Những đứa trẻ bất hạnh
A Ứng (lớp 5B, Trường PTDTBT Tiểu học Lý Thường Kiệt) nhà ở làng Kênh (xã Mo Rai, huyện Sa Thầy, Kon Tum). Khi A Ứng lên lớp 2 thì bố mất vì căn bệnh hiểm nghèo. Quá đau đớn trước cái chết của chồng, mẹ A Ứng buồn phiền nên phát bệnh tâm thần rồi bỏ đi biệt tích.
Mồ côi bố, không có tình yêu thương, che chở của mẹ, A Ứng lớn lên trong vòng tay của bà ngoại đã ngoài 80 tuổi. Hàng ngày, hai bà cháu nương tựa nhau trong căn nhà nhỏ, vỏn vẹn vài chục mét vuông. Bữa cơm thường ngày chỉ toàn là rau dại. Nguồn sống lớn nhất của cả 2 bà cháu đều trông chờ vào hỗ trợ của Nhà nước.
Thương bà tuổi già, ngoài giờ lên lớp A Ứng theo người dân trong làng đi mót mủ cao su, nhổ cỏ thuê. Tối đến, A Ứng mệt nhoài chuẩn bị bài vở cho ngày mới. Cũng vì cảnh nghèo mà đường đến lớp của cậu bé chông chênh hơn hẳn.
Nắm được hoàn cảnh gia đình của cậu học trò nghèo, thực hiện mô hình “Con nuôi đồn biên phòng” do Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng phát động, Đồn Biên phòng Mo Rai làm hồ sơ để đưa A Ứng về đồn chăm sóc và tiếp tục cho em học chữ.
Về nơi ở mới, A Ứng lạ lẫm nên lầm lũi một mình. Ai hỏi, cậu bé chỉ ngơ ngác rồi lắc đầu. Để giúp em thích nghi, các chiến sĩ biên phòng dạy A Ứng tập chơi bóng đá, bóng chuyền. Qua một thời gian, cậu bé nhút nhát bắt đầu hòa nhập với môi trường sống ở đây.
Chiều buông miền biên viễn, khi tiếng trống Trường PTDTBT Tiểu học Lý Thường Kiệt vang lên, lũ trẻ ùa ra khỏi lớp học. Xen lẫn các bậc phụ huynh trước cổng trường là hình ảnh một chiến sĩ biên phòng với chiếc áo xanh màu lính.
A Ứng thấy bố nuôi đến đón vội chạy nhanh đến ôm chầm lấy. Hai bóng người lớn nhỏ dắt tay nhau về chiếc xe bám đầy bụi đất. Ngồi trên xe cậu học trò tíu tít kể cho bố nuôi nghe những câu chuyện ở trường. Tiếng nói cười của hai bố con râm ran khắp quãng đường từ trường về đơn vị.
“Trước đây khi hai bà cháu ở với nhau thì bữa đói nhiều hơn no. Em chẳng bao giờ dám nghĩ mình sẽ tiếp tục được đến trường. Từ ngày em được các chú bộ đội biên phòng nhận nuôi thì không lo đói cái bụng. Mỗi ngày, các chú đưa em đến trường học rồi lại đón về. Ở đây, các chú dạy trồng rau, nuôi vịt, võ thuật nên em rất thích.
Các chú như người bố, người mẹ thứ 2 dạy em học tập, dạy em biết yêu thương, giúp đỡ mọi người. Kỳ học vừa qua, em được học lực khá, hạnh kiểm tốt, bà ngoại em khi biết được vui lắm. Em sẽ cố gắng học thật giỏi để lớn lên có thể trở thành bộ đội biên phòng canh giữ biên cương Tổ quốc như các chú”, A Ứng chia sẻ.
Chắp cánh ước mơ
Huỳnh Thế Lâm (lớp 7B, trú thôn 3, xã Ia Dom) mất mẹ từ sớm, bố em phải gồng gánh lao động để nuôi 3 người con. Thấu hiểu hoàn cảnh của gia đình, Đồn Biên phòng Ia Dom đã làm hồ sơ nhận nuôi Lâm.
Mặc dù, nhà Lâm gần đồn biên phòng, nhưng lại cách xa trường học. Để đến được lớp, Lâm phải vượt qua quãng đường hơn 40km đường rừng. Thương cậu học trò, các chiến sĩ đồn biên phòng quyết định gửi Lâm đến học tại Trường THCS Nguyễn Du (xã Ia Đal). Mọi chi phí sinh hoạt, ăn uống của Lâm ở trường đều do đồn biên phòng lo liệu.
Như thường lệ, chiều Chủ nhật Lâm được bố nuôi chở đến trường để học tập. Đến thứ 7 cậu bé lại được các chiến sĩ đồn biên phòng đón về nhà. “Trong thời gian qua các chú bộ đội Đồn Biên phòng Ia Dom giúp đỡ gia đình em rất nhiều. Các chú còn mua quần áo, sách vở và đưa em đến trường học. Em ước mơ sau này lớn lên sẽ trở thành bộ đội biên phòng để bảo vệ biên cương Tổ quốc và giúp đỡ cho những đứa trẻ bất hạnh giống như em”, Lâm tâm sự.
Trong căn nhà siêu vẹo, bà Lường Thị Xón (42 tuổi, thôn 3, xã Ia Dal) đang uể oải dọn chiếc giường bừa bộn để lấy chỗ cho khách ngồi. Bà Xón tâm sự, năm 2012 bà rời quê hương Lạng Sơn vào Ia Dal làm công nhân cao su. Tại đây bà bén duyên với một người đàn ông cùng quê rồi cưới nhau.
Hai vợ chồng đều là công nhân thời vụ nên chỉ bận rộn khi thu hoạch cao su. Thời gian còn lại trong năm hai vợ chồng làm thuê, cuốc mướn kiếm tiền nuôi con. Chật vật làm bao nhiêu năm họ vẫn chưa có mảnh đất cắm dùi. Đến khi bà Xón mang trong mình người con thứ ba thì chồng bất ngờ qua đời sau cơn bạo bệnh. Chồng mất, một mình bà Xón loay hoay với 4 miệng ăn nên chẳng thể thoát nổi cảnh nghèo. Cái đói, cái khát cứ đeo bám mãi khiến bà Xón từng nghĩ các con sẽ thất học.
Nắm bắt được hoàn cảnh gia đình, Đồn Biên phòng Ia Đal đã đón người con đầu là Hoàng Thị Kim Oanh về nuôi dưỡng. Tuy nhiên, do cháu Oanh là con gái, việc chăm sóc khá bất tiện nên các chiến sĩ đồn biên phòng quyết định để cháu ở nhà và chu cấp tiền ăn hàng tháng. Đồn biên phòng cũng hỗ trợ sách vở, đồ dùng học tập để Oanh sẵn sàng bước vào lớp 1.
Niềm vui chưa được bao lâu, cháu Oanh phải chật vật đến trường vì nhà xa hơn 3km. Nhiều hôm mỏi cái chân nên Oanh “quên” đến lớp. Để em không bỏ dở việc học hành, mỗi sáng các chiến sĩ ở đồn biên phòng lại thay phiên nhau tới nhà chở Oanh đến trường rồi lại đón về.
“Mình rất biết ơn các chiến sĩ bộ đội biên phòng. Nhờ có các chú, con mình được đi học đến nơi đến chốn, cuộc sống gia đình cũng bớt khó khăn hơn. Năm sau người con thứ 2 của mình vào lớp 1, con cũng sẽ được các chú biên phòng hỗ trợ giúp đỡ cho đến trường. Có lẽ cuộc sống của gia đình sẽ khá hơn nhiều, tương lai của con cũng sẽ xán lạn hơn”, bà Xón chia sẻ.
Thầy Đỗ Việt Hưng - Hiệu trưởng Trường Tiểu học, THCS xã Ia Đal cho biết, hiện nay, nhà trường có 2 em học sinh được Đồn Biên phòng Ia Đal nhận nuôi, trong đó có em Hoàng Thị Kim Oanh đang học lớp 2B.
Theo thầy Hưng, đồn biên phòng đã tạo điều kiện cho các em đến trường học tập tốt hơn, thành tích dần tiến bộ. Không chỉ chu cấp tiền ăn uống, cán bộ chiến sĩ còn tặng các em vật dụng học tập, xe đạp để thuận lợi đến trường.
Đại tá Lê Minh Chính, Chính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum cho biết, ở khu vực biên giới có nhiều cháu có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Trong đó, có những trường hợp mất cả cha lẫn mẹ, hoặc bố mẹ tàn tật, gia đình không có khả năng để đưa các cháu đến trường. Để hỗ trợ, giúp đỡ các em, bộ đội biên phòng đã chỉ đạo các đồn trên toàn tuyến biên giới nhận 14 cháu có hoàn cảnh khó khăn làm con nuôi.
Theo Đại tá Lê Minh Chính, sau 2 năm thực hiện, các cháu đều có hạnh kiểm tốt và kết quả học tập khá. Bên cạnh đó, các cháu được rèn luyện để trở thành công dân có ích cho xã hội sau này. Với những kết quả đạt được, trong thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ sở phối hợp chặt chẽ hơn nữa với nhà trường và địa phương lựa chọn thêm các cháu để nhận làm con nuôi đồn biên phòng.