Tọa đàm diễn ra ngày 18/10 tại Trường Cao đẳng Công Thương Miền Trung (Phú Yên), với sự tham gia của hơn 50 đại biểu đến từ Liên đoàn Lao động Phú Yên, Công đoàn ngành Giáo dục Phú Yên và đại diện cán bộ công đoàn khối phổ thông của tỉnh.
Chuyển đổi số giáo dục: Cơ hội và thách thức
Theo ban tổ chức, chương trình trình không chỉ là dịp để nâng cao nhận thức về chuyển đổi số trong công tác nghiệp vụ công đoàn, mà còn là tiền đề cho việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào hoạt động công đoàn và giảng dạy trong ngành giáo dục.
Theo Kết luận số 91-KL/TW năm 2024 của Bộ Chính trị, việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo là yếu tố then chốt nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực người học.
Tọa đàm này là một bước triển khai cụ thể định hướng trên, nhằm hướng đến việc xây dựng môi trường giáo dục hiện đại, sáng tạo và hiệu quả, thông qua việc ứng dụng AI và các nền tảng số trong ngành giáo dục Phú Yên.
Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng quá trình này cũng đặt ra nhiều thách thức lớn, đặc biệt là đối với các cán bộ công đoàn - những người đóng vai trò không nhỏ trong việc dẫn dắt và hỗ trợ nhà giáo tại các cơ sở giáo dục trong việc tiếp cận, ứng dụng các công nghệ mới.
Tại tọa đàm, TS Trần Kim Quyên, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công Thương Miền Trung chia sẻ, thế giới đang chuyển mình theo mô hình BANI (Brittle - Mong manh, Anxious - Lo lắng, Nonlinear - Phi tuyến tính, Incomprehensible - Khó hiểu), đòi hỏi sự thích ứng nhanh chóng của mỗi cá nhân trong môi trường sống số.
Nhiều nội dung quan trọng đã được đưa ra thảo luận nhằm giúp các cán bộ công đoàn hiểu rõ hơn về vai trò của công nghệ số và AI trong công việc của họ.
Một phần quan trọng của chương trình là việc rèn luyện cho cán bộ công đoàn khả năng tư duy linh hoạt và sáng tạo trong thời đại số. Họ cần hiểu rằng môi trường làm việc hiện nay đòi hỏi sự nhanh nhạy và khả năng thích ứng cao
Ngoài ra, các cán bộ công đoàn không chỉ cần hỗ trợ công đoàn viên - giáo viên trong việc tiếp cận các công cụ giảng dạy số, công nghệ AI mà còn cần phải liên tục học hỏi và phát triển các kỹ năng, kỹ thuật số của bản thân.
Buổi tọa đàm cũng cung cấp các kiến thức về quản lý rủi ro trong môi trường số và kỷ nguyên AI. Điều này trở nên quan trọng khi các hoạt động của công đoàn và giáo dục ngày càng được triển khai phổ biến trên nền tảng số, các mạng xã hội và công cụ AI.
Vai trò của Gen AI trong công tác công đoàn và giáo dục
TS Nguyễn Trung Hòa, Giám đốc Trung tâm đào tạo và Hợp tác quốc tế, Phụ trách công nghệ của Trường Cao đẳng Công Thương Miền Trung đã tập trung vào việc nêu bật lên ý nghĩa, vai trò của AI trong công tác công đoàn và giáo dục.
Hiện tại, Gen AI (AI tạo sinh - PV) không chỉ giúp giải quyết các thắc mắc thông thường mà còn có thể hỗ trợ lập kế hoạch, phân tích dữ liệu, hỗ trợ việc ra quyết định và đề xuất các giải pháp cụ thể cho từng tình huống trong nghiệp vụ công tác công đoàn hay tạo nội dung cho công tác chuyên môn trong giáo dục như soạn giáo án, bài giảng, làm đề thi...
TS Nguyễn Trung Hòa cũng hướng dẫn các cán bộ công đoàn cách giao tiếp hiệu quả với Gen AI thông qua các Chatbot AI như ChatGPT, Claude AI bằng công thức Prompt vạn năng dễ hiểu, dễ vận dụng, cho kết quả giao tiếp chất lượng cao mà không cần phải tìm hiểu quá nhiều các công thức Prompt phức tạp.
Nội dung này đặc biệt thu hút sự chú ý của người tham gia, khi họ được hướng dẫn cách sử dụng, thực hành ngay tại chỗ, trải nghiệm thử xử lý các vấn đề trong nghiệp vụ công đoàn và giáo dục.
Sau buổi tọa đàm, các đại biểu đều hiểu rõ vai trò của Gen AI trong việc tối ưu hóa quy trình làm việc, tiết kiệm thời gian, nâng cao hiệu quả các hoạt động chuyên môn và nghiệp vụ công đoàn. Điều này không chỉ giúp các cán bộ công đoàn có nhiều thời gian hơn cho công tác đoàn thể mà còn khuyến khích sự sáng tạo, đổi mới trong các hoạt động hỗ trợ giáo viên và học sinh.