Đại biểu Quốc hội: Ngành Giáo dục linh hoạt, sáng tạo trong triển khai dạy - học trực tuyến

GD&TĐ - Thảo luận tại hội trường - sáng 9/11, nhiều đại biểu cho rằng, ngành Giáo dục đã nhanh chóng tiếp cận với tiến bộ khoa học công nghệ, biến “nguy” thành “cơ”, bảo đảm mục tiêu kép.

Đại biểu Nguyễn Hữu Chính (doàn Hà Nội)
Đại biểu Nguyễn Hữu Chính (doàn Hà Nội)

Đại biểu Nguyễn Thị Hà (đoàn Bắc Ninh) nêu ý kiến, thời gian qua, cả hệ thống chính trị, toàn ngành Giáo dục và bản thân các thầy, cô giáo đã có nhiều cố gắng, chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong triển khai dạy - học trực tuyến giữa muôn vàn khó khăn.

Qua đó, thể hiện sự thích nghi nhanh chóng của ngành Giáo dục với tiến bộ khoa học công nghệ, biến “nguy” thành “cơ”, bảo đảm mục tiêu kép.

Dạy - học trực tuyến (học online) không thể thay thế được dạy - học trực tiếp nhưng là giải pháp tất yếu, tối ưu nhất để đảm bảo cung cấp kiến thức, sự an toàn cho người học trong diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19. Với người học, đặc biệt là học sinh phổ thông, học tập trực tiếp vẫn là hình thức mang lại hiệu quả cao nhất.

Tuy nhiên, với tình hình đại dịch diễn biến phức tạp, việc trực tiếp đến trường học tập có thể dừng bất cứ lúc nào - thì hình thức học tập trực tuyến là lựa chọn phù hợp.

Bên cạnh những đột phá trong việc dạy - học trực tuyến, vẫn tồn tại những khó khăn; trong đó có các vấn đề liên quan đến sức khỏe của người dạy và người học.

Đại biểu đoàn Bắc Ninh đề nghị, Chính phủ giao các bộ hữu quan có kế hoạch nâng cấp đường truyền để đảm bảo chất lượng băng thông luôn ổn định, mở rộng nhiều đối tượng trẻ em được tiếp cận với chương trình “Sóng và máy tính cho em” và nghiên cứu chính sách để thu hút doanh nghiệp “thực sự tham gia” chương trình để sớm đạt được mục tiêu “không học sinh nào bị bỏ lại phía sau”.

Đề nghị Bộ GD&ĐT nghiên cứu điều chỉnh chương trình học trực tuyến để tăng thời lượng cho giáo viên, học sinh tương tác, chia sẻ, nâng cao kỹ năng mềm - để cởi bỏ áp lực tâm lý cho cả người dạy và người học. Từ đó, việc dạy và học cũng trở nên nhẹ nhàng, hiệu quả, mang tính thực tiễn nhiều hơn.

Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ hữu quan nghiên cứu xây dựng các phần mềm quản lý việc dạy, học và tổ chức dạy học online phù hợp, hiệu quả, tiên tiến và thân thiện với người dùng.

Đại biểu Nguyễn Thị Hà (đoàn Bắc Ninh)
Đại biểu Nguyễn Thị Hà (đoàn Bắc Ninh)

Tăng cường tập huấn việc sử dụng Công nghệ thông tin nói chung và việc sử dụng các phần mềm dạy học hữu ích nói riêng cho giáo viên và học sinh để nâng cao chất lượng dạy và học online ngay cả khi không có dịch xảy ra.

Đề nghị Bộ GD&ĐT nghiên cứu lại phương thức xét tuyển Đại học, tìm giải pháp mở cánh cửa cho những học sinh điểm cao có thể vào được đúng trường Đại học mơ ước cũng như giải bài toán hướng nghiệp để đặt mục tiêu khuyến học và lựa chọn nhân tài lên cao nhất.

Theo đại biểu Nguyễn Hữu Chính (doàn Hà Nội), việc dạy học trực tuyến đã được triển khai trên toàn quốc. Tuy nhiên, vẫn còn một số học sinh khó khăn trong tiếp cận việc học trực tuyến do nhiều nguyên nhân khác nhau, điều này ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giáo dục.

Vì vậy, cần có giải pháp, chính sách đảm bảo sự đồng đều việc tiếp cận và đảm bảo chất lượng học tập của học sinh trong điều kiện hiện nay. Bên cạnh đó, cần phải triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ các tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, văn hóa, thể thao và du lịch…

Đồng thời, tăng cường công tác tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên về các kỹ năng cần thiết để tiến hành dạy học trực tuyến, đào tạo từ xa, nâng cao chất lượng bài giảng, phát huy khả năng tự học của học sinh và sinh viên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

PGS.TS Đỗ Duy Cường thăm khám cho bệnh nhân mắc sởi. Ảnh: BVCC

Gia tăng bệnh sởi ở người lớn

GD&TĐ - Gần đây, số ca mắc sởi có xu hướng gia tăng trên phạm vi nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt ở những nơi đông dân cư.