(GD&TD)-Theo Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng kim ngạch xuất khẩu tháng 7 ước đạt 8,4 tỷ USD; tính chung 7 tháng qua ước đạt 51,46 tỷ USD, tăng 33,5% so với cùng kỳ năm 2010.
Tỷ lệ nhập siêu tháng 7 là khoảng 0,2 tỷ USD, bằng xấp xỉ 2,4% kim ngạch nhập khẩu (ảnh MH) |
Cũng trong tháng 7, tổng kim ngạch nhập khẩu ước khoảng 8,6 tỷ USD, tính chung 7 tháng ước đạt 58,1 tỷ USD, tăng khoảng 26,2% so với cùng kỳ năm trước.
Như vậy, tỷ lệ nhập siêu tháng 7 là khoảng 0,2 tỷ USD, bằng xấp xỉ 2,4% kim ngạch nhập khẩu. Đây là tỷ lệ nhập siêu thấp nhất trong vòng 7 tháng qua. Tính chung nhập siêu 7 tháng khoảng 6,64 tỷ USD, bằng 12,9% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Việc nhập khẩu tăng cũng xuất phát từ nguyên nhân giá cả. Đơn cử, nhiều mặt hàng là đầu vào phục vụ sản xuất và hàng tiêu dùng đều có mức tăng giá mạnh, như: bông tăng 97,7%, lúa mỳ tăng 70,5%, phân bón tăng 63,9%, xăng dầu các loại tăng 58,5%, cao su các loại tăng 54,2%, sợi các loại tăng 51,8%,...
Thậm chí, những mặt hàng thuộc nhóm cần hạn chế nhập khẩu cũng tăng như: ô tô nguyên chiếc dưới 9 chỗ tăng 63,8%, hàng tiêu dùng các loại (trừ ôtô dưới 9 chỗ) tăng 6,4%,...
Tái xuất vàng tiếp tục ở mức cao trên bảng thống kê xuất khẩu tháng 7/2011 sau giai đoạn giá vàng tăng mạnh vừa qua. Theo cơ quan thống kê, ước tính có khoảng 800 triệu USD kim ngạch nhóm đá quý, kim loại quý và sản phẩm được xuất khẩu trong tháng 7, tương đương với tháng 6/2011.
Tổng hợp từ khoảng giữa tháng 5/2011 đến nay, ước tính kim ngạch xuất khẩu nhóm đá quý, kim loại quý và sản phẩm (chủ yếu là vàng) đạt khoảng 1,8 tỷ USD, tương đương khoảng 36 tấn vàng.
Với các mặt hàng xuất khẩu chủ lực khác, đa số có kim ngạch giảm so với tháng trước như dệt may, giày dép, gỗ và sản phẩm, cà phê, phương tiện vận tải, máy móc thiết bị…
Riêng dầu thô và cao su có kim ngạch tăng rất mạnh so với tháng trước, tới trên 40% nhưng giá lại không bằng. Xuất khẩu gạo tiếp tục tăng trong tháng 7 do giá bán nhích lên.
Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu lại giảm ở nhiều nhóm hàng có tỷ trọng giá trị lớn như xăng dầu, hóa chất, chất dẻo, kim loại thường, thức ăn gia súc, vải, nguyên phụ liệu dệt may, máy móc thiết bị…
Châu Á vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam khi tăng 28,7% trong bảy tháng và chiếm tỷ trọng khoảng 79,3% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam, trong đó: Trung Quốc tăng 21,5%, chiếm tỷ trọng 23,6%, ASEAN tăng 33,0%, chiếm tỷ trọng 20,4%, Hàn Quốc tăng 37,8%, chiếm tỷ trọng 12,4%, Nhật Bản tăng 14,4%, chiếm tỷ trọng 9,6%. Nhập khẩu từ thị trường EU tăng 20,6% và chiếm tỷ trọng 7,2%.
Lũy kế đến tháng 7/2011, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước ước đạt 51,46 tỷ USD, tăng 33,5% so với cùng kỳ (từ mức tăng 32,6% của tháng trước). Kim ngạch nhập khẩu khoảng 58,1 tỷ USD, tăng 26,2% so với cùng kỳ năm trước.
Như vậy, với kết quả đạt được thì tỷ lệ nhập siêu/xuất khẩu của bảy tháng đầu năm chỉ còn 12,9% là một con số đang khích lệ, báo hiệu một tín hiệu khả quan trong việc kìm chế nhập siêu. Hiện với con số này đang thấp hơn nhiều so với con số tương ứng của cùng kỳ năm 2010 là 19,4% và thấp hơn mục tiêu của Chính phủ cho ngành công thương là 16%.
Cũng theo Cục Đầu tư nước ngoài, trong tháng 7 số vốn FDI đăng ký mới tăng 3,23 tỷ USD; tính chung 7 tháng, giải ngân vốn FDI đã đạt 6,3 tỷ USD, thấp hơn cùng kỳ năm ngoái 1,6%.
Thái Sơn