Ước mơ đẹp của nữ sinh nghèo xã đảo

GD&TĐ - Dù hoàn cảnh khốn khó, nữ sinh xứ Thanh chưa bao giờ từ bỏ việc học và đang hiện thực hóa ước mơ trở thành bác sĩ của mình.

Phạm Thị Quỳnh Mai nuôi ước mơ trở thành bác sĩ.
Phạm Thị Quỳnh Mai nuôi ước mơ trở thành bác sĩ.

Bố qua đời vì bạo bệnh, các em đều đang tuổi học hành, nữ sinh nghèo xã đảo Ngư Lộc (Hậu Lộc, Thanh Hóa) Phạm Thị Quỳnh Mai đến trường nhờ tấm lòng thơm thảo.

Di nguyện của người cha quá cố

Buổi chiều một ngày cuối tháng 7, Quỳnh Mai tranh thủ thời gian rảnh sau thi tốt nghiệp, phụ mẹ chăm sóc, bày trò chơi cho em trai út mới tròn 5 tuổi. Kể từ ngày bố qua đời vì bạo bệnh, Quỳnh Mai chăm sóc các em để mẹ có thêm thời gian chợ búa, lo toan miếng cơm cho cả gia đình.

Căn nhà nhỏ của gia đình Quỳnh Mai nằm sâu trong con hẻm nhỏ ở làng chài thôn Chiến Thắng, xã đảo Ngư Lộc, rộng chừng 60m2. Đây là nơi sinh hoạt của 6 thành viên trong gia đình, tuy không rộng lắm nhưng luôn gọn gàng, ngăn nắp.

Còn trong độ tuổi học trò nhưng Quỳnh Mai có phần cứng rắn, đôi mắt và cử chỉ của em toát lên sự kiên cường, nghị lực. Cũng dễ hiểu, bởi Quỳnh Mai là con thứ hai trong gia đình có 5 chị em. Ít năm trước, chị gái của Mai đã xây dựng gia đình và sinh sống ở một tỉnh phía Nam. Ngoài giờ học, Mai chăm sóc các em như người chị cả.

Ôm em trai vào lòng, Mai tâm sự: Hồi bố em còn sống, ông là ngư dân đánh bắt cá ngoài khơi, còn mẹ bán cá ngoài chợ. Tuy nhiên, do làm ăn thua lỗ nên gia đình phải bán cả thuyền, nhà cửa trả nợ nần. Căn nhà nhỏ hiện giờ mới được gia đình em tích cóp, vay mượn mua gần 5 năm nay.

Năm 2017, bố của Quỳnh Mai mắc bệnh hiểm nghèo khiến cuộc sống của gia đình đã khó khăn, lại thêm túng quẫn. Có thời điểm, mẹ của Mai phải nuốt nước mắt bảo con gái nghỉ học. “Nghe mẹ nói vậy, bố bèn gạt đi động viên em yên tâm học hành, dù có phải bán nhà, bố vẫn lo cho em ăn học nên người”, Mai xúc động kể.

5 năm sau ngày đổ bệnh nặng, bố Mai ra đi, để lại vợ trẻ cùng các con thơ côi cút giữa dòng đời. “Hai hôm trước khi mất, bố vẫn thúc giục em chăm chỉ, chuyên cần và dặn dò em quyết tâm học hành nên người. Đến giờ này, điều em tiếc nuối nhất không phải là điểm số chưa như kỳ vọng mà đó là bố đã không còn để chở em đi thi”, nữ sinh giãi bày.

Ngồi bên con, chị Nguyễn Thị Hạnh (42 tuổi, mẹ của Mai) cũng nghẹn ngào nước mắt khi tâm sự về gia cảnh. Chị Hạnh cho biết, kể từ ngày làm ăn thua lỗ, chồng đổ bệnh nặng, kinh tế gia đình ngày càng khốn khó.

“Thời điểm ấy, chồng đổ bệnh nặng, các con đang tuổi học hành nên cuộc sống của gia đình tôi khó khăn muôn vàn. Phải bán nhà, bán thuyền trả nợ, lo thuốc thang cho chồng. Thế nhưng, trước khi nhắm mắt xuôi tay, anh ấy vẫn một mực dặn dò phải cho các con ăn học đàng hoàng nên dù khó khăn tôi cũng cố gắng vượt lên, gắng gượng gánh vác”, chị Hạnh bộc bạch.

Gánh nặng mưu sinh đè nặng xuống đôi vai chị Hạnh bởi mọi chi tiêu sinh hoạt hàng ngày của cả nhà đều một tay chị phải lo liệu. Mẹ chồng đã già yếu, các con đang độ tuổi học hành, vậy mà mỗi phiên chợ, người phụ nữ làng biển ấy chỉ kiếm được vài trăm nghìn...

Quỳnh Mai và cậu em trai út 5 tuổi.

Quỳnh Mai và cậu em trai út 5 tuổi.

Đến trường nhờ tấm lòng thảo thơm

Quỳnh Mai chia sẻ, hơn một năm qua nữ sinh yên tâm đến trường tìm “con chữ” là nhờ những tấm lòng thảo thơm, trong đó có quỹ Thiện Tâm tài trợ. “Em cũng may mắn được quỹ Thiện Tâm tài trợ với mức 700.000 đồng/tháng nhờ vào thành tích đạt học sinh giỏi nhiều năm liên tục”, Mai bộc bạch.

Nỗ lực vượt khó, không ngừng vươn lên, Kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, Mai xuất sắc giành được 26,7 điểm. Trong đó, Toán được 8,2 điểm, Hóa: 9 và Sinh được 9,5 điểm, nếu cộng cả điểm ưu tiên, nữ sinh xứ Thanh đạt trên 27 điểm. Quỳnh Mai cũng xuất sắc giành giải Ba môn Sinh tại kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh năm học 2022 - 2023.

Với mức điểm này, Quỳnh Mai đăng ký xét tuyển vào ngành Y đa khoa, Trường Đại học Y Dược Thái Bình. Được học trường Y và trở thành bác sĩ là ước mơ cô nữ sinh này ấp ủ từ suốt cả tuổi thơ. Nhưng nghĩ về hành trình sắp tới, khuôn mặt nữ sinh xứ Thanh lộ rõ vẻ lo lắng. Bởi, ngành Y không chỉ có thời gian đào tạo dài mà học phí cũng khá đắt đỏ. Đây là vấn đề nan giải với hoàn cảnh vốn dĩ đã khó khăn như gia đình Quỳnh Mai.

“Em hy vọng sẽ tiếp tục được quỹ Thiện Tâm tài trợ để theo đuổi ước mơ của mình. Khi vào đại học, em tính sẽ đi làm thêm để trang trải chi phí học hành, giảm bớt gánh nặng cho mẹ”, nữ sinh bộc bạch. Suy nghĩ đi đôi với hành động, Quỳnh Mai đã gửi hồ sơ xin làm thời vụ cho một công ty may gần nhà để tích cóp dần khoản tiền phải trang trải cho việc học hành sắp tới. Thế nhưng, do công ty không nhận lao động thời vụ nên nữ sinh đành ở nhà phụ mẹ việc nhà và chăm sóc các em.

Ông Nguyễn Văn Dân - Trưởng thôn Chiến Thắng (xã Ngư Lộc) cho biết: Gia đình nữ sinh Quỳnh Mai thuộc diện hộ nghèo, khó khăn tại địa phương. Bố em mất vì bệnh hiểm nghèo, mẹ em là lao động chính trong nhà nhưng không có nguồn thu nhập ổn định, bà nội em đã già yếu, sau Mai còn ba đứa em... Chính quyền địa phương đã miễn nhiều khoản đóng góp, đồng thời cử cán bộ thường xuyên tới thăm hỏi, động viên gia đình vượt qua khó khăn”.

“Khi bố em mắc bệnh hiểm nghèo và qua đời khi tuổi còn trẻ thì ước mơ thi đỗ vào trường Y lại càng mãnh liệt hơn bao giờ hết. Với em, đây là ngành nghề giàu lương tâm và thực sự ý nghĩa, mang lại nhiều giá trị cho xã hội”, Mai tâm sự.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.