Vườn ươm trong trường ĐH
Năm 2017, Trung tâm Sáng tạo và ươm tạo FTU (Trung tâm FIIS) được thành lập, đưa các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp của Trường ĐH Ngoại Thương lên một nấc thang mới, bài bản và toàn diện hơn.
PGS.TS Lê Thị Thu Hà – Giám đốc Trung tâm FIIS cho biết, Trung tâm đã trở thành mái nhà chung, kết nối với các trường ĐH đối tác trên thế giới, mạng lưới cố vấn khởi nghiệp, các quỹ đầu tư và các doanh nghiệp.
Kể từ khi hoạt động, hàng loạt chương trình đã được Trung tâm triển khai, như Chuỗi Ftalk truyền cảm hứng sáng tạo và tinh thần khởi nghiệp cho sinh viên; Chương trình SOS hỗ trợ và định hướng sinh viên khởi nghiệp (Support and Orientation for Startup - SOS);
Chuỗi khóa đào tạo “Tôi tự tin sáng tạo” (Turn on Innovation); Chương trình Pre-Incubation Bootcamp/Hackathon huấn luyện nâng cao giúp các ý tưởng sáng tạo thành các dự án khả thi, được phối hợp triển khai với các đối tác doanh nghiệp và các trường ĐH khu vực, quốc tế…
Đồng thời, FIIS cũng phối hợp với các đối tác như Vietnam Silicon Valley (VSV), Chương trình đổi mới sáng tạo Việt Nam Phần Lan (IPP), Chương trình Khởi nghiệp Thụy Sỹ (Swiss EP) hay Trường Đại học Quốc gia Malaysia... tổ chức các khóa đào tạo bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho giảng viên/cán bộ hỗ trợ khởi nghiệp...
Bên cạnh đó, FIIS cũng tham gia tích cực các sự kiện trong và ngoài nước như Techfest, Ngày hội khởi nghiệp của học sinh và sinh viên SWISS, Trại hè khởi nghiệp toàn cầu (Global Entrepreneurship Bootcamp)… Nhờ vậy, các sinh viên của Nhà trường đã nhận được nhiều giải thưởng và được tham gia các khóa đào tạo nâng cao về quản trị - kinh doanh của các tổ chức, quỹ chuyên nghiệp.
Đặc biệt, Chương trình Ươm tạo khởi nghiệp SIP 100 (Startup Incubation Program 100 ) do FIIS chủ trì phối hợp với các tổ chức/quỹ… luôn được đánh giá cao.
Đây là chương trình mục tiêu nhằm hỗ trợ các sinh viên khởi nghiệp có ý tưởng triển vọng có thể tìm thấy mô hình kinh doanh (bằng cách nâng cao năng lực đội ngũ sáng lập, cho ra sản phẩm thử cũng như kết nối nhà đầu tư có tiềm năng).
Trải qua 3 mùa 2017, 2018 và 2019, SIP100 đã đã chọn lựa được gần 30 nhóm khởi nghiệp để tham gia vào chương trình ươm tạo từ hơn 600 ý tưởng của sinh viên và các nhóm khởi nghiệp trên toàn quốc. Trải qua 100 ngày “ươm tạo” và hoạt động kết nối đầu tư, nhiều nhóm đã được các tổ chức thúc đẩy khởi nghiệp tiếp nhận và 1 số đã gọi vốn thành công trên những đấu trường lớn như Shark Tank.
Đóng góp tham luận tại hội thảo về xây dựng cơ chế chính sách phát triển khoa học và công nghệ, ông Phạm Hồng Quất – Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp Khoa học & Công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) nhận định:
Trong mô hình hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và trong thị trường khoa học – công nghệ, các trung tâm đổi mới sáng tạo được xem là mô hình hiệu quả, phổ biến hiện nay, vì vừa đóng vai trò là tổ chức trung gian hỗ trợ kết nối các thành phần trên thị trường khoa học – công nghệ và trong hệ sinh thái khởi nghiệp, vừa là tổ chức thực hiện vai trò của một đơn vị nghiên cứu, một nhà đầu tư. Trung tâm đổi mới sáng tạo trong các trường ĐH có khối ngành kỹ thuật đóng vai trò quan trọng.
Lý do bởi đó là cầu nối, tư vấn, hỗ trợ các sinh viên, giảng viên của trường khởi nghiệp với các ý tưởng công nghệ có tiềm răng thương mại hóa với các quỹ đầu tư. Việc hình thành, phát triển các trung tâm đổi mới sáng tạo và từng bước kết nối với mạng lưới các trung tâm đổi mới sáng tạo toàn cầu sẽ thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp phát triển, nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo, năng lực khoa học công nghệ quốc gia, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Cần thực chất, tránh theo phong trào
Để phát huy tốt hơn nữa vai trò của trường ĐH trong hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam, PGS.TS Lê Thị Thu Hà cho rằng, điều đầu tiên cần lưu ý là khuyến khích tinh thần khởi nghiệp, đặc biệt là khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cần được tiến hành một cách thực chất, đồng bộ.
Tránh hiện tượng sinh viên khởi nghiệp theo phong trào khi chưa hiểu rõ những yêu cầu cần thiết (đặc biệt là về các nguồn lực, cách thức vận hành mô hình kinh doanh), cũng như các rủi ro về luật pháp, tài chính, thị trường và các hệ lụy phát sinh khác.
Cùng với đó, khởi nghiệp cần được xác định và tư vấn trong hệ thống hoạt động hỗ trợ, định hướng nghề nghiệp cho sinh viên của nhà trường từ năm thứ 2 trở đi, để sinh viên có quá trình tích lũy kiến thức, chuẩn bị những nguồn lực cần thiết.
Những vấn đề liên quan đến khởi nghiệp, đặc biệt là tinh thần đổi mới sáng tạo, tôn trọng sự khác biệt, khuyến khích ý tưởng mới cần được thể hiện qua các môn học một cách liên tục, thống nhất và xuyên suốt.
Thực tiễn cho thấy, những trường ĐH mà “không gian” trao đổi, tranh luận, chia sẻ càng rộng thì sinh viên sẽ được truyền cảm hứng mạnh mẽ và càng có động lực đổi mới sáng tạo. Đây cũng là cơ sở để xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao phù hợp trong bối cảnh kinh tế mới nói chung cũng như cho các công ty khởi nghiệp nói riêng.
PGS.TS Lê Thị Thu Hà cũng nhấn mạnh việc tập trung và kết nối nguồn lực giữa nhà trường, chuyên gia, các nhà đầu tư, các doanh nghiệp, để khuyến khích, hỗ trợ và đồng hành với một số dự án khởi nghiệp.
Đồng thời, khuyến khích sinh viên của trường tìm hiểu và lập đội nhóm khởi nghiệp với sinh viên trong các lĩnh vực khác; để dự án khởi nghiệp không chỉ mang tính đột phá mà còn mang tính khả thi cao; không chỉ đổi mới, sáng tạo mà còn thực sự gắn với thị trường và đưa ra những giải pháp thiết thực.
“Cuối cùng, cũng cần thành lập Quỹ hỗ trợ khởi nghiệp để kết nối các nguồn lực, từ đó thúc đẩy thành công những ý tưởng và dự án khởi nghiệp ở tầm khu vực và quốc tế” - PGS.TS Lê Thị Thu Hà đề xuất.