Tuy nhiên, học phí tăng cao khiến nữ sinh không thể quay lại trường học. Cô bé 7 tuổi hiện đang phụ mẹ bán hàng cho quán ăn của gia đình ở thủ đô Kampala.
Bridget nằm trong số hàng nghìn trẻ em Uganda phải bỏ học vì tài chính gia đình eo hẹp, không thể trang trải tiền học phí.
Chị Agnes Nangabi, mẹ của Bridget, cho biết: “Mỗi buổi sáng, cháu đều hỏi tôi khi nào sẽ được đi học lại. Nhưng hoàn cảnh gia đình khó khăn nên tôi không biết phải trả lời con như nào”.
Giáo dục tiểu học và trung học tại Uganda là miễn phí nhưng hầu hết các trường phổ thông công lập không nhận đủ tài trợ từ nhà nước để trang trải chi phí hoạt động. Do đó, các trường phải thu đủ mọi chi phí từ phí thi học kỳ đến giấy vệ sinh của học sinh để bù đắp thiếu hụt.
Trước đại dịch, Bộ Giáo dục Uganada đã kêu gọi các nhà trường không tăng học phí nhưng nhiều hiệu trưởng đã phớt lờ điều này. Hai luật sư nhân quyền đã đệ đơn kiện yêu cầu chính phủ giải quyết vấn đề các trường lạm thu học phí và điều chỉnh mức thu học phí.
Ông Andrew Karamagi, một trong hai luật sư, bày tỏ: “Rất nhiều trẻ em đã và đang bỏ học vì thu nhập gia đình giảm sút do tác động của Covid-19 và tác động của việc tăng học phí. Giáo dục lẽ ra phải là công cụ bình đẳng, nay trở thành yếu tố ngăn cách hoặc phân tầng xã hội”.
Giải đáp thắc mắc trước vấn đề trên, Bộ Giáo dục Uganda cho biết đang hoàn thiện các quy định về việc thu học phí. Nếu muốn thay đổi mức thu, các trường phải làm đơn xin tăng học phí. Hiện nay, học phí công lập tại Uganda là khoảng 56 USD (1,2 triệu đồng) một kỳ, trong khi học phí trường tư dao động từ 140 – 280 USD (3,2 – 6,4 triệu đồng) một kỳ.
Hành động pháp lý được đưa ra trong bối cảnh lo ngại về tác động lâu dài của việc đóng cửa trường học và tỷ lệ trở lại trường thấp tại Uganda. Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) cảnh báo trường học đóng cửa tạo ra một thế hệ mất mát. Chính phủ Uganda cần triển khai các bước hỗ trợ khẩn cấp để đưa học sinh trở lại đúng hướng.
Các nhà kinh tế cũng bày tỏ lo ngại cuộc khủng hoảng giáo dục khiến các quốc gia như Uganda không xây dựng được lực lượng lao động kỹ thuật cao, đáp ứng nhu cầu phát triển trong tương lai.
Theo khảo sát của UNICEF, khoảng 1/10 trẻ em Uganda không trở lại trường khi nước này mở cửa trường học từ tháng 2/2022. Cơ quan Kế hoạch quốc gia Uganda (NPA) ước tính trong năm học 2021, khoảng 30% trẻ em đã bỏ học do Covid-19.
Các yếu tố cản trở học sinh tiếp cận giáo dục có thể kể đến như tình trạng nghèo đói, trẻ bỏ học đi làm, tảo hôn hoặc mang thai ở tuổi vị thành niên. Những vấn đề này đã tăng vọt trong thời gian trường học đóng cửa.
Không thể đi học, những đứa trẻ phải ra đường bươn chải để kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Ở Kampala, Bridget dành cả ngày phụ mẹ bán hàng. Khi những đứa trẻ trong khu phố đi học về, nữ sinh chỉ biết đứng nhìn các bạn trong khao khát xen lẫn ngưỡng mộ.
“Cháu rất thích môn Khoa học và muốn trở thành bác sĩ. Cháu sẽ làm việc chăm chỉ để giúp mẹ tiết kiệm tiền và để sớm trở lại trường học”, Bridget bày tỏ.
Còn Adella Asiimwe, 15 tuổi, đã từ bỏ hy vọng được đi học do trường của nữ sinh tăng 20% học phí lên 97 USD (khoảng 2,2 triệu đồng). Nữ sinh nghỉ học để nhường cơ hội đến trường cho các em đang học tiểu học.
“Cháu nhìn bạn bè trở lại lớp mà cảm thấy ghen tị. Cháu ước bố mẹ đủ tiền cho cháu đến trường nhưng cháu hiểu rằng gia đình mình không còn gì cả”, Aella bày tỏ.