Ươm mầm với ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp

GD&TĐ - Với mong muốn khuyến khích sự sáng tạo, tư duy năng động, truyền nguồn cảm hứng kinh doanh, khơi dậy và ươm mầm những ý tưởng khởi nghiệp của cán bộ, giảng viên, sinh viên; tháng 4/2017, ĐHQG Hà Nội phát động Cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp ĐHQG Hà Nội năm 2017”. 

Ươm mầm với ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp

Ý tưởng sản xuất Bio-SAP từ phụ phẩm nông nghiệp của nhóm các giảng viên khoa Hóa học, gồm PGS.TS Phạm Ngọc Lân, Nguyễn Anh Ngọc, Ngô Thị Sen, cùng TS Phan Thị Tuyết Mai đã giành giải Nhất.

Sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao

Các thầy cô của nhóm đều là những nhà khoa học, đam mê nghiên cứu và không ngừng sáng tạo với mong muốn tạo ra những sản phẩm hữu ích phục vụ đời sống ngày càng cao của người dân. Vì vậy, từ năm 2004 - 2005, thầy Lân với tư cách trưởng nhóm đã cùng các đồng nghiệp bắt tay vào công việc nghiên cứu, phát triển sản phẩm Polime siêu hấp thụ nước (SAP).

Đặc biệt trong khoảng thời gian nghiên cứu và ứng dụng thực tiễn, nhận thấy SAP vẫn còn hạn chế vì tác động xấu đến môi trường bởi độ phân hủy kém, nhóm lại chuyển sang nghiên cứu vật liệu Bio-SAP từ nguyên liệu tự nhiên xellulose (CMC - Carboxyl methyl xellulose). Tận dụng sản xuất sản phẩm từ tinh bột nên ưu điểm của nó là khả năng hút nước cao hơn, dễ tan và tan hoàn toàn trong nước nên công nghệ sản xuất Polime đơn giản hơn. Ý tưởng của nhóm đã thuyết phục được ban tổ chức cuộc thi nên được trao giải Nhất.

Bio-SAP giúp người nông dân có thu nhập cao hơn trên diện tích cây trồng và công đoạn chế biến, đồng thời giảm thiểu ô nhiễm môi trường do phế thải sản phẩm nông nghiệp gây ra. Đặc biệt giúp sản xuất ra các sản phẩm túi sinh học, gạc y tế, màng Biofilm trong nông nghiệp và bao bọc phân hóa học mang tính ưu việt là tự hủy được.

Trong phòng làm việc của nhóm, TS Phan Thị Tuyết Mai chia sẻ: SAP là vật liệu có khả năng hút một lượng lớn nước gấp vài trăm đến nghìn lần khối lượng của chính nó, có nghĩa là cứ 1 gam SAP có thể hút được đến 1 lít nước. Chính vì thế, ngày nay, các sản phẩm SAP sử dụng phổ biến trong đời sống con người như bỉm, tã lót trẻ em, băng vệ sinh, các sản phẩm sử dụng một lần, các sản phẩm y tế. Đặc biệt, thời gian gần đây SAP đang được ứng dụng nhiều trong nông nghiệp. Các hạt SAP được bón cùng với phân, có khả năng hút lượng nước rất lớn, gấp 600 - 1.000 lần khối lượng của chúng, sẽ đóng vai trò như các hồ nước đã hòa tan các chất dinh dưỡng trong đất và phân bón đặt tại đầu các rễ, cung cấp dinh dưỡng đều đặn cho cây trồng.

Xây dựng sản phẩm mang thương hiệu Việt

Theo TS Mai, ý tưởng sản xuất Bio-SAP từ CMC lại là một lợi thế lớn, một cơ hội đầu tư đầy triển vọng và có tính khả thi cao, đặc biệt hoàn toàn có thể cạnh tranh được với sản phẩm ngoại. Thời gian đầu khởi nghiệp nhóm tập trung sản xuất Bio-SAP trên cơ sở CMC thu hồi từ nguồn phụ phẩm tập trung tại các nhà máy chế biến thực phẩm, rau quả xuất khẩu tại Ninh Bình, Thanh Hóa và Nghệ An. Ước tính, sản lượng phụ phẩm hàng năm từ dứa khoảng 400.000 tấn; vỏ chanh leo khoảng 40.000 tấn; phụ phẩm chuối khoảng 10.000 tấn. Với lượng phụ phẩm này có thể sản xuất được khoảng 100.000 tấn CMC và từ nguồn nguyên liệu CMC này có thể sản xuất được 400.000 tấn Bio-SAP với doanh thu tiềm năng khoảng hơn 1 tỷ USD.

Sản phẩm của dự án sẽ là chuỗi các sản phẩm Bio-SAP có thời gian phân hủy thay đổi để phục vụ cho mọi loại cây trồng từ cây cảnh, cây trồng ngắn hạn, cây ăn quả và cây công nghiệp lâu năm, do vậy thị trường là rất lớn. Ngoài ra, sản phẩm Bio-SAP còn được bán dạng nguyên liệu cho các công ty sản xuất phân bón nhả chậm. Bên cạnh dòng sản phẩm Bio-SAP, nhóm còn định hướng phát triển tiếp sản phẩm màng phân hủy sinh học Biofilm từ CMC làm màng bọc thực phẩm, túi tự hủy và màng bao phủ phân hủy trong xử lý rác thải của thành phố Hà Nội.

Bio-SAP dự kiến sẽ phát triển thành thương hiệu quốc tế Bio-SAP và sẽ được đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ với sự nhận diện Bio-SAP là một tập đoàn, sản phẩm nguyên liệu Polime siêu hấp thụ 100% từ tự nhiên và phân hủy sinh học hoàn toàn, thân thiện môi trường, bền vững.

Sử dụng hạt Bio-SAP trong trồng trọt sẽ làm giảm chi phí đầu tư hệ thống tưới và giảm lượng nước cần tưới, đồng thời làm tăng chất lượng và năng suất nông sản, do đó giảm chi phí sản xuất. Đặc biệt, hạt Bio-SAP đóng vai trò quan trọng trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu nhất là tại các vùng khô hạn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ