Uganda: Thiếu trường khi học sinh đi học lại

GD&TĐ - Các trường học tại Uganda đã mở cửa trở lại từ ngày 10/1 sau 2 năm dịch Covid-19 nhưng không phải tất cả cơ sở giáo dục đều có thể hoạt động ngay bây giờ.

Trường học xuống cấp sau 2 năm đóng cửa vì dịch Covid-19.
Trường học xuống cấp sau 2 năm đóng cửa vì dịch Covid-19.

Nhiều trường học đã đóng cửa vĩnh viễn hoặc được sử dụng cho những mục đích thương mại.

Trường Godwins, nằm ở tỉnh Kampala, là một trong nhiều trường sẽ không bao giờ mở cửa trở lại. Ngôi trường đã hoạt động 20 năm cho những học sinh có cha mẹ làm việc trong chợ Kalerwe gần đó. Khoảng sân, nơi học sinh vui chơi, hiện là bãi đậu xe chở hàng cho chợ Kalerwe trong khi lớp học biến thành nhà nghỉ cho du khách.

Có hai con theo học tại Trường Godwins, chị Harriet Namubiru cho biết: Trường học đóng cửa là bi kịch ập đến với chúng tôi. Ban giám hiệu nhà trường đã triệu tập cuộc họp phụ huynh để nói với chúng tôi rằng họ không thể duy trì hoạt động khi các trường khác tái mở cửa. Tin sét đánh này khiến chúng tôi bất ngờ. Một số người thậm chí đã ngất xỉu.

Ở ngoại ô tỉnh Kampala, nhiều ngôi trường đang rơi vào tình cảnh tương tự. Một số trường bị rao bán, số khác bị phá hủy nhường chỗ cho kinh doanh bất động sản. Chính quyền Kampala cho biết ước tính 40 trường học đã đóng cửa hoàn toàn.

Truyền thông địa phương liên tục đưa tin về những cơ sở giáo dục bị biến thành quán bar, nhà hàng hoặc khách sạn. Đơn cử, Trường Mầm non và Tiểu học Kidcare hiện là kho lưu trữ thực phẩm.

Trường Makerere, nằm ở khu ổ chuột tại Kampala, đã bị bán cho các doanh nghiệp bất động sản do chủ sở hữu không muốn cho thuê làm cơ sở giáo dục. Bởi lẽ, ban quản lý nhà trường không thể trả tiền thuê mặt bằng 2 năm liên tiếp.

Ở khu vực khác, những ngôi trường đã xuống cấp nghiêm trọng. Mái nhà bị thổi bay hoặc phòng học nứt toác. Trong phòng học, cỏ dại mọc um tùm nên học sinh phải ngồi học dưới những tán cây.

Với những trường có thể tổ chức hoạt động giáo dục, phụ huynh phải trả thêm tiền cho chi phí phòng chống Covid-19 hoặc tiền học tăng giá. Điều này khiến trẻ em trong những gia đình khó khăn buộc phải nghỉ học.

Việc mở cửa trở lại trường học tại Uganda đã được học sinh, giáo viên và phụ huynh tích cực ủng hộ nhưng tỷ lệ trẻ đến trường còn thấp. Tại Trường Tiểu học Chegere, huyện Apac, chỉ một học sinh đi học trong ngày đầu tiên. Một số trường ở quận Nakasongola hoàn toàn vắng bóng học sinh.

Cô giáo Christine Babirye, làm việc tại Kampala cho biết, học sinh không đi học phần lớn do không đủ tiền học phí, thiếu đồ dùng học tập. Nhà trường đã giảm học phí, đồng thời làm công tác tư tưởng cho phụ huynh, học sinh. Dù vậy, cô Babirye hi vọng tỷ lệ học sinh đến lớp sẽ tăng trở lại trong những tuần tiếp theo.

Các chuyên gia giáo dục cảnh báo tác động của việc đóng cửa trường học quá lâu tại Uganda là không thể xem nhẹ. Trước đại dịch, quốc gia này đã đối mặt với nhiều vấn đề giáo dục. Điều này sẽ trở nên tồi tệ hơn nếu học sinh bỏ học ngày càng tăng.

TS Mary Goretti Nakabugo, Giám đốc Tổ chức từ thiện giáo dục Uwezo, cho biết: Ngành Giáo dục Uganda đang rơi vào một cuộc khủng hoảng. Chúng tôi có trách nhiệm đưa tất cả học sinh đi học trở lại nhưng giúp các em yên tâm học hành cũng là nhiệm vụ vô cùng quan trọng.

Hiện, chưa có số liệu chính thức về số lượng trường học dừng hoạt động khi Chính phủ Uganada cho phép học trực tiếp.

Theo The Guardian

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.