Chuyển biến nhận thức về việc học
Theo Ban Chỉ đạo phổ cập giáo dục, xóa mù chữ tỉnh Sóc Trăng (PCGD-XMC), thời gian qua, người dân đã xác định được lợi ích của việc học tập, nâng cao trình độ văn hóa, khoa học kỹ thuật nên đã tích cực tham gia học tập, đưa con em đến trường và vận động mọi người cùng tham gia học tập.
Từ đó công tác PCGD ngày càng thu hút nhiều đối tượng tham gia; tỷ lệ người biết chữ tăng dần; phong trào khuyến học, khuyến tài ngày càng phát triển, các xã, phường, thị trấn đều có Hội Khuyến học; công tác xã hội hoá giáo dục ngày càng có nhiều tiến bộ. Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên được tăng cường cả về số lượng và chất lượng, cơ bản đáp ứng được yêu cầu phát triển giáo dục trong tình hình mới.
Tỉnh Sóc Trăng ưu tiên sử dụng ngân sách địa phương để đầu tư cơ sở vật chất cho ngành Giáo dục, kết hợp tốt các chương trình, dự án như “Chương trình xây dựng nông thôn mới” và dự án “Trung học cơ sở vùng khó khăn” nên hệ thống trường lớp được phát triển đồng bộ ở các xã, phường, thị trấn.
Theo ông Châu Tuấn Hồng, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Sóc Trăng: Ngành Giáo dục Sóc Trăng đã thực hiện tốt công tác tham mưu cho cấp ủy Đảng, UBND các cấp quán triệt mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch PCGD-XMC các cấp. Phối hợp các ngành chức năng có liên quan đẩy mạnh tuyên truyền vận động các gia đình cho trẻ em đi học đúng độ tuổi, chống bỏ học và hạn chế đến mức thấp nhất số học sinh lưu ban...
Ban Chỉ đạo PCGD-XMC cấp tỉnh đã phân công trách nhiệm cụ thể cho các thành viên theo lĩnh vực công tác được giao; có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, ban ngành, đoàn thể thực hiện có hiệu quả các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đối với công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ. Các ban ngành, đoàn thể đã tích cực vào cuộc, đã tham mưu với UBND tỉnh đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị dạy học cho các cơ sở giáo dục; bố trí kinh phí cho công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ...
Học sinh Sóc Trăng trong giờ học. |
Nâng chất công tác xóa mù chữ
Theo Ban Chỉ đạo PCGD-XMC tỉnh Sóc Trăng, tỉnh hiện có 100% số xã duy trì đạt chuẩn xóa mù chữ (cụ thể, năm 2021 tổ chức được 125 lớp với 888 học viên; năm 2022 tổ chức được 122 lớp, với 939 học viên; năm 2023 tổ chức được 181 lớp, với trên 1.700 học viên).
Qua kiểm tra, Ban chỉ đạo PCGD-XMC các địa phương đều quan tâm đến công tác PCGD-XMC, có xây dựng kế hoạch năm 2023 và huy động hệ thống chính trị cấp cơ sở tham gia tích cực công tác điều tra, tuyên truyền, vận động học viên ra lớp. Lãnh đạo các trường học chỉ đạo mở các lớp phổ cập, xóa mù chữ và duy trì có hiệu quả theo các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về chuyên môn của ngành GD&ĐT. Giáo viên phụ trách công tác phổ cập nhiệt tình, phát huy tinh thần vượt khó, nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao...
Đánh giá kết quả chung toàn tỉnh, số đơn vị cấp huyện đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2: 11/11 đơn vị cấp huyện, tỷ lệ 100%. Số đơn vị cấp xã đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2: 109/109 đơn vị cấp xã, tỷ lệ 100%. Tổng số dân từ 15 - 35 tuổi: 408.073 người, trong đó, số người biết chữ mức độ 2: 402.324 người (98,59%); tổng số dân từ 15 - 60 tuổi: 941.273 người, trong đó, số người biết chữ mức độ 2: 880.455 người (93,54%). Về tiêu chuẩn, điều kiện bảo đảm xóa mù chữ bao gồm mạng lưới trường, lớp, đội ngũ giáo viên đều đáp ứng yêu cầu theo quy định.
Tỉnh Sóc Trăng tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ thời gian tới. Từng bước nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện của từng cấp học; phấn đấu có thêm từ 1 đến 2 đơn vị cấp huyện đạt mức độ 3, duy trì kết quả đạt được của XMC mức độ 2, PCGD tiểu học mức độ 3.
Theo Sở GD&ĐT Sóc Trăng, tỉnh tăng cường củng cố và nâng cao chuẩn PCGD, XMC ở 109 xã, phường, thị trấn; huy động hết học sinh tốt nghiệp tiểu học vào lớp 6; có biện pháp tích cực để duy trì sĩ số học sinh, giảm lưu ban, chống bỏ học, nâng cao hiệu quả đào tạo ở THCS. Tập trung huy động hầu hết học sinh đã bỏ học ra lớp hoàn thành chương trình tiểu học, tạo thế vững chắc cho kết quả PCGD THCS.