Phận đời đầy nước mắt của những đứa trẻ mồ côi dưới chân núi Ngọc Linh

GD&TĐ - Với những đứa trẻ mồ côi ở huyện vùng sâu, vùng xa Đăk Glei (Kon Tum) hạnh phúc là được sống trong vòng tay yêu thương của bố mẹ nhưng ước mơ ấy mãi chẳng thành hiện thực.

A Khuất và A Khảo tự giác học tập.
A Khuất và A Khảo tự giác học tập.

Mái nhà lạnh lẽo

Cách trung tâm TP Kon Tum hơn 180km, con đường dẫn vào xã Mường Hoong (huyện Đăk Glei, Kon Tum) ngoằn ngoèo, uốn lượn. Một bên là vách núi, bên kia là vực sâu thăm thẳm. Phải hơn 4 tiếng đồng hồ vượt chặng đường gập ghềnh sỏi đá, chúng tôi mới đến được Trường Tiểu học xã Mường Hoong.

Thầy A Hao, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, toàn trường có 428 học sinh theo học tại 7 điểm trường. Các em học sinh chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Đặc biệt, trong số 428 học sinh có đến 12 em mồ côi cả bố lẫn mẹ.

Bố mẹ mất sớm nên các em nương tựa nhau sống qua ngày. Một số em không có người chăm sóc nên những ngày đầu thầy cô phải đến tận nhà mua gạo, đồ ăn rồi giúp các em nấu nướng. Để học trò vững bước đến trường thầy cô giáo quyên góp, kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ, quan tâm các em.

Cách trường không xa, căn nhà của em Y Quynh (học sinh lớp 5B) được lợp mái ngói và thưng bằng những tấm ván cũ. Bên trong nhà đồ dùng  giá trị nhất có lẽ là chiếc nồi cơm điện vừa được thầy cô mua tặng.  Ngồi bên chiếc bàn học đặt dưới di ảnh của bố mẹ, Y Quynh đang cặm cụi làm bài tập.

Lâu lâu, Quynh lại xoay người sang chụm củi vào ấm nước đang nấu trên bếp để tối pha mì tôm. “Anh trai em đang làm công nhân xây dựng dưới TP Kon Tum, mấy tháng anh mới về một lần. Mỗi lần về anh lại cho em tiền để ăn uống, sinh hoạt. Hôm nay nhà hết gạo nên em ăn mì tôm cho qua bữa”, Y Quynh nói.

Mồ côi bố mẹ A Khuất, A Khảo đùm bọc lẫn nhau.
Mồ côi bố mẹ A Khuất, A Khảo đùm bọc lẫn nhau.

Y Quynh tâm sự, năm 2018 sau nhiều lần đau ốm bố em qua đời vì căn bệnh viêm gan. 2 năm sau, mẹ cũng bỏ 3 chị em Quynh để… theo bố. Từ đó, Quynh sống với chị là Y Thấp, năm nay 18 tuổi và anh trai là A Thuốt vừa tròn 17 tuổi. Tuy nhiên, Y Thấp đang học lớp 12 Trường PTDTNT huyện Đăk Glei, cách nhà khoảng 60km nên có khi vài tháng mới về nhà. Còn A Thuốt vì cuộc sống gia đình khó khăn nên chỉ học đến lớp 6 rồi nghỉ.

Từ ngày bố mẹ mất, A Thuốt trở thành trụ cột chính trong gia đình. Nhưng ruộng nương ở nhà không đủ để trang trải cuộc sống nên A Thuốt đành rời làng lên TP Kon Tum làm công nhân công trình. Cũng ngót nửa năm rồi, A Thuốt mới về nhà, nấu cơm cho em gái ăn vài bữa rồi lại đi.

Từ ngày bố mẹ mất, anh chị đi vắng, cô bé 10 tuổi ở một mình và tự học cách nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa. Những hôm mưa bão, trong ngôi nhà thông thống gió lùa, một mình Y Quynh loay hoay dùng túi nilong che tạm những chỗ dột. Khi thầy cô đến thăm, thấy hoàn cảnh bất hạnh của học trò nên đã mua bạt, dây thưng lại nhà để Y Quynh ấm hơn và không bị ướt trong ngày mưa bão.

“Chị đi học, anh thì làm xa nhà nên có khi vài tháng gia đình em mới được sum họp. Một mình trong căn nhà em thấy buồn lắm. Những hôm mưa, gió em chỉ biết co ro trong chăn. Có hôm sấm chớp, em sợ quá đành chui vào góc trốn. Khi đó, em chỉ ước trời mau sáng. Những lúc như vậy, em nhớ bố mẹ lắm, ước gì 2 người vẫn còn ở bên cạnh em”, nói rồi Y Quynh bật khóc.

Y Quynh nói trong nước mắt: Từ ngày bố mẹ không còn, anh chị ở xa, thầy cô là người bên cạnh chia sẻ, giúp đỡ em trong học tập cũng như cuộc sống. Em sẽ cố gắng học thật tốt để không phụ lòng của thầy cô, gia đình và những người luôn yêu thương, giúp đỡ em. “Em sẽ chăm chỉ học tập để sau này trở thành cô giáo. Khi đó, em sẽ trở về làng giảng dạy cho những bạn nhỏ có hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh”, Y Quynh chia sẻ.

Bố mẹ mất, Y Quynh tự chăm sóc bản thân và cố gắng học tập với ước mơ trở thành cô giáo.
Bố mẹ mất, Y Quynh tự chăm sóc bản thân và cố gắng học tập với ước mơ trở thành cô giáo. 

Nương tựa nhau sống qua ngày

7 tuổi mất bố, 8 tuổi mồ côi mẹ nên anh em A Khuất (học sinh lớp 4) và A Khảo (lớp 2) nương tựa nhau sống qua ngày dưới căn nhà mà bố mẹ để lại ở làng Ngọc Nang. Nhưng còn quá nhỏ, 2 anh em chẳng biết nấu cơm, hàng ngày chỉ ăn mì tôm để lấp đầy bụng đói.

Thương trò thiếu thốn tình cảm gia đình, giáo viên trong trường thay phiên nhau đến tận nhà nấu cơm, dạy cho 2 em tự chăm sóc bản thân. Từ những đứa trẻ ngây thơ chỉ biết chơi đùa và đến lớp học, sau biến cố của gia đình, mới 8 tuổi A Khuất đã biết nấu cơm và lo cho em trai. Thương A Khuất, A Khảo phụ dọn dẹp nhà cửa, chặt củi để anh bớt vất vả hơn.

“Hàng ngày, anh A Khuất nấu cơm còn em dọn dẹp nhà cửa và chặt củi. Sáng nào cũng vậy, chúng em dậy từ 5 giờ 30 sáng để nấu cơm ăn rồi đi học. Anh A Khuất nấu ăn ngon lắm. Chúng em hay ăn canh rau su su với cá khô… Hôm nào rảnh thì 2 anh em rủ nhau đi hái măng về ăn”, A Khảo nói.

Sau 3 tháng 2 anh em nương tựa nhau sống qua ngày, căn nhà của bố mẹ để lại được dân làng dỡ đi theo tập tục địa phương. Từ đó, A Khuất và A Khảo về sống cùng cậu mợ cách nhà cũ khoảng 1 km.

Chị Y Đia (SN 1991, dì A Khuất và A Khảo) cho biết: Lúc bố mẹ A Khuất, A Khảo còn sống, kinh tế gia đình phụ thuộc vào khoảng vài sào đất trồng mì và bời lời. Những hôm hết vụ mùa, bố mẹ 2 em lại đi tìm việc làm thêm để trang trải cuộc sống. Sau đó, lần lượt bố mẹ A Khuất, A Khảo bị hoa mắt, chóng mặt… kéo dài. Nhưng 2 người không đi thăm khám mà tự mua thuốc uống. Đến khi bệnh trở nặng bố mẹ 2 em mới đến bệnh viện thì không thể cứu chữa được nữa.

Những căn nhà của người dân ở xã Mường Hoong chênh vênh bên sườn núi.
 Những căn nhà của người dân ở xã Mường Hoong chênh vênh bên sườn núi.

“A Khuất và A Khảo còn quá nhỏ để thấu hiểu được sự mất mát, bất hạnh khi bố mẹ qua đời. Gia đình ai cũng xót xa nên cố gắng dành tất cả sự yêu thương để bù đắp lại những thiếu thốn, mất mát của 2 cháu. May mắn, các cháu được thầy cô giáo quan tâm, hỗ trợ nên cũng vơi bớt khó khăn”, chị Y Đia nói.

Đều đặn mỗi ngày, sau giờ cơm chiều, A Khuất và A Khảo xin ông bà qua nhà hàng xóm xem tivi. 7 giờ tối, 2 đứa trẻ về nhà, cặm cụi ngồi bên bếp lửa học bài. Khi hỏi về ước mơ của mình, A Khảo cười tít mắt rồi nhìn anh trai. Còn A Khuất vẫn cúi gằm mặt nhìn về bếp đang đỏ lửa.

Cô Võ Thị Toan, Tổng phụ trách Đội, Trường Tiểu học xã Mường Hoong cho biết, hoàn cảnh gia đình 3 em Y Quynh, A Khuất và A Khảo vô cùng khó khăn, thiếu thốn. Trước đây, khi bố mẹ các em còn sống thì gia đình thuộc hộ nghèo. Hiện tại 3 em đang được hưởng chế độ mồ côi.

Theo cô Toan, các em còn quá nhỏ để có thể tự lập nên giáo viên trong trường thường xuyên qua thăm nom và giúp đỡ. Đều đặn một tuần 2 - 3 lần thầy cô mua nhu yếu phẩm mang lên cho các em để bữa ăn đủ đầy dưỡng chất. Bên cạnh đó, nhà trường cũng trích kinh phí mà các nhà hảo tâm hỗ trợ mua một đàn gà cho Y Quynh nuôi để em cải thiện bữa ăn.

Còn anh em A Khuất và A Khảo đang ở với ông bà nội đã già yếu và cậu mợ. Tuy nhiên, người cậu của 2 em cũng làm nông, kinh tế gia đình còn nhiều khó khăn thiếu thốn.

“Chúng tôi hy vọng rằng các nhà hảo tâm sẽ giúp đỡ, hỗ trợ để các em mồ côi vững bước đến trường. Tôi tin rằng nếu các em chăm chỉ học tập, sau này sẽ tìm được công việc ổn định, thoát khỏi đói nghèo và phát triển quê hương”, cô Toan tâm sự.

Ông Lê Bá Thế, Chủ tịch UBND xã Mường Hoong cho biết, trên địa bàn có nhiều trường hợp các em nhỏ mồ côi, có những em mồ côi cả bố lẫn mẹ. Do đó, xã thường xuyên kêu gọi các nhà hảo tâm, mạnh thường quân quan tâm hỗ trợ các em. Bên cạnh đó, xã cũng phối hợp với Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh để đưa các em về chăm sóc nếu những em này không có nơi nương tựa.

Không chỉ Trường Tiểu học xã Mường Hoong có nhiều học sinh mồ côi bố mẹ. Hiện nay trên địa bàn xã Mường Hoong và Ngọc Linh có hàng chục  trường hợp học sinh mồ côi cả bố lẫn mẹ hoặc bố/mẹ. Tại Trường PTDTBT THCS xã Mường Hoong có 3 em mồ côi cả bố lẫn mẹ, 7 em mồ côi bố hoặc mẹ. Còn Trường Tiểu học xã Ngọc Linh (xã Ngọc Linh, huyện Đăk Glei) có 1 em mồ côi bố mẹ, 15 em mồ côi bố/mẹ. Trường PTDTBT THCS xã Ngọc Linh có 31 em học sinh mồ côi bố hoặc mẹ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Xóa định kiến

GD&TĐ - Xóa bỏ định kiến về giới tính trong lựa chọn ngành, trường học, nghề nghiệp là vấn đề đặt ra nhiều năm nay và đã có những chuyển biến tích cực.
Joshua Zirkzee đang nằm trong kế hoạch mua sắm của Arsenal.

Arsenal nhắm tiền đạo của Bayern Munich

GD&TĐ - Theo Mirror, Arsenal muốn mời tiền đạo ngôi sao của Bologna - Joshua Zirkzee một bản hợp đồng đến năm 2029, với mức lương hàng năm là 5 triệu Bảng.