Ứng phó với siêu bão

GD&TĐ - Còn không bao lâu nữa là bão sẽ đổ bộ vào đất liền. Ứng phó với 'siêu bão' là việc không hề dễ dàng.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia cũng như các đài khí tượng uy tín trên thế giới, cơn bão có tên YAGI (Việt Nam gọi là bão số 3) sẽ đổ bộ vào nước ta vào ngày 7/9 với sức gió ở vùng tâm bão cấp 15, giật cấp 17.

Đây là cơn bão mạnh nhất đi vào vịnh Bắc Bộ và đổ bộ vào Việt Nam trong 10 năm trở lại đây. Với sức gió như thế, bão số 3 được xếp vào hạng “siêu bão”. Khu vực Hải Phòng, Quảng Ninh sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp từ cơn bão này.

Thủ tướng Chính phủ đã có công điện khẩn gửi các địa phương chịu ảnh hưởng từ cơn bão này cùng các bộ ngành Trung ương liên quan. Hiện tại, Ban Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn Trung ương đã phân công các thành viên về tận cơ sở để cùng với địa phương khẩn trương triển khai các phương án phòng, chống bão.

Ngay từ chiều 4/9, Bộ đội Biên phòng các tỉnh đã thống kê số tàu thuyền và thuyền viên đang đánh cá ở khu vực mà bão sẽ càn qua và kêu gọi các tàu khẩn trương di chuyển về vùng an toàn hoặc vào đất liền tìm cách trú ẩn.

Các phương án “quen thuộc” mỗi khi có bão là: Chằng chống nhà cửa, di chuyển dân đến nơi an toàn, không ngủ lại trên các tàu thuyền trú bão ở các cảng, không ở lại các chòi canh hồ tôm, hồ nuôi cá… Nghe thì có vẻ “thuận tai” như thế, song luôn luôn có những sơ suất dẫn đến những cái chết không đáng có.

Tâm lý của người dân là “khi nào bão tới hẵng hay” cho nên luôn rơi vào tình thế bị động, nhất là người dân ở những nơi không có bão thường xuyên nên càng chủ quan. Cơn bão năm 2017 càn qua Khánh Hòa - nơi hiếm khi có bão, quét qua vịnh Vân Phong khiến cho nhiều người chết do ở lại “giữ của” tại các chòi canh nuôi cá trên vịnh biển này là một ví dụ.

Kinh nghiệm ứng phó với bão ở các tỉnh miền Trung - nơi thường xuyên bão “ghé thăm” hàng năm cho thấy, chính quyền cơ sở ở các địa phương, nhất là lực lượng vũ trang ở những nơi có bão sắp càn qua, luôn luôn “bám sát dân”.

Có những cuộc cưỡng chế bắt buộc và dứt khoát với những ai bám trụ “giữ nhà” hoặc ở lại trên tàu tại các cảng biển. Chính sự dứt khoát của cơ quan chức năng như thế nên tình trạng chết người do sập nhà, chìm tàu rất hiếm khi xảy ra.

Tuy vậy, chủ quan với bão là một “căn bệnh” khó chữa. Có người đã di chuyển đến nơi trú ẩn an toàn rồi, chợt nhớ là nhà chưa cắt cầu dao điện hoặc quên đóng cửa… bếp nên quay về. Đúng lúc bão vào gió giật mạnh, cây đổ đè chết.

Có người thấy im ắng nên chui ra khỏi hầm/nhà kiên cố để… xem thử bão đã đi chưa rồi bị dây điện ngã đổ dọc đường giật chết. Khi đã tránh bão rồi thì tốt nhất là nên “ở đâu ngồi im đấy”. Nhỡ có quên đóng cửa thì cũng chả ai vào nhà hôi của lúc ấy cả. Nhỡ có quên sập cầu dao thì cũng chả việc gì phải sợ nguy hiểm cả!

Còn không bao lâu nữa là bão sẽ đổ bộ vào đất liền. Ứng phó với “siêu bão” là việc không hề dễ dàng. Người dân nên tuân thủ các “mệnh lệnh” từ cơ quan chức năng lúc này. Mọi sự chủ quan trước cơn bão dữ sẽ mang lại nhiều hậu quả khôn lường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cô trò Trường Tiểu học số 2 thành phố Lai Châu (tỉnh Lai Châu).

Tây Bắc tự tin bước vào năm học mới

GD&TĐ - Mặc dù còn bộn bề khó khăn, song các trường học vùng cao Tây Bắc đã nỗ lực vượt khó, sẵn sàng cơ sở vật chất, nhân lực cho năm học mới,