Ưu tiên hàng đầu
Ở Nam Định khi năm học mới bắt đầu, các nhà trường đã chủ động xây dựng phương án sẵn sàng cho tình huống học sinh nghỉ học ở nhà thực hiện giãn cách xã hội khi cần thiết, đồng thời xây dựng kế hoạch năm học theo Chương trình giáo dục mầm non (GDMN) sau sửa đổi, bảo đảm an toàn cho trẻ.
Ông Vũ Đức Thọ - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nam Định cho biết: Các phương án được đưa ra đều hết sức linh hoạt và chủ động. Sở quản lý chặt chẽ việc thực hiện đúng quy định về tổ chức hoạt động của các nhóm, lớp độc lập tư thục và thực hiện tốt công tác phòng chống dịch Covid –19. Căn cứ khung chương trình, các cơ sở GDMN tiến hành rà soát tích hợp các nội dung giáo dục, bảo đảm thực hiện Chương trình GDMN phù hợp với bối cảnh dịch bệnh.
Còn ở tỉnh Quảng Ninh, đa dạng cách làm được nhiều cơ sở GDMN thực hiện để triển khai công tác dạy học và ứng phó với dịch Covid-19. Huyện miền núi Ba Chẽ đã linh hoạt trong việc tổ chức dạy học để đạt kết quả tốt nhất. Bà Hoàng Thị Oanh – Trưởng phòng GD&ĐT cho biết: Hoạt động nuôi dạy trẻ ở địa phương luôn được quan tâm vì sự phức tạp của địa hình địa lý và khí hậu, dân tộc. Năm học mới, học sinh đã đến trường, các trường đã vào nhịp học, phòng GD&ĐT chỉ đạo việc tổ chức học tập cho các con phải gắn nội dung chương trình GDMN sau sửa đổi và an toàn phòng chống dịch.
NGƯT.TS Đặng Lộc Thọ - thành viên tiểu ban GDMN, Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nguồn nhân lực cho rằng: Cách thức các cơ sở GDMN đang thực hiện vừa dạy học vừa chống dịch như hiện nay là hết sức đầy đủ và hiệu quả. Chúng ta đều biết bậc học mầm non có ý nghĩa quan trọng, là khởi đầu cho việc phát triển trí tuệ và tâm sinh lý của học sinh.
Do đặc thù lứa tuổi của các con đến trường là nuôi dạy, trường học phải bảo đảm dạy học chất lượng và nuôi trẻ an toàn, không chỉ trong thời điểm dịch Covid-19 mà là công việc hàng ngày. Các địa phương đã thực hiện tốt kiểm tra y tế, vệ sinh cá nhân và thực hiện an toàn nuôi dưỡng theo đúng yêu cầu. Việc này được duy trì thường xuyên, coi đây là biện pháp tốt nhất, các cô giáo và nhà trường phải nghiêm túc thực hiện đầy đủ.
Đa dạng cách làm
Ở Trường Mầm non Yên Ninh, TP Yên Bái, các biện pháp ứng phó với Covid-19 được triển khai hết sức hiệu quả. Cô Nguyễn Thị Băng - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, học sinh đến trường, chúng tôi dạy học theo Chương trình GDMN sau sửa đổi.
Trường hợp học sinh nghỉ học ở nhà, trường cũng sẵn sàng khai thác nguồn học liệu trên kênh truyền hình VTV1, VTV7 của Đài truyền hình Việt Nam để chia sẻ, tư vấn việc nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em. Các cô giáo tổ chức thiết kế xây dựng ngân hàng video bài giảng, tài nguyên hỗ trợ giáo dục đưa lên kênh Youtube riêng hỗ trợ phụ huynh khi trẻ ở nhà. Đồng thời, giáo viên kịp thời cùng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm dạy trẻ với phụ huynh.
Chị Nguyễn Thị Thu Hằng, phụ huynh học sinh Cù Diệp Anh, lớp 4 tuổi, Trường mầm non Yên Ninh cho biết: Học sinh Yên Bái đi học bình thường, tuy nhiên dịch bệnh diễn biễn phức tạp nên chúng tôi cũng hết sức lo lắng. Nhưng qua cách quản lý học sinh ở trường, chúng tôi hoàn toàn yên tâm. Buổi sáng, các cô đón cháu ở cổng, phụ huynh và học sinh phải kiểm tra thân nhiệt và khai báo y tế. Những cháu nào có cha mẹ và người thân về từ vùng dịch đều phải ở nhà. Trong giờ học, trường không cho người lạ vào, mọi giao dịch đều phải qua phòng y tế kiểm tra trước.
Nằm ở thôn Khe Lọng, xã Thanh Sơn, huyện Ba Chẽ (Quảng Ninh), Trường Mầm non Thanh Sơn có đông học sinh người dân tộc Sán Chỉ và Dao. Cô Trần Thị Thuận, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Ba Chẽ đang là “vùng xanh”, nhưng nhà trường vẫn đề cao việc giữ an toàn cho trẻ từ nuôi dưỡng đến phòng dịch bệnh.
Trường có nhiều giáo viên người dân tộc nên thuận lợi trong việc tuyên truyền cho phụ huynh công tác phòng, chống dịch Covid-19. Trẻ đến trường được kiểm tra thân nhiệt, hướng dẫn và giúp các em cách thức vệ sinh cá nhân theo đúng yêu cầu an toàn phòng chống dịch. Trong quá trình nuôi dạy, giáo viên và nhân viên nhà trường đều phải thực hiện đầy đủ quy trình kiểm tra y tế, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho lớp học và học sinh.