Ứng dụng công nghệ số trong giáo dục - “chìa khóa” vạn năng

GD&TĐ - Trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra mạnh mẽ, chuyển đổi số trong GD-ĐT được coi là “chìa khóa” vạn năng giúp người học có thể học tập mọi lúc, mọi nơi và kích thích sự sáng tạo, phát triển.

Thầy và trò Trường TH&THCS Nguyễn Tri Phương (TPHCM) ứng dụng CNTT trong dạy và học. Ảnh: NT
Thầy và trò Trường TH&THCS Nguyễn Tri Phương (TPHCM) ứng dụng CNTT trong dạy và học. Ảnh: NT

Mở rộng không gian học tập

Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng, trong môi trường số, vai trò của giảng viên, giáo viên như huấn luyện viên, với khả năng xâu chuỗi những đơn vị, tài nguyên học tập thành giáo trình và lộ trình học tập. Theo đó, mỗi môn học có thể chia nhỏ thành hàng nghìn kiến thức có mối liên hệ, liên kết với nhau, chứ không chỉ là những video nhàm chán. Giáo viên, giảng viên có thể tạo nên cây kiến thức dựa trên hành vi học tập, kết quả kiểm tra của đơn vị kiến thức và người học sẽ được dẫn dắt, bổ sung kiến thức mà mình còn thiếu theo hướng phát triển toàn diện.

“Với công cuộc chuyển đổi này, những kiến thức nền, chính quy có thể tập trung ngắn lại nhưng liên tục bổ sung kiến thức mới” – Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng trao đổi, đồng thời nhấn mạnh: Môi trường học tập số sẽ mở rộng không gian học tập, tăng cường tương tác cả trong thế giới thực và ảo; đồng thời tăng cường hướng tiếp cận xử lý thông tin. Mỗi người học có thể gắn kết với cộng đồng của mình, tham gia sáng tạo nội dung và đóng góp nội dung cho tri thức học tập của mình.

“Chúng tôi thấy, để thực hiện vai trò kiến tạo phát triển hệ sinh thái công nghệ trong GD (EdTech), Bộ GD&ĐT đã làm được việc rất quan trọng đó là, có cơ sở dữ liệu (CSDL) từ Trung ương đến các cơ sở giáo dục; định danh được 53.000 trường học; 1,4 triệu giáo viên và 23 triệu học sinh kèm theo các thông tin cơ bản” –  Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng nhấn mạnh.

Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, cần thiết xây dựng nền tảng giáo dục số quốc gia nhằm chia sẻ, khai thác hiệu quả CSDL này để phát triển hệ sinh thái EdTech tại Việt Nam. Cụ thể, tạo sân chơi mở, bình đẳng, kích thích sáng tạo (tương đương như app store về giáo dục). Doanh nghiệp EdTech tiếp cận được thị trường 25 triệu người dùng, 53 nghìn tổ chức. Học sinh có thể sử dụng nhiều dịch vụ học trực tuyến khác nhau nhưng sử dụng chung 1 định danh đã được xác thực. Ngoài ra, học sinh có quyền kiểm soát và chia sẻ thông tin học tập giữa các dịch vụ hoặc với thầy cô. Bên cạnh đó, nhà trường thoải mái lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ mình muốn, nhưng cũng có thể dễ dàng thay đổi nhà cung cấp do các dữ liệu cơ bản đều được nền tảng hỗ trợ lưu giữ.

“Để chuyển đổi số quốc gia thành công và để chúng ta có thể làm chủ không gian mạng, chúng tôi xác định làm chủ “công nghệ mở”. Cộng đồng này được hình thành từ chính người học. Vì thế, chúng tôi mong muốn các trường đại học ưu tiên đưa những nội dung liên quan đến giải pháp, giáo trình dựa trên công nghệ mở để sinh viên hiểu sâu hơn về bản chất, từ đó sáng tạo ra sản phẩm phù hợp với cộng đồng” - Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng trao đổi.

Công nghệ giúp học sinh tiếp cận với giáo dục ở mọi lúc, mọi nơi.
Công nghệ giúp học sinh tiếp cận với giáo dục ở mọi lúc, mọi nơi.

GD Việt Nam: Kết hợp truyền thống, hiện đại

Cho rằng Việt Nam đang đi trước và đi đầu các quốc gia trên thế giới trong chuyển đổi số, bà Rana Flowers - Trưởng Đại diện UNICEF tại Việt Nam mong muốn: Đổi mới giáo dục phải sâu rộng, không để mất đi thế mạnh của những môn học truyền thống, nhưng cần bổ sung vào hệ thống giáo dục, đào tạo truyền thống nội dung mới để xóa mù công nghệ cho trẻ em, đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, cũng như bảo đảm các em được trang bị những kỹ năng mới.

Trưởng Đại diện UNICEF tại Việt Nam tin tưởng, trong tương lai, hệ thống giáo dục và đào tạo của Việt Nam sẽ tích hợp giữa truyền thống và những kỹ năng mới, để mọi trẻ em đều có thể học tập, có  kỹ năng số và được xóa mù về công nghệ.

Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, từ năm 2018, Bộ đã xây dựng và đưa vào sử dụng chính thức hệ thống CSDL ngành về giáo dục mầm non, phổ thông với mục tiêu số hóa thông tin; quản lý tất cả các đối tượng thuộc phạm vi quản lý. Đến nay, Bộ GD&ĐT đã số hóa, gắn mã định danh hầu hết đối tượng cần quảan lý của ngành Giáo dục.

Bộ GD&ĐT đã triển khai hạ tầng kết nối và thực hiện trao đổi dữ liệu thành công (APIs) giữa nền tảng chuyển đổi số giáo dục của các doanh nghiệp trên thị trường với CSDL ngành. Hệ thống đã kết nối và chia sẻ dữ liệu với Hệ thống báo cáo quốc gia của Văn phòng Chính phủ. Hệ thống mã định danh cũng được mở, chia sẻ miễn phí; Hầu hết các nền tảng chuyển đổi số trong giáo dục (về dạy học trực tuyến, quản lý giáo dục...) ở Việt Nam đều sử dụng chung nền tảng dữ liệu về mã định danh của ngành Giáo dục.

Khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, trên nền tảng dữ liệu của CSDL ngành Giáo dục, Bộ GD&ĐT hợp tác với Đề án Tri thức Việt số hóa triển khai ứng dụng AnToanCovid.vn để thu thập, xây dựng CSDL và vẽ bản đồ thông tin về an toàn dịch Covid-19 cho các cơ sở giáo dục. Sau gần 1 tháng triển khai, hơn 18.700 trường học hàng ngày cập nhật thông tin an toàn Covid-19 lên hệ thống, giúp người dân, cộng đồng theo dõi, hỗ trợ tích cực trong phòng/chống dịch.

Bên cạnh đó, CSDL về GDĐH đang được hình thành gồm: Mạng lưới cơ sở đào tạo với 393 trường ĐH; số hóa hệ thống ngành đào tạo, người học, người dạy, các điều kiện bảo đảm đào tạo; CSDL phục vụ công tác tuyển sinh, thống kê ngành. Bộ GD&ĐT đang tiếp tục triển khai giải pháp tổng thể xây dựng CSDL trong khuôn khổ Dự án SAHEP. Dự kiến năm 2021 sẽ đưa hệ thống vào sử dụng chính thức phục vụ quản lý công tác tự chủ trong GDĐH.

Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng, chuyển đổi số đáp ứng các nhu cầu của học viên: Học theo chương trình chính thống; định hướng cá nhân; theo yêu cầu của tổ chức; Học ngẫu nhiên; Học tại bất cứ đâu, bất cứ thời gian nào và qua các kênh khác nhau; Cho phép học viên tham gia sáng tạo tri thức mới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

U23 Việt Nam được AFC ngợi khen sau chiến thắng ấn tượng trước Kuwait.

AFC khen ngợi tuyển U23 Việt Nam

GD&TĐ - Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) đăng tải bài viết nhận xét về kết quả màn so tài giữa U23 Việt Nam và U23 Kuwait.