Ước mơ của những đứa trẻ mồ côi vùng sâu Gia Lai

GD&TĐ - Ở huyện vùng sâu, vùng xa Kbang (Gia Lai) có hàng chục đứa trẻ mồ côi. Bơ vơ từ khi còn đỏ hỏn, nên có những đứa chẳng thể nhớ nổi mặt mẹ cha…

Giáo viên Trường PTDTBT Tiểu học Lê Văn Tám đến nhà vận động học sinh ra lớp.
Giáo viên Trường PTDTBT Tiểu học Lê Văn Tám đến nhà vận động học sinh ra lớp.

Hoàn cảnh bất hạnh nhưng các em luôn cố gắng, chăm chỉ vượt khó vươn lên trong học tập, nuôi ước mơ thành người có ích.

Nương nhờ nhà bạn

9 tháng tuổi, Đinh Thị Thước (hiện học lớp 9A, Trường PTDTBT THCS Krong, huyện Kbang, Gia Lai) mất đi người cha. Từ đó, Thước chỉ quen với hình ảnh người mẹ sớm hôm tảo tần. Ngoài giờ lên lớp, Thước phụ mẹ lên nương rẫy, có khi vào rừng tìm măng, hái rau dại để cải thiện bữa ăn. Thế nhưng, sự nghiệt ngã của số phận một lần nữa đổ ập lên đầu cô bé. Mẹ Thước bất ngờ ốm nặng rồi về với tổ tiên. Ông bà già yếu, lại ở xa nên chẳng thể chăm lo cho Thước.

Thương cô bé bất hạnh, người bạn thân nhất là Đinh Thị Xõa (học cùng lớp) thuyết phục cha mẹ đón bạn về nuôi. Kể từ đó, cô bé Thước có chỗ nương tựa để yên tâm học tập.

“Từ ngày cha mẹ mất, bạn Thước rất tự ti, mặc cảm và không muốn giao tiếp với bất kỳ ai. Thương Thước không còn được sống trong vòng tay yêu thương của gia đình, cha mẹ em đón bạn về ở cùng. Em rất vui khi được đi học, ăn, ngủ và chơi cùng bạn. Mong rằng ở đây bạn cảm nhận được tình cảm gia đình và sẽ cởi mở, yêu đời hơn”, Đinh Thị Xõa tâm sự.

Trầm ngâm bên chiếc bàn học, Thước kể: Từ ngày cha mẹ mất, em chỉ có thể bắt gặp hình bóng mẹ ở trong mơ. Người cha rời xa khi em còn quá nhỏ nên chẳng thể nhớ rõ mặt. Với em gia đình giờ đây chỉ còn là những ký ức, kỷ niệm với những hình ảnh chập chờn là cùng nhau ăn cơm, làm nương rẫy… Nhiều lúc Thước ghen tị với các bạn khi được sống trong vòng tay yêu thương của cha mẹ. Tuy nhiên, gạt qua nỗi bất hạnh, cô học trò luôn tự nhủ phải cố gắng học thật giỏi để cha mẹ nơi xa vui lòng.

Từ ngày mồ côi, Thước (bên trái) sang ở và đi học cùng bạn thân là Xõa.
Từ ngày mồ côi, Thước (bên trái) sang ở và đi học cùng bạn thân là Xõa.

Khi hỏi về ước mơ của mình, Đinh Thị Thước ngại ngùng, cúi gằm mặt xuống bàn. Ngồi bên cạnh, Xõa tiếp lời: “Bạn Thước có tâm sự sau khi học xong muốn đi làm công nhân để kiếm tiền lo cho ông bà. Còn em thì muốn làm cô giáo để sau này về làng hỗ trợ, giúp đỡ cho những bạn khó khăn, bất hạnh như Thước”.

Thầy Bùi Trung Quy, giáo viên chủ nhiệm lớp 9A, chia sẻ: Mặc dù bất hạnh hơn bạn bè cùng trang lứa, nhưng Thước luôn cố gắng, chăm chỉ vượt khó vươn lên trong học tập. Thước cũng là một học sinh chuyên cần và luôn đạt học lực khá của lớp. Tuy nhiên, Thước lại khá nhút nhát, tự ti trong cuộc sống cũng như học tập.

Ở trong lớp, ngoài Thước còn có Đinh Dũng (làng Via) cũng mồ côi cả cha lẫn mẹ. Từ ngày cha mẹ mất, Đinh Dũng ở với bà ngoại. Nhưng vì thiếu thốn tình cảm gia đình, chẳng có ai kèm cặp nên Dũng thường hay vắng học. Chính vì vậy, giáo viên thường xuyên đến nhà tuyên truyền, vận động và đưa Dũng ra lớp.

“Để động viên, hỗ trợ và tiếp bước cho những em mồ côi đến trường thầy, cô giáo thường xuyên tâm sự, chia sẻ khó khăn với học sinh. Bên cạnh đó, kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ SGK, nhu yếu phẩm cho các em. Đồng thời, trường phối hợp với chính quyền địa phương làm chế độ mồ côi cho học sinh. Từ đó, khích lệ tinh thần học tập của các em”, thầy Quy tâm sự.

Trò chơi thường ngày của những đứa trẻ ở vùng sâu, vùng xa xã Krong là bắt dế.
Trò chơi thường ngày của những đứa trẻ ở vùng sâu, vùng xa xã Krong là bắt dế.

Hình ảnh người thân trong ký ức

Cô học trò Đinh Thị Bích Trang (học sinh lớp 1B, Trường PTDTBT Tiểu học Lê Văn Tám, xã Krong, huyện Kbang) sinh ra trong gia đình có 2 chị em. Là chị cả nên ngoài giờ lên lớp, Trang thường ở nhà trông em. Lâu lâu Trang được bố mẹ đưa theo lên nương rẫy, lúc thì ở nhà đầm, khi thì đi bắt dế, tìm rau rừng.

Cách đây mấy tháng, trải qua một trận ốm nặng, cha bỏ mẹ con Trang ra đi mãi mãi. Từ đó, mẹ và chị em Trang chuyển qua ở cùng ông bà. Còn quá nhỏ để cảm nhận được sự mất mát của người thân, khi hỏi về cha, cô học trò chỉ thỏ thẻ nói: “Em nhớ cha lắm”.

Trang bảo rằng từ khi mất cha em chẳng muốn đi xa mẹ. Lúc nào cô bé cũng sợ mẹ đi theo cha mà bỏ rơi 2 chị em Trang. Cũng bởi vậy, cô bé chỉ mong sau này lớn lên sẽ ở nhà làm nương rẫy để phụ mẹ và chăm sóc em.

“Em thích học lắm, đặc biệt là môn Tiếng Việt. Ngoài giờ học em có thể giúp ông bà quét nhà và phụ mẹ trông em. Sau này lớn lên em chỉ muốn ở làng mãi để sống cùng mẹ và em”, Bích Trang bộc bạch.

Mẹ của Đinh Thị Uếp (lớp 5A, Trường PTDTBT Tiểu học Lê Văn Tám) mất năm em học mẫu giáo. Từ đó, Uếp cùng bố và 3 anh chị nương tựa nhau trong căn nhà nhỏ sâu trong làng. Để có tiền trang trải cuộc sống, bố Uếp thường lên nhà đầm làm rẫy rồi ở lại, có khi cả tuần mới về nhà. Mấy anh chị Uếp chỉ nhau học bài rồi tự lo cơm nước.

Nhà nghèo, Uếp chỉ có vỏn vẹn vài bộ quần áo để mặc thay đổi khi đến lớp. Những bộ quần áo Uếp mặc thường là của anh chị để lại hoặc các nhà hảo tâm quyên góp. Tuy nhiên, cuộc sống quanh năm với núi đồi, nương rẫy, trải qua thời gian chiếc áo cũng chẳng còn màu trắng mà trở nên lem luốc, cũ nhàu nhưng không vì thế mà Uếp thấy buồn. “Em thấy vui và hạnh phúc khi có quần áo để mặc và được no cái bụng khi đến trường”, Uếp nói.

Thầy Hoàng Văn Ngọc, Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Lê Văn Tám, cho hay: Trường có 484 học sinh, đa số các em là người dân tộc thiểu số. Trong đó có 6 em mồ côi cả cha lẫn mẹ. Ngoài ra, một số em mồ côi cha hoặc mẹ. Để học sinh không tự ti, mặc cảm, giáo viên thường xuyên quan tâm, sẻ chia. Bên cạnh đó, nhà trường cũng kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ các em để học sinh vững bước đến trường.

Khi mẹ còn sống em hay được mẹ địu lên nương rẫy. Bố mẹ làm, còn Uếp ngồi trong nhà đầm nhìn ra. Niềm vui mỗi ngày của em là nghịch đất và chơi đùa với đàn kiến. Bởi từ ngày còn nhỏ, chiếc chân trái của em liên tục bị đau, nhức khiến việc di chuyển khá khó khăn. Mẹ cũng là người đưa em đến trường, dạy em học. Giờ không được ở cùng mẹ, em nhớ lắm. Em chỉ biết cố gắng ngoan ngoãn, học thật giỏi để mẹ ở xa sẽ tự hào về em.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.