Thật không dễ kiểm soát tính nóng nảy của bạn khi phải đối mặt với một đứa trẻ đang quậy phá hoặc tức giận. Trong tình huống này, hãy nhớ rằng la mắng và trừng phạt con sẽ không giúp ích gì.
Thay vào đó, cha mẹ có thể chọn những phương pháp khác hiệu quả hơn để giải quyết, và kỷ luật tích cực là một trong số đó.
Lucie Cluver, Giáo sư nghiên cứu về công tác xã hội trẻ em và gia đình tại Đại học Oxford và là mẹ của hai con trai, chia sẻ về việc kỷ luật tích cực có thể giúp cha mẹ xây dựng mối quan hệ tốt với con cái, dạy con trách nhiệm cũng như các kỹ năng hợp tác và kỷ luật tự giác.
Tận dụng tốt thời gian tương tác trực tiếp
Việc sử dụng thời gian riêng tư để tương tác là điều quan trọng đối với bất kỳ mối quan hệ tốt đẹp nào, đặc biệt là với con cái.
“Bạn có thể chọn 20 phút mỗi ngày, thậm chí 5 phút. Cũng có thể có nhiều hình thức khác. Ví dụ, bạn cùng con rửa bát và hát cho chúng nghe, hoặc trò chuyện với chúng trong khi phơi quần áo”. Giáo sư Clover nói.
Điều thực sự quan trọng là phải tập trung vào bọn trẻ. Vì vậy, lúc này, tốt nhất là nên tắt TV, điện thoại di động và giao tiếp bình đẳng với bọn trẻ.
Ca ngợi sự tích cực

Nhiều cha mẹ có xu hướng tập trung vào những hành vi xấu của con mình và la mắng chúng. Làm như vậy thường khiến con coi đó là một cách để thu hút sự chú ý của bạn, điều này gây khó khăn cho việc ngăn chặn hành vi xấu và có thể biến nó thành thói quen theo thời gian.
Trái lại, khen ngợi trẻ thường xuyên có lợi cho sự tăng trưởng và phát triển của chúng. Khen ngợi khiến trẻ cảm thấy được yêu thương và đặc biệt.
Giáo sư Clover khuyên: “Hãy luôn chú ý đến những điểm sáng của con và khen ngợi chúng, ngay cả khi chúng chỉ chơi với anh chị em trong năm phút. Điều này sẽ khuyến khích hành vi tốt và giảm nhu cầu kỷ luật”.
Đặt kỳ vọng rõ ràng
Giáo sư Clover cho biết: “Nói rõ ràng với trẻ những gì bạn muốn chúng làm sẽ hiệu quả hơn nhiều so với việc bảo chúng không nên làm gì. Khi bạn yêu cầu trẻ không gây rắc rối hoặc cư xử tốt hơn, trẻ chưa chắc đã hiểu mình phải làm gì.
Việc đặt ra những kỳ vọng rõ ràng làm tăng khả năng trẻ sẽ thực hiện những gì được yêu cầu. Ví dụ: “Hãy nhặt hết đồ chơi của con và bỏ vào hộp” là một kỳ vọng rõ ràng".
Giáo sư Clover lưu ý: “Điều quan trọng là đặt ra những kỳ vọng một cách thực tế. Thay vì yêu cầu con im lặng cả ngày, sẽ dễ dàng hơn khi yêu cầu chúng im lặng trong 10 phút khi bạn nghe điện thoại. Bạn biết con mình có khả năng gì. Nhưng nếu bạn yêu cầu chúng làm điều gì đó chúng không thể làm, chúng sẽ khiến bạn thất vọng”.
Chuyển hướng sự chú ý một cách sáng tạo
Giáo sư Clover tin rằng khi trẻ khó hòa đồng, cố gắng đánh lạc hướng chúng bằng các hoạt động tích cực có thể là một chiến lược hữu ích.
“Chuyển hướng sự chú ý của trẻ thực chất là chuyển năng lượng của chúng sang những hành vi tích cực. Điều này có thể được thực hiện bằng cách thay đổi chủ đề, chơi trò chơi, đưa trẻ sang phòng khác hoặc đi dạo,...”, Giáo sư Clover nói.
Thời gian cũng rất quan trọng. Chuyển hướng sự chú ý của con cũng bao gồm việc thực hiện hành động thích hợp khi bạn nhận thấy có điều gì đó không ổn.
Chú ý xem con có bắt đầu trở nên bồn chồn, quấy khóc, cáu kỉnh hay không, sẽ giúp bạn xử lý mọi việc ngay từ đầu trước khi chúng trở nên tồi tệ hơn.
Dạy trẻ bình tĩnh đối mặt với hậu quả
Là một phần thiết yếu của giáo dục tăng trưởng, trẻ em cần nhận ra rằng bất cứ điều gì chúng làm đều sẽ có những hậu quả tương ứng.
Bạn có thể cho con cơ hội làm điều đúng đắn bằng cách giải thích hậu quả của hành vi xấu. Ví dụ, nếu bạn muốn ngăn con mình vẽ bậy lên tường, bạn có thể nói với con rằng nếu tiếp tục vẽ bậy, con sẽ không được chơi.
Hãy cho con một cơ hội để thay đổi hành vi của chúng bằng cách đưa ra những lời cảnh báo tương tự. Nếu chúng không dừng lại, đừng tỏ ra tức giận mà hãy bình tĩnh để con đối mặt với hậu quả.
“Người ta đã chứng minh rằng việc để trẻ đối mặt với hậu quả một cách bình tĩnh là rất hiệu quả. Nó cho phép trẻ nhận ra điều gì sẽ xảy ra khi chúng cư xử không đúng mực”, Giáo sư Clover nói.