Biến đất của dân thành đất 2 vụ lúa
Phản ánh của người dân cho biết, năm 2017, các hộ đang sinh sống ổn định tại khu Ao Đấu (xã Di Trạch, huyện Hoài Đức, Hà Nội) thì bị địa phương thực hiện thu hồi đất, cưỡng chế phá dỡ nhà ở để giải phóng mặt bằng (GPMB) thực hiện Dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đất dịch vụ để giao cho những hộ bị thu hồi đất thuộc Dự án Khu đô thị mới Kim Chung - Di Trạch (Dự án đất dịch vụ).
Việc này xuất phát từ 9 năm trước đó, khi UBND tỉnh Hà Tây (cũ) ra Quyết định số 2094/QĐ-UBND (ngày 7/7/2008) thu hồi 160.985,6 m2 đất trên địa bàn xã Di Trạch (gồm đất hai vụ lúa, đất mương nội đồng, đất nghĩa trang) để thực hiện Dự án đất dịch vụ.
Sau nhiều năm khiếu kiện, với sự vào cuộc của Thanh tra Chính phủ (TTCP), những sai phạm từ cấp tỉnh đến cấp xã trong việc thực hiện dự án, thu hồi đất nêu trên mới bị phơi bày, trong đó có việc “biến” đất ở của các hộ dân thành “đất 2 vụ lúa” để đưa vào diện thu hồi.
Về sai phạm ở cấp tỉnh, Thông báo Kết luận thanh tra (KLTT) của TTCP nêu rõ, UBND tỉnh Hà Tây (cũ) đã ban hành Quyết định thu hồi đất không có tên, địa chỉ của người thu hồi đất, danh sách thửa đất bị thu hồi theo quy định tại Nghị định 84/2007/NĐ-CP của Chính phủ.
Trong khi dự án chưa được phê duyệt, chưa có mốc giới, diện tích đất thu hồi thì UBND huyện Hoài Đức và Sở Tài chính Hà Tây (cũ) đã trình UBND tỉnh phê duyệt phương án tổng thể bồi thường.
Sở Tài chính đã không lấy tài liệu của của cơ quan Tài nguyên & Môi trường (TN&MT) để làm cơ sở lập phương án tổng thể bồi thường, hỗ trợ; không có danh sách số hộ, số lao động, không có danh mục công trình phải di dời nhưng trong dự toán lại có danh mục bồi thường về công trình. Đã vậy, Sở Tài chính và UBND huyện Hoài Đức còn áp dụng quy định đã bị bãi bỏ để làm căn cứ trình Quyết định phê duyệt phương án tổng thể bồi thường, hỗ trợ...
Liên quan đến việc thu hồi đất Ao Đấu (lúc đó có 11 hộ dân đang sinh sống), TTCP kết luận, việc địa phương đưa toàn bộ khu đất Ao Đấu vào phần diện tích đất trồng 2 vụ lúa để lập hồ sơ thu hồi là chưa phù hợp với thực tế sử dụng đất.
Trong khu đất Ao Đấu, một số hộ đã xây dựng công trình trước 01/7/2004 và một số hộ đã chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang trồng cây lâu năm, nhưng vẫn bị xác định là đất ruộng trồng 2 vụ lúa.
Vi phạm của Sở TN&MT Hà Tây (cũ) như: Không lập danh sách các thửa đất bị thu hồi theo quy định (với các nội dung như: số hiệu thửa đất, tên người sử dụng đất, diện tích phần đất có cùng mục đích sử dụng); thiếu chặt chẽ trong việc thẩm định hồ sơ địa chính, xác minh thực địa dẫn đến việc trình UBND tỉnh ra quyết định thu hồi đất 2 vụ lúa nhưng thực tế nhiều diện tích của các hộ không phải là đất trồng lúa; không chủ trì phối hợp với UBND huyện Hoài Đức bàn giao mốc giới và hoàn thiện hồ sơ địa chính, không có mốc giới ngoài thực địa...
UBND huyện Hoài Đức dính nhiều sai phạm
Một loạt vi phạm của UBND huyện Hoài Đức cũng bị phơi bày, bao gồm: ban hành Quyết định thu hồi đất với các hộ khu vực Ao Đấu chậm thời hạn. Theo quy định tại Nghị định 84/2007/NĐ-CP thì thời hạn là 15 ngày kể từ ngày nhận được quyết định thu hồi đất chung (năm 2008).
Nhưng thực tế, gần 6 năm sau, đến tháng 4/2014, UBND huyện Hoài Đức (lúc này đã thuộc TP Hà Nội- PV) mới ban hành các Quyết định thu hồi đất khu vực Ao Đấu.
Trong khi chưa được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xác định loại đất, Hội đồng bồi thường GPMB huyện Hoài Đức đã lập và phê duyệt phương án bồi thường hỗ trợ là chưa đủ căn cứ; việc lập và phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ tách riêng bồi thường về đất, tài sản, cây cối, hoa màu và hỗ trợ thành các phương án khác nhau và thời điểm khác nhau cũng chưa đúng quy định tại Nghị định số 47/2014/NĐ-CP.
Việc UBND huyện Hoài Đức có sai phạm trong việc ban hành Quyết định thu hồi đất, tổ chức thu hồi 6 thửa đất khu vực Ao Đấu cũng như việc trình, ban hành Quyết định số thu hồi đất số 2094/QD-UBND của UBND tỉnh Hà Tây còn có những vi phạm, thiếu sót như trên là nguyên nhân chính dẫn đến khiếu nại của các hộ dân.
Từ những nhận định trên, TTCP kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo, rà soát, xử lý khắc phục những thiếu sót trong việc thu hồi đất, bồi thường GPMB thực hiện dự án đất dịch vụ; chỉ đạo thực hiện công tác quản lý đất đai khu vực Ao Đấu theo đúng quy định, bảo đảm sự đồng thuận giữa các cơ quan và quyền lợi của các hộ dân theo quy định, tránh khiếu kiện phức tạp, kéo dài; Tổ chức kiểm điểm vi phạm, thiếu sót trong việc thu hồi đất, bồi thường GPMB thực hiện dự án nói chung và khu vực Ao Đấu nói riêng.
Kiến nghị của TTCP như trên nhưng các hộ dân cho biết, cho đến nay, quyền lợi của 11 hộ dân tại khu Ao Đấu, từng bị UBND huyện Hoài Đức tổ chức thu hồi đất sai quy định vẫn chưa được đảm bảo, tức là hậu quả sai phạm vẫn chưa được khắc phục.
Đáng chú ý, tại Kết luận Thanh tra, TTCP đã kiến nghị UBND TP Hà Nội: “giao cơ quan công an điều tra xử lý theo quy định đối với hành vi của lãnh đạo xã Di Trạch xác nhận các giấy tờ liên quan đến việc chuyển nhượng đất dịch vụ trái thẩm quyền, cố ý vi phạm về quản lý đất đai”.
Đồng tình với kiến nghị để công an vào cuộc, người dân còn cho rằng, vi phạm trên không chỉ đơn giản “là xác nhận trái thẩm quyền” mà cần phải làm rõ có hay không dấu hiệu tham nhũng, lợi ích nhóm…
UBND huyện Hoài Đức đã thu hồi đất để thực hiện Dự án đất dịch vụ vượt hơn 8.700 m2 so với nhu cầu thực tế. Có 240/1237 hộ được cơ quan này “phê duyệt giao đất dịch vụ” không đủ điều kiện. Trong khi đó, trong nhiều hộ chưa nhận đất dịch vụ trên thực địa thì UBND xã Di Trạch đã xác nhận việc chuyển nhượng trái thẩm quyền, tạo ra những tranh chấp, khiếu kiện phức tạp.
Trong vụ việc này, cần làm rõ 240 người đã được hưởng đất dịch vụ sai quy định là những ai, vì sao họ phải vội vàng chuyển nhượng đất dịch vụ “trên giấy” khi chưa kịp nhận đất trên thực địa?
Một hộ dân cho biết: “Bất công trong vụ việc này ở chỗ, trong khi chúng tôi bị hồi đất ở một cách oan ức thì chính diện tích đất này lại được giao cho những đối tượng không đủ điều kiện hưởng đất dịch vụ.
Thời điểm đó, chúng tôi đã có rất nhiều đơn thư phản đối, đề cập sai phạm nhưng Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức lúc đó là ông Nguyễn Anh vẫn không xem xét nhưng lại ra quyết định thu hồi đất và quyết định cưỡng chế phá dỡ nhà ở của 11 hộ dân.
Để khắc phục triệt để vi phạm và đảm bảo quyền lợi cho người dân bị thu hồi đất oan, chúng tôi đề nghị UBND huyện Hoài Đức hủy bỏ các quyết định thu hồi đất sai pháp luật trước đây, trả lại đất để người dân tiếp tục sử dụng, đồng thời bồi thường nhà ở, tài sản trên đất cũng như bồi thường tổn thất về tinh thần cho người dân”.