Ước mơ lớn của cậu bé 'tí hon'

GD&TĐ - Từ nhỏ, do mắc căn bệnh hiểm ác nên bao năm qua Hiếu chỉ cao khoảng 1,4 m, nặng hơn 30 kg.

Minh Hiếu và bố của mình.
Minh Hiếu và bố của mình.

Để duy trì sự sống, Hiếu phải cắt bỏ lá lách và 2 thùy của phổi. Nhưng dù cuộc sống gian truân mọi lẽ, cậu học trò xứ Thanh vẫn chưa bao giờ từ bỏ việc học, với ước mơ trở thành bác sĩ.

18 năm “đấu tranh” giành sự sống

Ngôi nhà của cậu học trò Hoàng Ngọc Minh Hiếu trên phố Triệu Quang Phục, phường Đông Thọ (TP Thanh Hóa), những ngày này đầy ắp tiếng cười. Trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, Hiếu đạt 26,05 điểm ở 3 môn khối B, với Toán: 8,8 điểm; Hóa: 8,75 và Sinh đạt 8,5 điểm.

Mặc dù là học sinh khuyết tật nặng của lớp 12B1, Trường THPT Hàm Rồng (TP Thanh Hóa), thuộc diện miễn thi tốt nghiệp, thế nhưng, bằng nghị lực và ý chí vươn lên vượt bậc, cậu học trò vẫn tự tin “vượt vũ môn” để đạt điểm số ấn tượng.

Hiếu là anh cả trong gia đình có hai anh em. Mẹ Hiếu là giáo viên, bố là công nhân nhà máy mía đường tại Thanh Hóa. Ở độ tuổi 18 nhưng Hiếu chỉ cao khoảng 1,4 m và nặng hơn 30 kg, khuôn mặt gầy gò, tái nhợt nhưng cậu có đôi mắt rất sáng sau lớp kính cận dày cộp. Suốt 18 năm qua, đã không biết bao lần Hiếu phải vào viện điều trị vì căn bệnh hiểm ác.

Lau vội dòng nước mắt, mẹ của Hiếu - chị Lê Thị Nhung - tâm sự: Gia đình phát hiện Hiếu bị mắc bệnh tan máu huyết tán bẩm sinh khi con mới tròn 8 tháng tuổi. Kể từ đó, hành trình đi tìm sự sống cho cậu con trai của bà mẹ trẻ nhiều nước mắt và gian nan không kể xiết.

Điều khiến chị Nhung lo lắng nhất đó là bệnh tình vẫn đang có dấu hiệu chuyển biến xấu, có thể khiến Hiếu bị biến dạng khuôn mặt, xương khớp. Căn bệnh hiểm ác cũng ảnh hưởng đến cơ quan nội tạng, chiều cao và cân nặng khiến Minh Hiếu luôn ốm yếu, không thể phát triển bình thường như bạn bè cùng trang lứa. “Lúc nghe bác sĩ chẩn đoán bệnh tình của con, tôi gần như suy sụp hoàn toàn”, chị Nhung nói.

Để duy trì sự sống cho cậu con trai, chị Nhung thực hiện y lệnh điều trị, đều đặn đưa con vào viện truyền máu mỗi tháng một lần. Tuy nhiên, việc truyền máu tươi khiến lá lách trở nên to bất thường, bác sĩ buộc phải phẫu thuật cắt bỏ lách để đảm bảo sự sống. “Ở giữa lằn ranh của sự sống và cái chết, tôi gần như hấp hối theo con. Cũng may, sau 10 ngày phẫu thuật, sức khỏe của con dần ổn định. Tuy nhiên, ca phẫu thuật chỉ đảm bảo sự sống, còn bệnh tình của con vẫn không thuyên giảm”, chị Nhung nghẹn ngào.

Chi phí mỗi đợt điều trị gần 20 triệu đồng, có bảo hiểm hỗ trợ. Tuy nhiên, nếu đợt điều trị nào mà bệnh viện hết thuốc, gia đình phải tự lo chi phí thuốc thang. Song song với việc điều trị, chị Nhung cũng cho con đến trường tìm “con chữ” như các bạn. Dù sức khỏe yếu, song Minh Hiếu rất chịu khó học hành, suốt 12 năm đèn sách, cậu luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi, nhiều lần tham dự học sinh giỏi các môn văn hóa cấp thành phố, từng đoạt giải Nhất môn Vật lý, kỳ thi học sinh giỏi cấp thành phố năm lớp 8.

Dù luôn bị bệnh tật giày vò, song Hiếu không hề cảm thấy tủi thân hay thiệt thòi, mà luôn nỗ lực tìm niềm vui trong sự cố gắng đạt kết quả cao trong học tập. Ở kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, Hiếu thuộc diện tuyển thẳng nhưng em vẫn đăng ký dự thi và đạt số điểm mà biết bao thí sinh và gia đình mong ước.

Năm 2019, Hiếu cảm thấy sức khỏe yếu hẳn khi xuất hiện những cơn ho dai dẳng có lẫn máu. Vào viện kiểm tra, nghe bác sĩ giải thích, cậu mới biết mình bị viêm phổi do ảnh hưởng của bệnh. Sau nhiều tháng điều trị bằng thuốc nhưng không hiệu quả, hè năm ngoái, Hiếu buộc phải nhập viện cắt bỏ hai thùy của phổi. Hiếu phải uống thêm thuốc thải sắt, bổ gan và tăng cường sức đề kháng.

Chị Lê Thị Nhung kể về hành trình chữa bệnh cho con trai.

Chị Lê Thị Nhung kể về hành trình chữa bệnh cho con trai.

Ước mơ trở thành bác sĩ

Hiếu kể, thời gian ôn thi tốt nghiệp là giai đoạn vất vả nhất đối với em, vì phải nhập viện thường xuyên. Có thời điểm, Hiếu buộc phải nghỉ học kéo dài để điều trị bệnh, vì vậy cậu học trò chỉ còn cách vừa nằm trên giường điều trị vừa ôn thi tốt nghiệp. “Em tranh thủ những lúc cơ thể khỏe mạnh nhất để ôn tập, chỗ nào chưa hiểu thì hỏi thêm thầy, cô và nhờ bạn bè hỗ trợ. Nhiều hôm em cũng phải miệt mài học tới 11 - 12 giờ khuya. Những lúc rảnh, em thường đọc truyện để giải tỏa căng thẳng”, nam sinh chia sẻ.

Trước thời điểm kỳ thi diễn ra, Hiếu được các bác sĩ truyền máu sớm để tăng cường sức khỏe. Cậu học trò vui vẻ khoe, với 26,05 điểm, em khá tự tin nộp hồ sơ xét tuyển vào ngành Xét nghiệm y học, Trường Đại học Y Hà Nội. “Em mong ước trở thành bác sĩ vì muốn tìm hiểu và chữa bệnh cho chính bản thân em và mọi người. Với em, đây cũng là ngành nghề cao quý!”, Hiếu bộc bạch.

Hiện tại, cơ hội để cứu sống Hiếu theo chị Nhung đó là tìm được tủy tương thích. Thời gian qua, gia đình cũng đã tập trung tìm kiếm từ người thân, bạn bè và đã đưa em gái của Hiếu đến bệnh viện kiểm tra nhưng kết quả không phù hợp. “Với hoàn cảnh hiện giờ, gia đình tôi không đủ điều kiện để đi tìm tủy tương thích cho con. Tôi chỉ biết chờ đợi một vận may bất ngờ và ước mong, bệnh tình không diễn biến xấu để con tiếp tục theo đuổi ước mơ của mình”, chị Nhung nghẹn ngào.

Thầy Lê Mạnh Hùng, giáo viên chủ nhiệm của Hiếu, cho biết: “Hiếu là tấm gương sáng về nghị lực vượt lên số phận. Mặc dù, bệnh tật triền miên nhưng chưa bao giờ em từ bỏ việc học tập, trau dồi tri thức. Không chỉ kỳ thi tốt nghiệp lớp 12, mà ngay cả trong kỳ thi đầu vào lớp 10 cũng thế, dù được đặc cách, Hiếu vẫn dự thi và đỗ với số điểm rất cao. Hiếu là tấm gương của một con người giàu nghị lực, luôn lạc quan, chiến thắng bệnh tật và không ngừng cố gắng vươn tới đỉnh cao”.

“Bệnh tật khiến em không khỏe mạnh và phát triển bình thường như các bạn nhưng em không cảm thấy buồn tủi vì điều đó. Trái lại, em thấy rằng bản thân mình thật may mắn vì luôn có bố mẹ yêu thương, đồng hành ở bên suốt những năm tháng qua”, Hiếu chân thành giãi bày.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ