Khi được đề nghị xác định những bệnh ung thư ảnh hưởng đến phụ nữ, chỉ có 1% nhắc ngay đến ung thư phổi. Vậy còn điều gì khác mà chúng ta không biết về ung thư phổi và phụ nữ? Phải chăng bệnh không phân biệt giới tính? Hay là có sự khác biệt giữa ung thư phổi ở phụ nữ và nam giới?
Một sự khác biệt quan trọng là tỷ lệ ung thư phổi về lâu dài đang đi theo những hướng khác nhau ở nam và nữ. Trong 38 năm qua, tỷ lệ mắc mới ung thư phổi đã giảm 29% ở nam giới, trong khi tăng 96% ở phụ nữ. Bởi trước những năm 1970, thời điểm các công ty thuốc lá chưa tiếp thị cho nữ giới, nam giới hút thuốc nhiều hơn nữ giới.
Tỷ lệ hút thuốc lá tăng vọt sau này được phản ánh trong sự tăng vọt tỷ lệ ung thư phổi ở nữ khi tỷ lệ ung thư phổi ở nữ vượt qua nam giới vào năm 1998 (trong khi tỉ lệ nam giới tử vong nhiều nhất do ung thư phổi là vào năm 1984).
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng ai cũng có thể bị ung thư phổi bởi có khoảng 2/3 trường hợp ung thư phổi là ở những người chưa bao giờ hút thuốc, hoặc đã bỏ thuốc lá. Các yếu tố khác gắn liền với ung thư phổi bao gồm hút thuốc thụ động, phơi nhiễm với radon và các chất ô nhiễm không khí khác.
Có hai dạng ung thư phổi chính: ung thư phổi tế bào nhỏ và ung thư phổi không tế bào nhỏ (NSCLC) hay gặp hơn. Chúng được đặt tên theo hình dạng của tế bào ung thư dưới kính hiển vi. Tỷ lệ mắc 2 dạng này là như nhau ở phụ nữ và nam giới. Nhưng có một vài týp phụ giữa 2 dạng này và đây là nơi mà sự khác biệt giới tính xuất hiện. Khi so sánh hai loại NSCLC phổ biến nhất, chúng ta thấy rằng tỷ lệ ung thư biểu mô tế bào vảy cao hơn 50% ở nam giới so với phụ nữ, trong khi ung thư biểu mô tuyến cao hơn 21% đối với phụ nữ.
Một trong những khác biệt lớn nhất giữa phụ nữ và nam giới về ung thư phổi có lẽ ít liên quan đến sinh học mà liên quan nhiều hơn với nhận thức và thái độ. Số phụ nữ chết vì ung thư phổi hiện nhiều hơn bao giờ hết, nhưng rất ít phụ nữ xác định ung thư phổi là mối đe dọa sức khỏe nghiêm trọng.
Ước tính trong năm 2016 tại Mỹ, 1/4 số trường hợp tử vong do ung thư ở phụ nữ - khoảng 72.000 người - sẽ là ung thư phổi. Ngoài ra, gần một nửa số phụ nữ có chẩn đoán ung thư phổi sẽ không sống thêm được một năm sau đó. Nhưng ngày càng có nhiều hy vọng cho bệnh nhân ung thư phổi dưới hình thức các liệu pháp trúng đích và liệu pháp miễn dịch, cả hai đều đang được chứng minh hiệu quả chống lại bệnh ung thư phổi với những chỉ dấu sinh học cụ thể. Một số thử nghiệm lâm sàng cũng đang được tiến hành có thể mang lại nhiều liệu pháp hơn, cải thiện hơn nữa tỷ lệ sống thêm.
Khuyến nghị gần đây trong sàng lọc bằng chụp cắt lớp vi tính liều thấp cho các đối tượng có nguy cơ cao cũng mở ra hy vọng mới nhờ phát hiện bệnh sớm hơn, ở giai đoạn dễ điều trị hơn.