.
Anh ấy là niềm cảm hứng rất lớn đối với Linh. Tới bây giờ nhiều khi hát show gì, nên nhận hay không nhận, Linh lại chạy đi hỏi anh ấy. Có một điều vui hơn trước, về sau này khi Linh “cứng” nghề hơn, anh Trung trò chuyện với Linh thoải mái chứ không nghiêm như lúc làm producer. Nhưng có một điều Linh rất ghét, mỗi năm đến Tết anh lại hỏi: “bao nhiêu tuổi rồi ấy nhỉ” cứ như giục đi lấy chồng. Đâu đó luôn có sợi dây yêu thương ngầm, anh ấy là người tình cảm ấm áp và chan hòa với mọi người xung quanh.
- Từ phía “bông hoa này là của chung”, có bao giờ vị nhạc sĩ khó tính đó đưa những nhận xét “riêng tư” cho Linh về những sản phẩm của bạn, ví dụ như chê bạn chọn bài dở chăng hạn?
- Anh Trung chẳng bao giờ chê Linh chọn bài thế này thế nọ, nhưng rất lạ là hay chê Linh hát điệu. Rồi anh thấy Linh xài hàng hiệu, quần là áo lượt phấn son, thì anh chê “như mấy bà doanh nhân dởm”. Những lúc đấy Linh chỉ “nhe răng” nói rằng: “Anh phải để cho em lớn lên chứ. Em lớn rồi!”. Nhưng Linh hiểu, anh ấy muốn những người trẻ tuổi nên sống giản dị.
Không còn sợ hay bị tổn thương bởi các chuyên gia đạo đức thời buổi mạng xã hội.
Uyên Linh hiếm khi xuất hiện tại các sự kiện, điều này ai hay đi sẽ thấy. Thi thoảng lại thấy cô bé này đến với một sự kiện “bé xíu xiu” vì đó là sự kiện của bạn hoặc cũng có thể vì đó là do một tổ chức xã hội với hoạt động hướng đến cộng đồng. Linh hài lòng với những cuộc gặp gỡ bạn bè thân quen ở những quán cà phê hoặc đâu đó trong thành phố này, đó là lúc mà Linh không che giấu, không phải diễn, được hồn nhiên và được là chính cô - một Uyên Linh con người nhất.
- Hiếm khi tôi thấy “bà doanh nhân dởm” xuất hiện trong các sự kiện lớn, ồn ào. Bạn không thích/ ngại hay sợ những sự ồn ào náo nhiệt đó?
- Linh không thích, thế thôi. Linh không thích đi mượn quần áo, giày túi để đến đó chụp hình. Một vài người bạn thân thiết ra sản phẩm thì mình đến chúc mừng họ, còn mời “phong long” thì Linh không bao giờ đi.
- Phải chăng vì những ồn ào không đáng có của bản thân ở thời điểm mới bắt đầu khiến bạn ngại ngần đến với những nơi có dấu hiệu nhiều thị phi?
- Linh chẳng đánh giá nơi nào là có dấu hiệu thị phi, khung cảnh được dựng lên để dành cho những người phù hợp với nó. Và ai cũng có quyền sống cuộc đời của họ. Chỉ là, mình có nguyên tắc của mình, nơi nào đến và nơi nào không. Đã từ rất lâu rồi, Linh không còn sợ hay bị tổn thương bởi các chuyên gia đạo đức thời buổi mạng xã hội.
- Cũng bởi những điều kể trên nên Linh chọn bạn cũng kĩ hơn và ít hơn thì phải? Nghệ sĩ ngoại trừ Quốc Thiên và Phương Linh, tôi không thấy bạn thân với ai hết!
- Chỉ cần đi du lịch xa với nhau một lần về là hiểu có hợp gu nhau hay không. Đơn giản là Linh thích người có nếp sống ngăn nắp, sạch sẽ, biết để ý một chút. Còn lại thì thoải mái, trễ hẹn cũng được, bùng hẹn cũng được, “bitchy” một tí cũng được… bạn của Linh không cần phải diễn trước mặt Linh.
Đôi bạn thân Uyên Linh và Quốc Thiên từng có 2 sản phẩm song ca.
- Làm nghệ thuật cũng có những giai đoạn mà chỉ làm nghề thôi là không đủ hấp dẫn nữa. Ý tôi là giữa phong trào người người nhà nhà đi ngồi ghế giám khảo thì thấy Uyên Linh khá điềm tĩnh. Hỏi thật là bạn được mời nhưng từ chối hay đơn giản bạn…không được mời?
- Linh không được mời ấy chứ (cười lớn). Đùa chứ Linh thèm hát lắm, đi diễn suốt còn chưa thấy đã, về còn đi karaoke. Nếu mà thứ 7, Chủ Nhật nào cũng “ngồi tivi” không được hát chắc Linh chết.
- Rất nhiều người đã “lên đời” nhờ ngồi ghế giám khảo, chẳng nhẽ điều đó không hấp dẫn Uyên Linh?
- “Lên đời” có nghĩa là nhiều show, thêm tiền, thêm quyền lực.. từ đó nâng đẳng cấp hay sao ạ? Nghe từ “lên đời” sao giống nhà quê ra tỉnh? Linh vốn là người nhà quê, ra tỉnh để học chứ không phải để đua đòi. Mình chỉ là hạt cát!
Càng phù phiếm càng đau khổ
Không có ngành nghề nào mà sự phù phiếm nó rộng lớn, bền vững và được theo đuổi nhiều như showbiz. Không chỉ là xúng xính áo quần, sự phù phiếm vẫn len lỏi vào đâu đó trong từng góc suy nghĩ, trong từng câu nói và trong cả những hành động. Sự phù phiếm đó khiến cho đôi lúc ta mất kiểm soát, lao đi và cố gắng để cất cao giọng nói “Hello, I am here”. Vậy nhưng, những phù phiếm qua đi là lúc đau khổ ở lại.
- Đi hát chuyên nghiệp cũng đã 6 năm, danh hiệu cũng đã có, bản lĩnh cũng đã vun đắp đủ đầy, nếu để truyền lại một điều gì đó cho các bạn trẻ trong các cuộc thi, giả dụ vậy. Linh sẽ dạy điều gì đầu tiên và điều gì là quan trọng nhất?
- Không thể nói khơi khơi được anh ạ, các bạn trẻ cần đủ trải nghiệm để thực sự trưởng thành. Giờ đây nếu để nói thì Linh khuyên các bạn hãy tỉnh ngộ, đam mê nghệ thuật một cách sâu sắc, tận cùng, thì sẽ được “đãi”, ngược lại càng mánh mung vì điều phù phiếm thì càng chuốc đau khổ.
- Để rồi, đến một độ tuổi nào rồi thì nghệ sĩ cũng sẽ bớt phù phiếm, rồi cũng sẽ hát nhạc…Bolero, tôi quan sát thấy vậy. Và hãy thử tượng tưởng một “người hát tình ca” giờ thành “người hát sến ca” sẽ như thế nào nhỉ?
- Linh cho rằng độ tuổi anh nói đến là dao động khoảng 33 tuổi đổ ra. Ở khoảng đó của cuộc đời, mình cần những bài hát toát lên sự sâu đậm, tình tứ, đau khổ hay sung sướng nếu không là tận cùng thì cũng phải để lại dư vị. Nhạc trẻ có làm được điều đó không ạ? Xin thưa là không. Nên điều anh nói, ở Việt Nam, dễ hiểu lắm. Không chỉ người hát, mà người nghe khi độ tuổi càng tăng, họ cũng thích nghe Bolero hơn. Với Linh không có nhạc sến, chỉ có cách hát sến. Linh cực kỳ yêu thích nhạc xưa, lời lẽ mặn nồng không bông lơn (cái này thuộc về gu cá nhân thôi - cười).
- Câu hỏi cuối, đời sống riêng tư của bạn có gì vui không? Ý tôi là bạn đã có ai bên mình chưa? Và ý định về một mái ấm của riêng mình đã bắt đầu nhen nhóm trong bạn chưa? Có kế hoạch gì cho ngày trọng đại đó không, ví dụ như kế hoạch “3 năm lấy chồng 2 năm sau có con” chẳng hạn thế?
- Sau khi tình yêu với anh Dũng Đà Lạt tan vỡ, Linh không còn muốn nói gì về tình yêu trên mặt báo nữa.
- Xin cảm ơn bạn về buổi trò chuyện