Ươm mầm xanh cho biên cương

GD&TĐ - Gần 3 năm qua, 2 học sinh mồ côi cha tại xã Đức Long (Thạch An, Cao Bằng) được những người lính Đồn Biên phòng Đức Long (BĐBP tỉnh Cao Bằng) nhận làm con nuôi.

Lương Văn Chuyền được Đại úy Sầm Thế Cương, Đội trưởng Đội Vận động quần chúng bảo ban, hướng dẫn học tập hàng ngày. Ảnh: Đồn cung cấp
Lương Văn Chuyền được Đại úy Sầm Thế Cương, Đội trưởng Đội Vận động quần chúng bảo ban, hướng dẫn học tập hàng ngày. Ảnh: Đồn cung cấp

Các em không chỉ có cuộc sống đầy đủ, được dạy bảo kỹ năng sống, trao cơ hội cắp sách tới trường…, mà còn luôn được những người lính biên phòng che chở, yêu thương như chính con mình. 

Bù đắp những số phận thiệt thòi

Phùng Văn Kim, học lớp 3 Trường Tiểu học và THCS Đức Long, xã Đức Long (Thạch An, Cao Bằng) mồ côi cha từ khi còn nhỏ. Một mình mẹ bươn chải nuôi 3 chị em Kim ăn học. Cuộc sống của 4 mẹ con luôn nhọc nhằn thiếu thốn. Có những lúc Kim tưởng như phải nghỉ học vì vượt quá khả năng lao động, kiếm sống của mẹ.

Cùng hoàn cảnh mất bố, Lương Văn Chuyền học lớp 8, nhà ở bản Viện, xã Đức Long cũng có cuộc sống cơ cực, mẹ tối ngày lên nương rẫy mà vẫn không đủ nuôi 3 con ăn học. Nguy cơ phải nghỉ học, ở nhà lao động hỗ trợ gia đình của các anh chị em Chuyền cũng không xa.

Thực hiện chương trình “Con nuôi đồn biên phòng” được phát động nhiều năm qua, Đồn Biên phòng Đức Long đã tìm hiểu thực tế và biết hoàn cảnh của gia đình Kim và Chuyền. Cán bộ, chiến sĩ đồn đã chọn và nhận các em về làm con nuôi nhằm giúp đỡ gia đình và tạo điều kiện để Kim và Chuyền được sinh hoạt, học tập, thực hiện ước mơ.

Thượng tá Lô Ngọc Dũng, Chính trị viên Đồn Biên phòng Đức Long, chia sẻ: Những ngày đầu, đơn vị tới nhà 2 em ngỏ ý đưa về đồn nuôi dưỡng, cho đi học, thay cha mẹ dạy bảo…, nhưng gia đình đều từ chối. Lý do đưa ra là “có rau ăn rau, có cháo ăn cháo nhưng mẹ con, anh chị em được sống dưới một mái nhà và không bao giờ vì khó mà “cho” con”.

Cán bộ, chiến sĩ của đồn nhiều lần đi lại, khéo léo giải thích để gia đình các em thấy được tình cảm chân thành, yêu thương và mong muốn mang tới cuộc sống tốt đẹp, đầy đủ, cho các em cơ hội tới trường… Trải qua nhiều lần thuyết phục và ký cam kết, 2 gia đình mới mở lòng và đồng ý để con em mình cho “cha nuôi” hỗ trợ.

Phùng Văn Kim học lớp 3 nhưng đã rèn luyện và quen với nếp sinh hoạt tại Đồn Biên phòng Đức Long. Ảnh: Đồn cung cấp
Phùng Văn Kim học lớp 3 nhưng đã rèn luyện và quen với nếp sinh hoạt tại Đồn Biên phòng Đức Long. Ảnh: Đồn cung cấp

Trao yêu thương, thêm cơ hội

Đại úy Sầm Thế Cương, Đội trưởng Đội Vận động quần chúng được giao trách nhiệm chính trong việc chăm sóc, dạy bảo Kim và Chuyền từ những ngày đầu về đồn, trao đổi: Hai tháng đầu tiên, cứ đến tối là cả hai đều khóc muốn về với mẹ. Đại úy Cương và anh em trong đơn vị, trừ lúc làm nhiệm vụ tuần tra biên giới, đều phải thay nhau ngủ với các em. Một mặt để trẻ quen nơi ở mới, mặt khác đề phòng trường hợp các em bỏ về nhà giữa đêm khuya.

Ban ngày, các anh lại cùng nhau chăm sóc, dỗ dành, mua quà bánh, dỗ dành mỗi khi các em buồn, khóc; đưa đón các em tới lớp hằng ngày. Vào ngày nghỉ, mỗi tháng một vài lần, họ lại đưa hai em ra thành phố, đi chơi công viên; mua quần áo mới, sách vở để học ở trường hoặc về thăm gia đình.

Khi mới vào đồn sinh hoạt, 2 đứa trẻ chỉ nói tiếng Tày, nên anh em chiến sĩ phải cố gắng giao tiếp bằng tiếng địa phương để có thể hiểu, dạy bảo và đồng cảm. Qua thời gian bỡ ngỡ, khi đã quen môi trường mới, các anh lại vừa khéo léo vừa nghiêm khắc uốn nắn 2 em vào nền nếp sinh hoạt quân ngũ.

Các anh dạy và rèn cho các em từ cách đánh răng, rửa mặt, tắm giặt quần áo… Nhờ sự quan tâm, giúp đỡ, sát sao từ những người lính, sau 2 năm về với Đồn Biên phòng Đức Long, 2 đứa trẻ như “lột xác”, lớn nhanh, khỏe mạnh, tự tin giao tiếp và học tập tốt.

“Chúng tôi xa nhà quanh năm, không thể chăm sóc, dạy bảo con cái hàng ngày. Vì vậy, bao nhiêu tình yêu thương… anh em đơn vị đều dành hết cho 2 cháu. Điều gì các cháu chưa hoàn thiện, chưa làm tốt đều kiên nhẫn chỉ dạy. Bên cạnh hỗ trợ kiến thức, kỹ năng, cán bộ chiến sĩ đồn đều xác định nuôi dạy để trước hết chúng trở thành những người có đạo đức, công dân tốt cho xã hội…” - Thượng tá Lô Ngọc Dũng chia sẻ.

Đại úy Sầm Thế Cương cho biết thêm: Chăm sóc trẻ, các anh có thể hoàn thành tốt. Song việc kèm học các buổi tối lại không dễ bởi kiến thức ngày càng khác so với thời các anh học. Do vậy, các anh phải tự mình tìm tòi, tích lũy, chỗ nào không hiểu lại phải gọi điện trao đổi với giáo viên rồi giảng lại cho các con.

“2 đứa trẻ đi học thì những người lính cũng như đi học lại, phải thường xuyên đặt mình vào cương vị của người cha để hết lòng, tận tâm tận lực giúp đỡ, không để chúng thấy tủi thân, luôn cảm nhận tình yêu thương, từ đó yên tâm và hòa nhập với cuộc sống xa nhà…”, Đại úy Cương bày tỏ.

Cô Nguyễn Thị Hiền, Trường Tiểu học và THCS Đức Long nhận xét: Khi được đồn biên phòng nhận nuôi, kèm cặp và dạy dỗ, em Kim tiến bộ rất nhiều trong học tập và sinh hoạt. Em khá thành thạo kỹ năng vệ sinh cá nhân, ý thức học tập tiến bộ. Bài vở viết và trình bày sạch sẽ, quần áo ăn mặc gọn gàng. Sau bữa ăn bán trú, em biết dọn dẹp đồ dùng, gấp chăn đệm gọn gàng… Có sự phối hợp giữa nuôi dạy của những người lính biên phòng với nhà trường giúp hoạt động giáo dục thêm hiệu quả.

Chị Đinh Thị Tuất, mẹ cháu Phùng Văn Kim, xúc động chia sẻ: Ban đầu gia đình chưa hiểu nên còn băn khoăn không biết con xa nhà sẽ ra sao. Hai năm nay, con thay đổi tích cực, được các chú bộ đội chăm sóc nên sức khỏe tốt, học hành tiến bộ. Gia đình luôn biết ơn những người lính Đồn Biên phòng Đức Long. Các anh không chỉ mang đến sự bình yên cho Tổ quốc, người dân vùng biên giới, mà còn giúp những đứa trẻ khó khăn nơi đây có cơ hội sinh sống, học tập tốt, mở ra tương lai tươi sáng…

Đồn Biên phòng Đức Long quản lý 5km đường biên giới với 15 cột mốc; 1 xã, 6 xóm với 520 hộ dân, 100% bà con dân tộc Tày, Nùng. Hiện, đồn triển khai song song 2 chương trình “Nâng bước em đến trường” và “Con nuôi đồn biên phòng” để hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Cán bộ, chiến sĩ đồn luôn xác định việc hỗ trợ các em không chỉ bởi tình thương yêu, mà hơn thế là trách nhiệm trong việc “ươm mầm” thế hệ trẻ nơi biên cương Tổ quốc. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Đạo đức của cầu thủ

GD&TĐ - Ngày 9/5, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) ra thông báo về việc cấm thi đấu đối với 5 cầu thủ Hà Tĩnh vừa liên quan đến việc sử dụng ma túy hôm 4/5.
BS.CKII Kiều Mạnh Hà - Chủ nhiệm Khoa Thần kinh - Bệnh viện Quân Y 7A (TPHCM) thăm khám cho bệnh nhân.

Người trẻ 'mong manh' trước căn bệnh ẩn

GD&TĐ - Theo thống kê của Hội Đột quỵ thế giới, năm 2022 có đến 16% người bị đột quỵ trong độ tuổi 15 - 49 (trên tổng số 12,2 triệu ca đột quỵ não mới).