Ước mơ thành phóng viên để “đi và viết” của nữ sinh “khập khễnh”

GD&TĐ - Suốt 12 năm qua, Nguyễn Thị Linh (lớp 12A8, Trường THPT Lý Tự Trọng, huyện Thạch Hà) đến trường bằng đôi chân mang dị tật.

Phương tiện đến trường của Linh là chiếc xe máy điện 3 bánh.
Phương tiện đến trường của Linh là chiếc xe máy điện 3 bánh.

Nhưng cô gái nhỏ vẫn luôn nỗ lực, say mê học tập với ước mơ được trở thành phóng viên trong tương lai, để đi và viết...

Đôi chân khập khễnh của Linh

Ngôi nhà của em Nguyễn Thị Linh nằm trong con ngõ nhỏ của tổ dân phố 6, thị trấn Thạch Hà, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh). Trong ngôi nhà không có lấy một căn phòng tươm tất bởi chỗ nào cũng chất đầy hàng trăm bao lúa. Linh cho biết, mẹ em làm hàng xén, mỗi năm đến vụ mùa mẹ lại chạy vạy khắp nơi thu mua lúa đem ra chợ bán lại. Đó cũng là nguồn sinh nhai của 3 mẹ con Linh trong gần 20 năm qua.

Số phận không may mắn khiến Linh vừa sinh ra đã mang trên mình một đôi chân tật nguyền. Thương con lọt lòng đã bị khiếm khuyết về cơ thể, bố mẹ Linh đã phải chạy vạy khắp nơi để chữa trị cho em nhưng không được kết quả gì.

Chị Nguyễn Thị Tuấn, mẹ của Linh nhớ lại: “Lúc nhỏ chỉ thấy chân cháu hơi yếu, gia đình cứ nghĩ cháu bị thiếu chất do hoàn cảnh khó khăn. Nhưng đến 2 tuổi, con nhà người ta biết chạy nhảy, 2 chân của Linh vẫn gập ra phía sau không thể đứng được. Khi đó, vợ chồng tôi mới đưa cháu đi khám từ Tây y sang Đông y nhưng không có kết quả. Bản thân cháu đã trải qua 3 lần mổ nhưng vẫn không thể đi lại”.

Tình nguyện viên hỗ trợ Linh đến trường trong những ngày thi.
Tình nguyện viên hỗ trợ Linh đến trường trong những ngày thi.

Trong thời gian chạy chữa cho Linh, bố em mắc bệnh nặng rồi qua đời. Bao nhiêu khó khăn, vất vả đổ dồn lên bàn tay mẹ. Thời điểm đó, một mình mẹ Linh vừa chạy chợ, vừa ngược xuôi đưa con đến các bệnh viện chữa bệnh.

“Chỉ khi, các bác sĩ thông báo cháu bị dị tật bẩm sinh, khả năng đôi chân cháu có thể đi lại cũng rất mong manh… tôi mới chấp nhận đưa con về”, giọng chị Tuấn nghẹn lại.

Cũng kể từ đó, không gian của Linh chỉ quanh quẩn trong nhà. Nhiều lần thấy con tần ngần nhìn các bạn chạy nhảy ngoài đường, chị Tuấn lại quặn thắt ruột. Không đầu hàng số phận, chị Tuấn động viên con cố gắng tập đi.

Ròng rã gần 3 năm trời cuối cùng nỗ lực của 2 mẹ con đã cho kết quả. Lên 6 tuổi, khi những đứa trẻ cũng trang lứa bắt đầu vào lớp 1 cũng là lúc Linh biết đi những bước đầu tiên. Dù những bước chân khập khễnh ngắn dài nhưng đã thôi thúc Linh quyết tâm đến trường đi học như các bạn.

Cũng từ đó, mười hai năm đến lớp là mười hai năm bạn bè, thầy cô được chứng kiến một cô bé khuyết tật như không bao giờ chịu lùi bước trước khó khăn vất vả.

Thí sinh Nguyễn Thị Linh (lớp 12A8, Trường THPT Lý Tự Trọng).
Thí sinh Nguyễn Thị Linh (lớp 12A8, Trường THPT Lý Tự Trọng).

Ước mơ thành phóng viên để được đi và viết

Từ cấp 1 đến hết năm lớp 11, Linh đến trường bằng chiếc xe lăn có sự hỗ trợ của mẹ. Đến năm lớp 12, em được một nhà tài trợ tặng chiếc xe máy điện 3 bánh để đến trường. Linh nói, nhờ có chiếc xe này mà quãng đường đến trường được rút ngắn lại, mẹ cũng đỡ vất vả.

Trong cuộc sống, Linh luôn cố gắng tự lập, khắc phục khiếm khuyết của bản thân. Ba năm học cấp 3, lớp học của Linh ở tầng 2 nên việc di chuyển lên cầu thang rất khó khăn, nhưng Linh luôn tự mình vịn vào tường để bước lên.

“Các bạn bè trong lớp thường đợi em dưới cầu thang để dìu em lên nhưng em không muốn. Chỉ những hôm trời lạnh, chân tê buốt em mới nhờ đến sự giúp đỡ của các bạn”, cô học trò chia sẻ.

Có thể với mọi người có đôi chân lành lặn, con đường đến trường, đến lớp, sẽ bớt phần gồ ghề, nhấp nhô hơn. Nhưng với Linh, tất cả những khó khăn mà em đang đối diện là cơ hội để bản thân thêm nghị lực, thêm cố gắng.

Bằng chứng cho những nỗ lực không biết mệt mỏi ấy là thành tích học tập luôn ở mức khá của em. Đặc biệt, các môn xã hội, Linh luôn có điểm tổng kết trên 8,0. Trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, Linh cũng đăng ký thi khối C vào Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

Chúng tôi gặp Linh khi em đã trải qua hết các môn của khối C trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Linh không giấu được niềm vui vì em làm bài rất tốt. Dù chưa xem lại kết quả nhưng Linh tự tin khi ước mơ trở thành một nữ phóng viên ngày một gần hơn.

Linh cho biết, năm nay em thấy đề thi không quá khó. Các bài em đều hoàn thành tốt và kiểm tra kỹ trước khi nộp bài. Em hy vọng năm nay, ngành báo in thi sẽ không lấy điểm quá cao.

Chia sẻ về ước mơ của mình, Linh nói: “Em muốn trở thành một phóng viên để được đi nhiều nơi, được gặp gỡ nhiều người và viết về những điều em đã trải qua. Trong suốt những năm qua em đã luôn nỗ lực để hoàn thành ước mơ của mình”.

Cô giáo Nguyễn Thị Hiền, giáo viên chủ nhiệm lớp 12A8, Trường THPT Lý Tự Trọng cho biết: “Linh là một học sinh rất nghị lực và ham học hỏi. Dù khiếm khuyết, lại thường đau ốm nhưng số lần nghỉ học của em rất hiếm hoi. Đặc biệt, vào mùa đông, chân tay em thường bị sưng tấy rất đau nhưng em vẫn đến trường. Nghị lực của em là tấm gương và truyền cảm hứng cho rất nhiều bạn trong lớp”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Máy trồng chanh dây tự động giải phóng sức lao động cho người nông dân.

Máy tạo bầu trồng chanh dây đa năng

GD&TĐ - Máy tạo bầu trồng chanh dây đa năng có thể thực hiện tự động tất cả các khâu, giúp tiết kiệm chi phí nhân công và nâng cao năng suất vườn ươm.