Hà Tĩnh: Cảm phục nghị lực của nữ sinh nhà nghèo học giỏi

GD&TĐ - Với kết quả 3 môn xét tuyển Đại học đạt 28,25 (Văn 8,75, Lịch sử 10, Địa lý 9,5),  Kiều Thị Hoài Thương, lớp 12D5 trở thành thủ khoa trường THPT Phan Đình Phùng (TP Hà Tĩnh) trong mùa thi tốt nghiệp THPT 2021.

Kiều Thị Hoài Thương và mẹ.
Kiều Thị Hoài Thương và mẹ.

Thành công nhờ phương pháp học hiệu quả

Hoài Thương cho biết, kết quả thi này em không hề bất ngờ bởi việc công bố đáp án của Bộ GD&ĐT ngay sau kỳ thi đã giúp em dự đoán gần chính xác về điểm số.

“Em chỉ chút tiếc nuối với bài thi Địa lý và Ngữ Văn. Chỉ vì một chút phân vân, điều chỉnh lại phương án trả lời vào phút cuối cùng mà em đã vuột mất điểm tuyệt đối ở môn Địa Lý. Còn môn Văn, phần câu 1 em khá tự tin với bài làm của mình nhưng khi xem lại nhiều ý không trùng với đáp án của Bộ nên em khá buồn”, Thương chia sẻ.

Nói về các môn xã hội, Thương cho biết trước đây em học khá toàn diện và nghiêng về các môn tự nhiên. Nhưng đến lớp 8, cô giáo chủ nhiệm thấy chữ viết của em khá đẹp và hành văn trôi chảy nên động viên em thử theo khối C. Cũng từ đó, càng tìm hiểu các môn xã hội, Thương càng thấy yêu thích và hứng thú.

 “Văn, Sử, Địa là tổ hợp giúp em hiểu được truyền thống, văn hóa dân tộc và các nền văn hóa trên thế giới. Em nghĩ rằng, đối với những môn học này không nên chú trọng vào học thuộc lòng, mà quan trọng là học để hiểu và nắm được bản chất của các vấn đề. Bởi, để trả lời các câu hỏi, thí sinh phải biết vận dụng kiến thức từ sách giáo khoa và hiểu biết xã hội”, Thương cho hay.

Kiều Thị Hoài Thương (Trường THPT Phan Đình Phùng).
Kiều Thị Hoài Thương (Trường THPT Phan Đình Phùng).

Với phương pháp học hiệu quả, trong suốt 12 năm học Thương luôn là học sinh giỏi và giành nhiều thành tích cao tại các kỳ thi HSG như: Giải Nhì HSG tỉnh môn Văn năm lớp 10; Giải Khuyến khích HSG tỉnh môn Văn năm lớp 12...

Chia sẻ phương pháp học ôn thi của mình, Hoài Thương bật mí việc sắp xếp thời gian biểu khoa học đã giúp em đạt được hiệu quả. Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nên thời gian ôn luyện của Thương của yếu là học trực tuyến và tự học.

Trước mỗi buổi ôn tập, Thương thường ôn luyện các kiến thức cũ của môn học ngày đó và xem qua  các bài mới. Theo Thương việc này giúp em ghi nhớ kiến thức nhiều lần và trong quá trình học sẽ lọc những ý chính, cốt lõi khi làm bài tập nhất là các câu trắc nghiệm sẽ không bị phân vân.

Nhờ phương pháp học hiệu quả, Hoài Thương đã giành nhiều thành tích tốt trong học tập.
Nhờ phương pháp học hiệu quả, Hoài Thương đã giành nhiều thành tích tốt trong học tập.

Thương cũng cho biết, trước đây Thương khá chủ quan về môn Địa Lý, vì vậy điểm thi thử của em bộ môn này chỉ khoảng 7,5 điểm. Chính cô giáo Nguyễn Thị Kim Bồng, giáo chủ nhiệm kiêm dạy môn Địa Lý đã dìu dắt và ôn luyện thêm cho em. Nhờ sự tận tình của cô, kỳ thi vừa rồi Thương đã suýt dành điểm tuyệt đối bộ môn này.

“Mặc dù, dịch bệnh không thể ôn tập trực tiếp tại lớp, nhưng các thầy cô giáo trong trường luôn hỗ trợ bọn em trong quá trình học. Nhiều hôm, đến tận 12h khuya các thầy cô vẫn nhiệt tình giảng bài cho chúng em. Kết quả này của em có sự giúp đỡ rất nhiều của các thầy cô giáo”, Thương chia sẻ.

Nhìn cô nữ sinh luôn vui tươi, lạc quan, ít ai biết rằng Hoài Thương có cuộc sống khá khó khăn. Khi gia đình nhiều năm là hộ cận nghèo, bản thân mẹ em bị ung thư, Thương đã nỗ lực rất nhiều để đạt được kết quả này.

Học thật giỏi để động viên mẹ

Ngôi nhà của em Kiều Thị Hoài Thương nằm nép mình trong ngách nhỏ tại khối 1, phường Thạch Quý, TP Hà Tĩnh. Ngôi nhà chỉ rộng chừng 60m2 là nơi trú ngụ của 3 mẹ con Thương.

Chị Võ Thị Vinh (SN 1965) – mẹ của Hoài Thương, hết sức phấn khởi cho biết: “Dù sau buổi thi cháu nói sẽ tự tin giành được trên 28 điểm nhưng mẹ vẫn lo, cứ trêu con chủ quan. Nhưng không ngờ cháu nói được làm được”.

Thương, cô bé sinh ra và lớn lên trong một gia đình khó khăn, nhiều năm trước gia đình em luôn nằm trong danh sách hộ cận nghèo của địa phương. Thương luôn xem sự cố gắng của mọi người trong gia đình làm mục tiêu phấn đấu trong học tập. Đặc biệt, là khi nghĩ đến những ngày mẹ và anh trai phải vất vả kiếm tiền để lo cho em ăn học, Thương tự động viên mình để cố gắng, lấy đó làm động lực để em vươn lên.

Thương luôn cố gắng học thật tốt để động viên mẹ.
Thương luôn cố gắng học thật tốt để động viên mẹ.

Bản thân mẹ em bị ung thư tử cung, từng phải làm phẫu thuật. Đó cũng là thời gian khó khăn nhất của gia đình Thương. Bởi khi đó, anh trai vừa ra trường đang xin việc tại TP HCM, Thương đang chuẩn bị bước vào kỳ thi HSG cấp tỉnh. Gần 1 tháng mẹ điều trị tại Hà Nội, Thương ở nhà tự quán xuyến.

“Lúc đó, em chỉ muốn xin nghỉ học để ra Hà Nội chăm sóc mẹ. Nhưng thầy cô và mẹ đã khuyên em phải cố gắng để lấy kết quả tốt động viên mẹ khỏe bệnh. Anh trai em cũng tranh thủ xin nghỉ để em yên tâm học”, Thương nhớ lại.

Kỳ thi học sinh giỏi môn Văn cấp tỉnh năm đó, Thương đã xuất sắc giành giải Nhì. Kết quả của Thương chính là liều thuốc tinh thần cho mẹ em trước cơn bạo bệnh. Thương tâm sự: “Suốt 12 năm ăn học của em và anh trai đều nhờ vào sạp trái cây ngoài chợ của mẹ.

Những năm cuối cấp cũng là thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát mạnh tại Hà Tĩnh nên mẹ cũng phải nghỉ chợ. Mấy thùng trái cây chưa kịp bán cũng hư hết. Nhưng chưa khi nào mẹ than thở với chúng em chỉ cố gắng bòn mót để em có điều kiện ôn thi tốt nhất. Thương mẹ nên chúng em luôn cố gắng học tốt nhất để động viên mẹ thôi”.

Ngoài giờ học, Thương cũng quán xuyên mọi việc trong gia đình.
Ngoài giờ học, Thương cũng quán xuyên mọi việc trong gia đình.

Với kết quả này, Thương dự định sẽ nộp hồ sơ vào trường ĐH  Luật Hà Nội. Dù còn nhiều khó khăn phía trước, nhưng Thương cho biết em sẽ luôn phấn đấu và tiến lên.

Chia sẻ về cô học trò của mình, cô giáo Nguyễn Thị Kim Bồng nhận xét: “Dù hoàn cảnh khó khăn, nhưng ở Thương luôn vui vẻ, hòa đồng với các bạn bè trong lớp. Trong học tập, Thương luôn chịu khó và nỗ lực, xứng đáng là tấm gương vượt khó trong lòng thầy cô và các bạn. Nhà trường luôn dành các suất học bổng để động viên em trong quá trình học”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.