Phiên họp của Tiểu ban Giáo dục Mầm non (GDMN), Hội đồng quốc gia phát triển nguồn nhân lực được thực hiện trực tuyến dưới với sự tham gia của các nhà quản lý, chuyên gia, giáo viên đến từ các trường đại học và Sở GD&ĐT, cùng các uỷ viên Hội đồng, thành viên Tiểu ban GDMN, các đơn vị Bộ GD&ĐT.
Phát biểu chỉ đạo, Thứ trưởng Ngô Thị Minh cho biết: Đã có dấu hiệu mất an toàn tại các cơ sở tư thục, nên cần có sự quan tâm sâu về bảo đảm an toàn cho trẻ. Thời gian qua, công tác này đã có những bước tiến khá dài, Bộ GD&ĐT đã tham mưu nhiều văn bản, hướng dẫn để các Sở GD&ĐT triển khai. Công tác thanh tra kiểm tra đã có sự quan tâm sâu. Bộ GD&ĐT đã đưa ra nhiều biện pháp quản lý các nhóm trẻ MN tư thục, các địa phương đã có sự quan tâm sát sao hơn.
Thứ trưởng đã chỉ ra hạn chế của việc ban hành văn bản còn chưa thuận lợi cho cơ sở. Thực tế kiểm tra ở địa phương còn có nhiều kiến nghị quản lý nhóm trẻ MN độc lập tư thục, cán bộ quản lý còn chưa đủ năng lực, vẫn tiềm ẩn mất an toàn cho trẻ. Đây là những vấn đề khó, nhưng cần phải sớm khắc phục. Hiện Bộ đang tiếp tục xem xét để tìm ra biện pháp quản lý tốt hơn. Tình trạng bồi dưỡng giáo viên còn những rào cản lớn, cần bàn bạc để có giải pháp an toàn cho trẻ như thế nào, cũng như phòng chống bạo lực trong các cơ sở GDMN tư thục.
Thứ trưởng đặt vấn đề trong phiên họp, các đại biểu cần thẳng thắn trình bày quan điểm của mình. Chúng ta cần quan tâm sâu hơn đến vấn đề bạo hành trẻ ở các cơ sở GDMN tư thục thế nào. Năng lực đội ngũ liên quan đến chuẩn GV 2019, các biện pháp phối hợp ban ngành ra sao? Vấn đề cấp phép, đầu tư quỹ đất để MN tư thục hoạt động hiệu quả... Các chuyên gia từ các điểm cầu phát biểu thẳng thắn để giúp Bộ và tiểu ban lắng nghe, ghi nhận.
Theo PGS.TS Nguyễn Bá Minh, Vụ Trưởng Vụ GDMN: Bạo hành trẻ MN chủ yếu xảy ra tại các cơ sở GDMN ngoài công lập. Khi các khu công nghiệp có nhiều, trường mầm non công lập không đủ năng lực tiếp nhận. Con em người lao động chủ yếu được gửi vào các nhóm lớp độc lập tư thục. Tuy nhiên điều kiện đảm bảo chất lượng, an toàn hạn chế. Tình trạng bạo hành, mất an toàn cho trẻ từ 2013 đến nay xuất hiện nhiều. Giải pháp là cần nâng cao hiệu quả quản lý và có chính sách hỗ trợ để nâng cao chất lượng.
Cùng với đó, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc bảo đảm an toàn cho trẻ trong cơ sở GDMN bằng việc tổ chức đoàn thanh tra, kiểm tra chuyên đề... hàng năm; phối hợp với các Bộ, ngành trong việc kiểm tra công tác bảo đảm an toàn và phòng chống bạo hành trẻ. Đồng thời, chỉ đạo các sở GD&ĐT, các phòng GD&ĐT phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra các cở sở GDMN, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về đảm bảo an toàn cho trẻ.
Hàng năm Bộ đã đưa nội dung tăng cường quản lý các nhóm lớp ngoài công lập vào hướng dẫn nhiệm vụ năm học của GDMN; ban hành nhiều công văn chỉ đạo tăng cường công tác quản lý các cơ sở GDMN ngoài công lập, đảm bảo an toàn cho trẻ em tại cơ sở GDMN, yêu cầu các sở GDĐT chỉ đạo các phòng giáo dục phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra các cở sở GDMN ngoài công lập, kịp thời phát hiện và kiên quyết đình chỉ các nhóm lớp tư thục không đảm bảo các điều kiện về nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ.
Góp ý tại phiên họp, ông Nguyễn Tùng Lâm, thành viên tổ Tư vấn của Uỷ ban quốc gia Đổi mới GD&ĐT đã phân tích những nguyên nhân chủ quan của các cơ sở GDMN, năng lực đội ngũ, năng lực đào tạo, chưa đặt vấn đề tự bồi dưỡng. Thêm nữa, năng lực sư phạm của cán bộ quản lý cũng chưa đủ để bồi dưỡng GV. Các cấp quản lý cũng chưa có sự kiểm soát, chưa có văn hóa quản lý trường học. Giải pháp đảm bảo an toàn cho trẻ tại các cơ sở GDMN cần được đặt ra. Nên cải tiến chương trình đào tạo, cân đối giữa lý thuyết và thực hành, từ đó có chuẩn nghề nghiệp GDMN sát thực tế hơn.
PGS.TS Bùi Thị Lâm, Trưởng Khoa GDMN, Trường ĐHSP Hà Nội ch biết, giải pháp nâng cao chất lượng giáo viên, người chăm sóc trẻ tại cơ sở GDMN tư thục để phòng chống bạo hành. Đại diện Sở GD&ĐT Tp Hải Phòng đưa ra bài học về vấn đề quản lý cấp phép hoạt động của các nhóm trẻ lớp mẫu giáo độc lập tư thục trên địa bàn. Đại diện Vinschool chia sẻ thực tế đảm bảo an toàn đối với trẻ MN tại 22 cơ sở MN trên toàn quốc. Trong đó chú trọng bồi dưỡng kỹ năng cho nhà trường, đầu tư đúng chuẩn, xây dựng văn hóa nhà trường, lớp học thân thiện, học sinh mẫu mực.