Ước mơ thoát nghèo từ lớp xóa mù chữ nơi biên cương

GD&TĐ - Nhiều học viên tại lớp xóa mù chữ Khe Lánh, xã Vô Ngại, huyện Bình Liêu (Quảng Ninh) mong muốn có được “con chữ” để thoát nghèo.

Các học viên tại lớp xóa mù chữ Khe Lánh.
Các học viên tại lớp xóa mù chữ Khe Lánh.

Học chữ để bán gà trên facebook

Lớp học xóa mù chữ tại thôn Khe Lánh được khai giảng từ tháng 4/2023, học từ 19h30 đến 21h30 từ tối thứ 2 đến thứ 7 hàng tuần. Lớp có 19 học viên, trong đó có 3 học viên thuộc hộ cận nghèo.

Học viên Hoàng Thị An (43 tuổi) cho biết, chị thuộc hộ cận nghèo. Trước đây gia đình chị An thuộc hộ nghèo, ở nhà vách đất siêu vẹo rồi bị đổ sau bão. Năm 2014, gia đình chị vươn lên thành hộ cận nghèo vì được chính quyền xã hỗ trợ 25 triệu đồng bằng hiện vật là 10 tấn xi măng để xây nhà mái bằng rộng 60m2.

Trước đây, gia đình khó khăn nên chị An không được đi học. Khi được chính quyền xã vận động học lớp xóa mù chữ, chị An đăng ký ngay với mục đích biết chữ để hi vọng thoát nghèo, mong ước về cuộc sống khấm khá hơn.

Bản thân chị An sức khỏe yếu, mổ cột sống 5 năm trước nên đi lại khó khăn. Đến học lớp xóa mù chữ mỗi tối, đau lưng không ngồi được lâu, chị phải đeo đai giữ cột sống. Chốc chốc lại thay đổi tư thế ngồi học liên tục, có khi chị An phải đứng học và chép bài.

Chị Hoàng Thị An thường xuyên xung phong lên đọc bài.

Chị Hoàng Thị An thường xuyên xung phong lên đọc bài.

Chị An cho biết, giờ không có sức lao động, xách vật gì dưới 5kg phải cố, chăm con gà cũng phải cúi khó khăn. Vì vậy mong học được chữ để đăng bài bán gà trên facebook, nhiều người biết sẽ đến tận nhà mua, chứ yếu không đi bán được.

“Học chữ đến nay đã 8 tháng, giờ cũng biết viết nhưng còn chậm. Nhưng dùng facebook đã bán được mấy chục con gà rồi. Học được chữ nên tôi rất vui, đi đâu gặp bạn bè cũng thấy tự tin hơn”, chị An nói.

Tuy cuộc sống vất vả, khó khăn, sức khỏe lại yếu nhưng chị An đi học rất chăm chỉ, rất ít khi nghỉ. Trong các tiết học, chị rất hăng hái phát biểu, tích cực lên bảng đọc bài.

Tại lễ phát động tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời của xã Vô Ngại, chị An là học viên tích cực đại diện cho các học viên lên phát biểu cảm nhận khi được học lớp xóa mù chữ do xã tổ chức.

Hi vọng vào tương lai tươi sáng

Chị Đinh Thị Đông (43 tuổi) cho biết, cũng thuộc hộ cận nghèo. Giống nhiều học viên, ngày bé chị Đông cũng vì nhà nghèo nên phải đi chăn trâu, không được đi học.

Lớn lên không biết chữ, chỉ biết làm nông nghiệp, không có điều kiện đi ra khỏi thôn bản học hỏi làm kinh tế.

“Vì không biết chữ không thể kèm con học. Khi xã vận động đi học lớp xóa mù chữ tôi liền đăng ký ngay. Đời mình thất học nên nghèo đói vây quanh, giờ chỉ mong con được học hành đàng hoàng để tương lai tươi sáng hơn”, chị Đông nói.

Học viên thứ 3 thuộc hộ cận nghèo tại lớp học xóa mù chữ thôn Khe Lánh là anh Chu Văn Thình (44 tuổi). Hoàn cảnh gia đình anh Thình khó khăn thuộc diện nhất nhì của xã.

Trước kia nhà cửa tạm bợ, nhưng năm 2011 khi mở đường quốc lộ 18C, anh Thình được Nhà nước bồi thường hơn 40 triệu để xây một ngôi nhà nhỏ cho gia đình ở.

Nhà có 6 khẩu nhưng chỉ mình anh Thình là lao động chính, gánh vác kinh tế trong nhà. Vợ chồng anh Thình có 4 cháu nhỏ, cháu bé nhất mới hơn 2 tuổi, đặc biệt có 1 cháu không may bị hạn chế ngôn ngữ, nay đã 5 tuổi nhưng cháu chưa biết nói.

Mỗi ngày anh Thình đi vác keo thuê kiếm 100.000 đồng, nuôi cả gia đình 6 miệng ăn. Những tháng mùa gặt hoặc mùa mưa không đi làm được thì không có thu nhập.

Khi xã mở lớp xóa mù chữ, anh Thình đăng ký học ngay, muốn biết chữ để đọc tài liệu chăn nuôi. Anh dự kiến sẽ nuôi gà, ngan để có thêm thu nhập, chăm lo cho con ăn học, đặc biệt là có tiền can thiệp cho cháu bị hạn chế ngôn ngữ.

“Hiện tại kinh phí mua giống còn hạn hẹp, lại chưa có kiến thức chăn nuôi nên phải học chữ để đọc được tài liệu. Tôi rất mong học được chữ để kiếm tiền cho các con có tương lai tốt đẹp hơn”, anh Thình nói.

Các học viên chăm chú nghe giảng.

Các học viên chăm chú nghe giảng.

Cô giáo Trần Thị Hinh (31 tuổi) cho biết, dù có hoàn cảnh khó khăn, nhưng các học viên rất chăm chỉ đi học. Sau 8 tháng học xóa mù chữ, 3 học viên trên đều đã biết nghe, nói, đọc, viết thành thạo.

“Lớp học tại đây đa phần học viên đều làm nông, làm keo, phát rừng thuê. Cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng ham học. Có những hôm đang học mất điện, cả lớp bật đèn từ điện thoại lên để học tiếp. Tất cả học viên đều muốn đi học để biết viết tên, đọc báo, xem tin tức, học kiến thức chăn nuôi sau đó vươn lên thoát nghèo”, cô Hinh nói.

Bà Cam Thị Nông, Bí thư Đoàn xã Vô Ngại đồng thời là Phó giám đốc Trung tâm học tập cộng đồng xã cho biết, theo kết quả phổ cập giáo dục đến thời điểm hiện tại xã Vô Ngại có 185 người chưa biết chữ, trong đó chủ yếu ở độ tuổi 40 đến 50.

“Xã tích cực mở các lớp xóa mù chữ, mong muốn người dân tự phát huy nội lực bản thân để nâng cao dân trí, từ đó tiếp cận nhanh hơn các tài liệu, công nghệ trong chăn nuôi, vươn lên xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế”, bà Nông nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Ngày xưa đi học

GD&TĐ - Chỉ nghĩ thôi mà những kỷ niệm ngày xưa ùa về. Trong thoáng chốc, dường như tôi thấy mình là một cô gái nhỏ ngày đầu được mẹ dắt đến trường...