Uganda: Trẻ em tuyệt vọng vì trường học đóng cửa kéo dài

GD&TĐ - Trẻ em gái tảo hôn, mang thai sớm trong khi trẻ em trai theo cha mẹ đến làm thêm tại các mỏ khai thác vàng nhằm san sẻ gánh nặng kinh tế trong giai đoạn dịch Covid-19.

Học sinh làm thuê trong các mỏ khai thác vàng.
Học sinh làm thuê trong các mỏ khai thác vàng.

Đối với các em, trường học chỉ còn hiện hữu trong ký ức xa xăm.

Mặc đồng phục học sinh, em Mathias Okwako nhảy xuống bùn và bắt đầu xúc đất tìm vàng. Đối với Okwado, hoạt động này đã trở thành thói quen thay cho đi học trong thời gian trường học đóng cửa.

Ước tính, trường học tại quốc gia này đã đóng cửa hoàn toàn hoặc một phần hơn 77 tuần vì đại dịch Covid-19, là một trong những quốc gia phải đóng cửa trường học lâu nhất thế giới.

Hầu hết các trường công lập tại quốc gia Đông Phi này không thể tổ chức dạy trực tuyến. Đến nay, các trường đã bị bỏ hoang, số khác trưng dụng là nhà nghỉ.

Giữa lúc trường học đóng cửa, nhiều trẻ em gái kết hôn. Một số em mang thai ngoài ý muốn. Trong khi nam sinh đi làm thêm những công việc nặng nhọc, quá sức để kiếm thêm thu nhập cho gia đình.

Ông Moses Mangeni, quan chức tại tỉnh Busia, nhận xét: “Đại dịch đã tạo nên “thế hệ bị ruồng bỏ” là những học sinh phổ thông không được đến trường hai năm liên tiếp. Các em đang chiến đấu để hoà nhập với xã hội”.

Là quốc gia châu Phi duy nhất còn đóng cửa trường học, Uganda dự kiến tái mở cửa từ tháng 1/2021 khi số ca nhiễm Covid-19 giảm dần. Ước tính, khoảng 700 nghìn trên tổng số 44 triệu dân Uganda đã tiêm phòng đủ 2 liều vắc-xin.

Người dân nước này chỉ trích chính phủ đã thất bại trong việc duy trì học tập cho trẻ em khi đại dịch xuất hiện. Kế hoạch dạy học trực tuyến qua đài phát thanh đã không thành hiện thực. Ở các vùng nông thôn, nhiều trẻ em không được hỗ trợ tài liệu học tập. Trong những gia đình khó khăn, các em bỏ học đi làm.

Tại các mỏ vàng, dưới cái nắng như thiêu đốt, trẻ em Uganda phải gồng mình làm những công việc dành cho người lớn. Thậm chí, nhiều em ẩu đả để tranh giành khu vực làm thêm, số khác bị gãy tay, chân trong khi đào vàng. Các em chia sẻ cảm thấy tuyệt vọng khi thời gian nghỉ học kéo dài.

Dù vất vả là vậy, mỗi ngày, lũ trẻ chỉ kiếm được khoảng 2 USD. Các em sử dụng số tiền này để mua muối, xà phòng hoặc chia sẻ tiền sinh hoạt phí cùng gia đình.

Không chỉ học sinh, giáo viên Uganda cũng đang lâm vào tình cảnh khó khăn. Hầu hết đều không được trả lương khi trường học đóng cửa và phải chuyển sang làm những công việc tay chân.

Giáo viên Francis Adungosi cho biết: Khi trường học tái mở cửa, chúng tôi hy vọng sẽ được tham gia các khoá bồi dưỡng tâm lý. Bởi lẽ cả giáo viên và học sinh đều bị chấn thương nặng sau những thử thách mà dịch Covid-19 mang lại. Việc giúp học sinh ổn định tâm lý trong tương lai là đặc biệt khó khăn.

Nhiều giáo viên dự đoán số lượng trẻ trở lại trường học sau đại dịch sẽ sụt giảm đáng kể bởi các em đã dần quen công việc. Thậm chí, nhiều em đã quên hết mặt chữ và xem nhẹ sự quan trọng của giáo dục. Việc kiếm tiền đã trở thành trách nhiệm chính của các em.

Tại Trường Tiểu học Mawero, tỉnh Busia, giáo viên Emmy Odillo, chia sẻ: “Tôi chỉ dám hy vọng một phần nhỏ trong số 400 học sinh nhà trường sẽ trở lại vào năm tới. Kỳ vọng của giáo viên về tương lai giáo dục đã rơi xuống mức rất thấp”.

Bà Janet Museveni, Bộ trưởng Giáo dục Uganda đã bác bỏ những chỉ trích của người dân. Theo bà Janet, phụ huynh, xã hội nên phối hợp cùng chính phủ cho trẻ em ở nhà thay vì đi học để bảo vệ sức khoẻ, an toàn của các em.

Theo AP

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.