'Trí tuệ nhân tạo không thay thế bạn, người sử dụng chúng sẽ thay thế bạn'

GD&TĐ - Trí tuệ nhân tạo (AI), tương lai của AI, ứng dụng AI để khám phá vũ trụ...là những chủ đề được thảo luận sôi nổi giữa học sinh và chuyên gia.

Diễn giả và học sinh, sinh viên tham gia buổi nói chuyện đại chúng “Hệ thống tên lửa đẩy tiên tiến và trí tuệ nhân tạo”. Ảnh: Mạnh Tùng
Diễn giả và học sinh, sinh viên tham gia buổi nói chuyện đại chúng “Hệ thống tên lửa đẩy tiên tiến và trí tuệ nhân tạo”. Ảnh: Mạnh Tùng

Ngày 16/10, Trường Đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia TPHCM) tổ chức buổi nói chuyện đại chúng mang tên "Hệ thống tên lửa đẩy tiên tiến và trí tuệ nhân tạo" với hai diễn giả GS Bruce Vũ và ThS Đào Trung Thành.

Chương trình có sự tham dự của hơn 200 học sinh, sinh viên đến từ Trường THPT Thủ Đức (TPHCM), THPT chuyên Lương Thế Vinh (Đồng Nai), Trường Đại học Quốc tế.

Đây là một trong chương trình chuỗi những bài giảng công chúng Trường Đại học Quốc tế tổ chức dành cho học sinh, sinh viên các trường trong nhiều năm qua.

ths-thanh-1003.jpg
ThS Đào Trung Thành trong bài nói chuyện của mình. Ảnh: N.N

ThS Đào Trung Thành - Phó Viện trưởng Viện Blockchain và Trí tuệ nhân tạo (ABAII), Ủy viên Ban Chấp hành Hội truyền thông số Việt Nam (VDCA) - mang đến nhiều thông tin mới với chủ đề "Trí tuệ nhân tạo (AI) và tương lai vật lý: Hợp tác giữa con người và máy móc"

Trong bài nói chuyện, ông Thành nêu bối cảnh, cơn “sóng thần” công nghệ đang dần ập đến, khi AI có khả năng học hỏi, ra quyết định và thực hiện các nhiệm vụ phức tạp như con người.

Trong khi đó, sinh học tổng hợp (Synthetic Biology) tạo ra và chỉnh sửa các hệ thống sinh học mới, mở ra cơ hội trong y học và môi trường.

Hai công nghệ trên khi kết hợp tạo ra một làn sóng thay đổi mạnh mẽ, không chỉ ảnh hưởng đến các ngành công nghiệp mà còn tác động đến cấu trúc xã hội, luật pháp và đạo đức toàn cầu.

Trong kỷ nguyên mạng lưới thông tin, con người đóng vai trò trung tâm của mọi kết nối thông tin toàn cầu, liên tục tạo ra và chia sẻ dữ liệu qua các hoạt động hàng ngày.

dsc03856-2081.jpg
Học sinh tham dự buổi nói chuyện. Ảnh: Mạnh Tùng

ThS Đào Trung Thành cũng nêu tác động của AI lên thị trường lao động hiện nay.

Theo các nghiên cứu, khoảng 300 triệu việc làm toàn thời gian bị ảnh hưởng bởi tự động hóa; 2/3 công việc ở Mỹ sẽ được tự động hóa một phần nhờ AI.

Mặc dù tác động của AI đến thị trường lao động có thể là đáng kể, nhưng hầu hết các công việc và ngành công nghiệp chỉ một phần tự động hóa và do đó có nhiều khả năng được bổ sung hơn là bị thay thế bởi AI.

Đặc biệt, AI tạo sinh (Generative AI) làm thay đổi công việc một cách triệt để. Generative AI mang lại cho nền kinh tế toàn cầu 4.000 tỷ USD/năm. Bộ phận Marketing và bán hàng chịu tác động mạnh nhất trong tất cả các ngành công nghiệp.

Tuy nhiên, Ths Thành cũng nêu tín hiệu lạc quan khi AI tạo ra cơ hội cho những công việc mới.

Chẳng hạn, nghề Kỹ sư AI sẽ là nghề mới nổi, hấp dẫn, với sự săn đón từ các công ty khởi nghiệp đến từ các tập đoàn lớn Google, OpenAI, Netflix.

Ở Việt Nam, Kỹ sư AI và Machine Learning (học máy) là các vị trí được trả lương cao nhất trong ngành công nghệ thông tin, có thể lên tới 10 tỷ đồng/năm đối với kỹ sư cấp cao.

"AI sẽ không thay thế bạn nhưng người sử dụng AI sẽ thay thế bạn", ThS Thành dẫn quan điểm của Santiago - Chuyên gia về AI, ML để nói về nỗi lo của nhiều người, rằng sẽ bị thất nghiệp vì AI.

ThS Đào Trung Thành đưa ra những khuyên học sinh, sinh viên có sự chuẩn bị để "sống chung" với AI.

Trong đó, ông nhấn mạnh việc cần có tư duy mở và linh hoạt, khả năng học tập liên tục, xây dựng mạng lưới kết nối với cộng đồng.

Đồng thời, ông cũng khuyên học sinh phát triển kỹ năng mềm, gồm kỹ năng làm việc nhóm, giải quyết vấn đề, giao tiếp…

dsc03875-3696.jpg
GS Bruce Vũ với bài nói chuyện "Hệ thống tên lửa đẩy tiên tiến và trí tuệ nhân tạo". Ảnh: Mạnh Tùng

Tiếp đó, GS Bruce Vũ - Nguyên kỹ sư hàng không vũ trụ tại Trung tâm Không gian Marshall (NASA's Marshall Space Flight Center), tiểu bang Alabama (Mỹ) từ năm 1989 đến 2000 - có bài nói chuyện hấp dẫn, sinh động mang tên "Hệ thống tên lửa đẩy tiên tiến và trí tuệ nhân tạo".

Nhiều thông tin thú vị được ông cung cấp cho học sinh, như các hệ thống đẩy (Propulsion Systems) trong hệ thống tên lửa đẩy.

Với khoảng cách 225 triệu km, tên lửa của NASA hiện mất 180-270 ngày để đi từ Trái Đất đến Sao Hỏa (Mars). Trong khi đó, tên lửa của SpaceX Starship có thể đi nhanh hơn với 80-150 ngày.

Nếu có một loại tên lửa giả tưởng, với vận tốc bằng vận tốc ánh sáng, thời gian trên chỉ rút gọn trong khoảng 1 giờ.

GS Bruce Vũ cũng giới thiệu với sinh viên các đặc điểm, tính năng những công nghệ hệ thống đẩy tiên tiến nhất, như “động cơ nổ” (Pulse Detonation Engine); động cơ điện (Electric Propulsion); “lực đẩy giả thuyết”(Hypothetical Propulsion)…

Mỗi hệ thống đều có ưu, nhược điểm khác nhau. “Phải có những công nghệ đột phá để có thể thám hiểm những hành tinh xa xôi trong hệ Mặt Trời và vũ trụ”, ông nói.

dsc03907-5723.jpg
dsc03900-264.jpg
Phần thảo luận giữa học sinh và các diễn giả diễn ra sôi nổi. Ảnh: Mạnh Tùng

Buổi nói chuyện trở nên sôi nổi với phần hỏi - đáp giữa học sinh và các diễn giả. Các nội dung trao đổi tập trung vào các hạn chế và các tiến bộ của công nghệ tên lửa hiện tại, các công nghệ mới đang được nghiên cứu cũng như các triển vọng khám phá không gian trong tương lai.

Ngoài ra, chủ đề Al và các ứng dụng, tác động của AI đối với mọi mặt đời sống xã hội, Al trong các hệ thống tên lửa đẩy....thu hút sự quan tâm của học sinh.

TS Phan Hiền Vũ - Phó Trưởng Bộ môn Vật lý, Trường Đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia TPHCM) chia sẻ, việc tổ chức các buổi nói chuyện như thế này nhằm mang lại kiến thức cho cộng đồng, đặc biệt là học sinh, sinh viên.

"Mong sao kiến thức khoa học sẽ được phổ quát đến các em học sinh sinh viên và công chúng nhiều hơn nữa. Đặc biệt, với chủ đề lần này liên quan đến trí tuệ nhân tạo và hệ thống tên lửa, chúng tôi mong muốn sẽ phần nào góp phần thúc đẩy mạnh mẽ tính sáng tạo của các bạn trẻ, giúp các bạn phát triển nghề nghiệp phù hợp với bối cảnh của thế giới", ông Vũ nói.

Khi làm việc tại Trung tâm Không gian Marshall (NASA's Marshall Space Flight Center), GS Bruce Vũ đã phát triển các thuật toán nhằm tính toán dòng chảy nội lưu và ngoại lưu (internal and external flow), với ứng dụng đa dạng từ máy tua-bin đến các tên lửa đẩy

Từ năm 2002 đến 2021, GS Vũ dẫn dắt nhiều dự án tại Trung tâm Không gian Kennedy (NASA's Kennedy Space Center) như: Hệ thống khử âm bằng nước, môi trường tạo ra khi phóng, tương tác bề mặt dòng khói, động học khí hiếm và mô phỏng dòng chảy không liên tục.

Ông là giảng viên tại một số học viện, bao gồm Viện Công nghệ Florida, Đại học Trung tâm Florida ở Orlando, Trường Sau đại học Hải quân, và Trường Công nghệ và Khai thác mỏ South Dakota. Các môn giảng dạy bao gồm Cơ học chất lỏng, nhiệt động học, dòng chảy nhớt, không khí động học trung gian và động học khí nâng cao.

Trong khi đó, ThS Đào Trung Thành là một chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực Công nghệ Thông tin và Truyền thông với hơn 29 năm kinh nghiệm đa dạng và nổi bật với vai trò là Phó Viện trưởng Viện Blockchain và Trí tuệ nhân tạo (ABAII).

Ông học Thạc sĩ ngành Viễn thông tại trường Đại học Bách Khoa (Đại học Quốc gia TPHCM) và Thạc sĩ ngành An ninh mạng từ Học viện Quốc gia Viễn thông - Institut National des Télécommunications, Pháp.

Ông Thành từng đảm nhiệm nhiều vị trí như Phó giám đốc Công ty Tin học Bưu điện (Netsoft), CTO của tập đoàn MVV Group, và Giám đốc công nghệ thông tin (CIO) của Hệ thống Vinschool. Ông cũng là giảng viên tại học viện lãnh đạo MVV Academy và có kinh nghiệm giảng dạy tại trường Cao Đẳng kỹ thuật Sài Gòn (Saigon Tech), chi nhánh của Đại học Austin (Houston) tại TPHCM.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.