Mở rộng triển khai, linh hoạt ứng dụng
Chỉ với các nguyên, vật liệu trong thiên nhiên, rất đơn giản, dễ tìm như lá cây, vỏ sò, đá, sỏi, quả thông, quả khô… hay các đồ tái chế sử dụng trong tự nhiên như: Giấy, vải, đá, thảm, giấy thủ công, tăm, ống các tông, ống hút, tấm cách nhiệt, cách âm… các cô giáo Trường Mầm non Ánh Sao (Cầu Giấy, Hà Nội) đã tạo ra được những đồ dùng, học liệu vô cùng sáng tạo, kích thích sự tò mò, hứng thú của các em nhỏ trong độ tuổi mầm non.
Đây cũng là cách nhà trường triển khai giáo dục STEM trong giảng dạy. Mục tiêu của phương pháp giáo dục này là hướng dẫn, khơi gợi trẻ có các kỹ năng tư duy, lập luận, logic và giúp các em duy trì sự tò mò khám phá, biết đặt câu hỏi và tìm ra cách giải quyết vấn đề. Từ những nhận biết đó, các em biết ứng dụng những kiến thức đã học vào thực tiễn cuộc sống.
Cô Đào Thị Nhung - Trường Mầm non Ánh Sao chia sẻ: “Căn cứ vào điều kiện và không gian của lớp học tôi đã xây dựng góc STEM trong lớp. Góc STEM được tôi bố trí gần góc khoa học và góc nghệ thuật sáng tạo để trẻ có thể kết hợp sử dụng nguyên vật liệu của hai góc này. Tôi cũng sắp xếp đồ dùng sao cho phù hợp, đúng yêu cầu, bằng các nguyên vật liệu dễ kiếm, dễ tìm, đảm bảo nguyên tắc an toàn và trưng bày theo mỗi chủ đề, dự án trẻ thực hiện”.
Với cách làm như trên, góc STEM trong lớp cô Nhung luôn hấp dẫn và thu hút sự chú ý của các học trò nhỏ. Sau một thời gian triển khai giáo dục STEM, cô Nhung đánh giá trẻ tự tin, hứng thú, phấn khởi, tích cực thực hành, trải nghiệm, say mê, có kỹ năng hoạt động nhóm, đặc biệt trẻ yêu thích đến trường lớp và mạnh dạn chia sẻ những khó khăn của mình.
Theo bà Ngô Thúy Anh, Trưởng phòng Giáo dục Mầm non - Tiểu học, Sở GD&ĐT tỉnh Đồng Tháp, điểm mạnh của phương pháp giáo dục STEM chính là cho trẻ mầm non được thể hiện năng lực cá nhân thông qua tiếp cận liên môn (liên hoạt động) thay vì dạy 4 môn học (hoạt động) tách biệt.
Phương pháp STEM giúp trẻ kết hợp những môn học (hoạt động) này thành một mô hình gắn kết dựa trên các ứng dụng thực tế. Qua đó, trẻ vừa học được kiến thức khoa học, vừa học được cách vận dụng kiến thức đó vào thực tiễn và thúc đẩy việc hình thành và phát triển năng lực giải quyết vấn đề cho trẻ.
Trong mỗi bài học (đề tài) trẻ được đặt trước một tình huống thực tiễn cần giải quyết liên quan đến các kiến thức liên môn (liên hoạt động). Trẻ sẽ hiểu được bản chất của các kiến thức được trang bị như: Biết cách mở rộng, sửa chữa, vận dụng sao cho phù hợp với tình huống thực tiễn mà các em gặp phải.
“Qua các hoạt động trải nghiệm, trẻ sẽ thấy khoa học thật gần gũi với cuộc sống và luôn đem đến những yếu tố bất ngờ, thú vị. Từ đó, tạo cho trẻ niềm đam mê, khơi gợi trí tò mò, luôn muốn được khám phá những điều mới mẻ xung quanh mình, kích thích trẻ ham học hỏi và làm việc ngay từ khi còn nhỏ”, bà Ngô Thúy Anh nói thêm.
Còn tại Trường Mầm non Sasuke (Thanh Xuân, Hà Nội), việc ứng dụng STEM được nhà trường thực hiện linh hoạt, phù hợp với từng độ tuổi. Cụ thể, trường chia học sinh thành hai nhóm: Khối mầm non và khối nhà trẻ. Tùy theo đặc thù tâm lí, khả năng nhận thức, khối nhà trẻ sẽ được áp dụng phương pháp giáo dục “tiền - STEM” – tức là lựa chọn, ứng dụng những hoạt động phù hợp, có hiệu quả với học trò trong độ tuổi này thay vì đưa hết các bước của giáo dục STEM vào giảng dạy.
Lấy dẫn chứng về việc đưa STEM vào chương trình giảng dạy, cô Nguyễn Thị Diệu - Hiệu trưởng nhà trường đã diễn giải về một tiết học môn Toán. Khi học đến bài công cụ đo, thay vì cô làm mẫu thì cô đưa ra đơn vị, đối tượng đo, hướng dẫn trẻ cách đo…
“Lúc này, giáo viên chỉ là người đặt ra vấn đề, hướng dẫn, giúp trẻ tự tìm ra giải pháp, cùng nhau thảo luận… Bằng kỹ năng được cô hướng dẫn, các bé sẽ đo và đưa ra các kết quả theo sự hiểu biết của mình. Cô giáo quan sát, hỏi về kết quả, các con giải thích vì sao đưa ra kết quả đó, nhận xét và so sánh kết quả giữa các bạn. Thao tác cuối cùng, giáo viên củng cố kiến thức cho con trẻ. Như vậy, STEM có tính ứng dụng cao”, cô Diệu phân tích.
Tiết học của cô trò Trường Mầm non Sasuke (Thanh Xuân, Hà Nội). Ảnh Văn Đức |
Tăng giá trị trải nghiệm
Bà Phan Thị Hoàn, chuyên viên Phòng GD&ĐT huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) đánh giá cao hiệu quả của việc ứng dụng STEM vào giảng dạy ở bậc mầm non. Phương pháp này khuyến khích trẻ áp dụng kiến thức vào thực tiễn, trẻ bước đầu được tiếp cận với những quy trình tạo ra một sản phẩm nào đó, hay làm quen với những “công nghệ và các phát minh” trong phạm vi hiểu biết của trẻ. Đặc biệt qua các hoạt động giáo dục STEM, trẻ rất mạnh dạn, tự tin, hoạt động tự nhiên, hứng thú.
Giáo viên chủ động, linh hoạt trong các hoạt động giáo dục, luôn say sưa tìm tòi để sáng tạo, đổi mới từng ngày. Từ đó, giờ học trở nên hấp dẫn hơn, nhẹ nhàng, không áp đặt, rập khuôn. Các cô giáo không cần nói nhiều mà chỉ cần tổ chức các hoạt động sao cho sinh động, hấp dẫn hướng tới kết quả mong đợi của đề tài.
Tại địa bàn huyện Hương Khê, một trong những thuận lợi của quá trình triển khai STEM vào giáo dục mầm non là kế thừa những kết quả đạt được từ quan điểm “giáo dục tích hợp” và “giáo dục lấy trẻ làm trung tâm” nên khi triển khai thực hiện thì giáo viên cũng không quá khó để nhận diện vấn đề.
Nội dung giáo dục STEM rất phong phú, nếu giáo viên biết tìm tòi, suy nghĩ, sáng tạo thì mọi thứ xung quanh đều có thể khai thác, khơi gợi ý tưởng cho trẻ hoạt động. Đối với những hoạt động giáo dục STEM theo quy trình khám phá trải nghiệm thì giáo viên và trẻ dễ dàng tìm kiếm, sưu tầm nguyên vật liệu để phục vụ cho hoạt động như nông sản, nguyên vật liệu tái chế, nguyên vật liệu thiên nhiên sẵn có ở địa phương.
Bà Phan Thị Hoàn chia sẻ: “Bên cạnh điểm thuận lợi, chúng tôi cũng phải đối mặt với một số khó khăn như cơ sở vật chất, môi trường giáo dục của các trường chưa đáp ứng yêu cầu, các hoạt động giáo dục STEM theo quy trình thiết kế kỹ thuật, thiếu kinh phí để thực hiện. Đặc biệt, đồ dùng, đồ chơi mang tính trí tuệ, kỹ năng, quy trình kỹ thuật cũng chưa có để thực hiện. Một số trường hàng năm bị ảnh hưởng lũ lụt nên việc xây dựng môi trường giáo dục nhằm áp dụng phương pháp giáo dục STEM gặp rất nhiều khó khăn”.