UNESCO khuyến nghị tổ chức học trực tuyến hiệu quả

GD&TĐ - Việc đóng cửa trường học ở một số quốc gia đã làm gián đoạn học tập của hàng triệu học sinh trên toàn cầu. UNESCO đã chia sẻ 10 khuyến nghị giúp tổ chức học trực tuyến thuận lợi trong giai đoạn này.

Hàng triệu học sinh trên thế giới phải tạm dừng đến trường vì Covid-19. Ảnh: INT.
Hàng triệu học sinh trên thế giới phải tạm dừng đến trường vì Covid-19. Ảnh: INT.

Đầu năm 2021, bà Henrietta Fore, Giám đốc điều hành Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), bày tỏ lo ngại về vấn đề bất bình đẳng ngày càng trầm trọng trong học tập do dịch Covid-19 mang lại. Tình trạng này xảy ra ở các nước thu nhập thấp, trung bình cũng như các nước phát triển, như Mỹ. 

Về lâu dài, tác động của khủng hoảng giáo dục sẽ ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế quốc gia bởi thế hệ học sinh hiện nay sẽ là nguồn lao động tương lai. Những quốc gia không khắc phục được tác động của khủng hoảng giáo dục có thể bị tụt hậu trong thời gian tới.

Trước những tác động tiêu cực của dịch Covid-19 khiến trường học đóng cửa, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá của Liên Hợp Quốc (UNESCO) đã chia sẻ 10 khuyến nghị giúp trường học các quốc gia tổ chức học trực tuyến hiệu quả.

Học sinh học trực tuyến tại nhà. Ảnh: INT.
Học sinh học trực tuyến tại nhà. Ảnh: INT.

Thứ nhất, các chính phủ, nhà trường cần trang bị sẵn sàng và chọn các công cụ học trực tuyến phù hợp nhất. Quyết định việc sử dụng các giải pháp công nghệ dựa trên độ tin cậy của nguồn cung cấp điện tại địa phương kết nối Internet và kỹ năng kỹ thuật số của học sinh. Các nền tảng học trực tuyến có thể cân nhắc đến bao gồm nền tảng học kỹ thuật số tích hợp, các bài học video, khoá học trực tuyến mở hoặc phát sóng bài giảng qua đài phát thanh, chương trình truyền hình.

Thứ hai, cần đảm bảo mọi học sinh, bao gồm học sinh yếu thế, học sinh khuyết tật hoặc học sinh có hoàn cảnh khó khăn… đều có thể tiếp cận chương trình đào tạo từ xa. Các nhà trường phối hợp với chính phủ, địa phương và nguồn xã hội hoá để phân bổ thiết bị học tập, lắp đặt đường truyền điện, Internet cho các em gặp hạn chế về tiếp cận các thiết bị kỹ thuật số.

Thứ ba, việc học trực tuyến cũng cần bảo vệ quyền riêng tư về dữ liệu, thông tin cá nhân của giáo viên, học sinh và gia đình học sinh. Trước khi đăng tải tài nguyên giáo dục lên không gian mạng, các nhà trường cần đánh giá mức độ bảo mật của thông tin cũng như cách thức chia sẻ thông tin với các tổ chức, cá nhân khác. Đồng thời, các nhà trường cần đảm bảo việc sử dụng các ứng dụng và nền tảng học trực tuyến không vi phạm quyền dữ liệu riêng tư của học sinh.

Tiếp đó, cần ưu tiên các giải pháp giải quyết vấn đề tâm lý của người học và giáo viên trước khi giảng dạy. Các nhà trường nên huy động công cụ sẵn có để kết nối nhà trường, giáo viên, phụ huynh và học sinh. Tạo cộng đồng để duy trì các phương thức tương tác thường xuyên giữa con người với nhau. Tổ chức các chương trình chăm sóc xã hội, giải quyết vấn đề tâm lý do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và học trực tuyến kéo dài tác động lên tinh thần, thể chất của giáo viên, học sinh.

Thứ năm, tổ chức thảo luận với các bên liên quan như chính quyền địa phương, các sở, ban, ngành, giáo viên, phụ huynh… để đánh giá trong thời gian học trực tuyến, nhà trường nên dạy kiến thức mới hay trang bị lại kiến thức đã học cho học sinh. Từ đó, giáo viên lên kế hoạch giảng dạy tuỳ thuộc vào tình hình của các khu vực bị ảnh hưởng bởi Covid-19, các cấp học, nhu cầu của học sinh và gia đình học sinh. Việc giảng dạy trực tuyến nên tránh áp dụng y nguyên phương pháp dạy và học trực tiếp.

Bà Henrietta Fore, Giám đốc điều hành UNICEF. Ảnh: INT.
Bà Henrietta Fore, Giám đốc điều hành UNICEF. Ảnh: INT.

Thứ sáu, các nhà trường cần hỗ trợ giáo viên, phụ huynh sử dụng các công cụ kỹ thuật số. Nếu cần thiết, tổ chức các buổi hướng dẫn, khoá học ngắn hạn cho giáo viên, phụ huynh. Nhà trường cần tạo điều kiện và hỗ trợ tối đa cho giáo viên đảm bảo tổ chức học trực tuyến suôn sẻ. Ngoài ra, nhà trường có thể xây dựng kho học liệu, thiết kế bài giảng chung.

Thứ bảy, kết hợp các phương pháp tiếp cận phù hợp và giới hạn số lượng ứng dụng và nền tảng. Kết hợp các công cụ hoặc phương tiện có sẵn cho hầu hết sinh viên, cho cả giao tiếp và bài học đồng bộ và cho việc học không đồng bộ. Tránh quá tải cho học sinh và phụ huynh bằng cách yêu cầu họ tải xuống và thử nghiệm quá nhiều ứng dụng hoặc nền tảng.

Thứ tám, xây dựng nội quy đào tạo từ xa và theo dõi quá trình học tập của học sinh. Giáo viên thiết kế các câu hỏi, bài kiểm tra hoặc bài tập theo mẫu để giám sát chặt chẽ quá trình học tập của học sinh.

Thứ chín, xác định thời lượng học trực tuyến của học sinh để tránh ảnh hưởng đến sức khoẻ thể chất, tinh thần của các em. Thời gian ngồi trước màn hình máy tính của học sinh tiểu học không quá 20 phút và không quá 40 phút cho học sinh THCS. 

Cuối cùng, nhà trường phải xây dựng cộng đồng và tăng cường kết nối. Từ đó, giáo viên, phụ huynh và cán bộ quản lý trường học có thể giải quyết khó khăn, tạo điều kiện chia sẻ kinh nghiệm và thảo luận về các chiến lược đối phó khi gặp khó khăn trong học tập.

Tuy nhiên, bà Fore khẳng định việc học trực tuyến không thể thay thế trực tiếp. Do đó, UNICEF, UNESCO kêu gọi các trường học cần được duy trì mở cửa hoặc mở cửa trở lại càng sớm càng tốt bất chấp sự hoành hành của dịch Covid-19.

“Cuộc khủng hoảng giáo dục vẫn hiện hữu và ngày này qua ngày khác, việc đóng cửa các trường học đang làm cho tác động tàn phá của nó trở nên tồi tệ hơn. Trường học phải là nơi đóng cửa cuối cùng và là nơi đầu tiên mở cửa trở lại. Chúng ta cần đặt lợi ích tốt nhất của mỗi đứa trẻ lên hàng đầu. Trừ những trường hợp nghiêm trọng nhất, còn học sinh phải được phép trở lại lớp học", bà Henrietta Fore cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ