Tỷ lệ mắc hoại tử xương hàm dưới 0,1%

GD&TĐ - Theo các bác sĩ, tại Việt Nam, số ca mắc Covid-19 hiện là trên 10 triệu. Trong khi đó, tỷ lệ mắc hoại tử xương hàm là vô cùng thấp. Vì vậy, người dân không nên quá lo lắng về căn bệnh này.

Bệnh nhân được xác định bị hoại tử vùng mặt tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Ảnh: BVCC
Bệnh nhân được xác định bị hoại tử vùng mặt tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Ảnh: BVCC

Yếu tố tăng rủi ro

PGS.TS Trần Huỳnh - Đại học Y khoa California Northstate (Mỹ) - dẫn chứng, một nghiên cứu của các bác sĩ tại Ai Cập đã chỉ ra 12 ca hoại tử hàm, dựa trên các báo cáo về đau nhức xương hàm từ tháng 1 - 8/2021. Nghiên cứu thực hiện trên 12 ca hậu Covid-19 bị hoại tử hàm. Trong đó, có 5 ca nhập viện và 7 trường hợp ở nhà, không có bệnh nhân nặng.

Tuổi trung bình của các ca này là 56. Họ bị hoại tử hàm 5,5 tuần sau khi khỏi Covid-19. Tất cả bệnh nhân đều dùng steroid khi nhập viện. Điều đáng chú ý là Corticosteroid tăng rủi ro bị hoại tử hàm. Ngoài ra, tất cả bệnh nhân đều bị tiểu đường. Đây cũng được coi là yếu tố có thể tăng rủi ro bị hoại tử hàm.

“Lý do hoại tử có thể là tổn thương mạch máu (do virus SARS-CoV-2) tăng rủi ro đông máu khiến nghẽn động mạch. Kết hợp với viêm sưng do nhiễm trùng và các bệnh lý nền khác, khiến máu cung cấp vùng xương hàm giảm, dẫn đến hoại tử. Không có dấu hiệu nhiễm trùng nấm xâm lấn nhưng tất cả các ca đều có nhiễm vi khuẩn”, PGS Huỳnh dẫn chứng.

Theo chuyên gia này, tác giả nghiên cứu cho biết, hoại tử hàm sau mắc Covid-19 là một quan ngại tiềm năng. Tuy nhiên, tác giả không chỉ ra mối quan hệ trực tiếp giữa hậu Covid-19 và hoại tử hàm.

Trong thời gian khảo sát, có khoảng 140.000 ca Covid-19 mới. Con số hoại tử xương hàm quá nhỏ, là 12 trên 140.000, tương ứng 0,009%. Theo PGS Huỳnh, con số này thậm chí còn thấp hơn rủi ro bị hoại tử xương hàm do uống thuốc loãng xương là 0,01%.

Tỷ lệ vô cùng thấp

Ngày 15/7, Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương TPHCM và Chợ Rẫy đã phối hợp thành lập Hội đồng chuyên môn. Hội đồng kết luận, hoại tử xương sọ - mặt là một bệnh lý ít gặp nhưng không phải bệnh lạ. Bệnh có thể xảy ra trên người xạ trị vùng đầu mặt cổ, lạm dụng thuốc chống loãng xương Bisphosphonate, viêm cốt tủy xương hàm do nguyên nhân từ răng và nhiễm trùng máu, chấn thương sọ - mặt, các tình trạng viêm xoang hàm do nấm, do rối loạn chuyển hóa (bệnh Paget)...

Hội đồng chuyên môn khuyến cáo, các dấu hiệu lâm sàng gợi ý chẩn đoán sớm trên bệnh nhân có tiền sử mắc Covid-19, gồm: Sưng, đau sọ - mặt kéo dài; dò mủ trong miệng, ngoài mặt; nhiều răng lung lay bất thường; loét niêm mạc, lộ xương. Về điều trị, Hội đồng kết luận, cần phối hợp các chuyên khoa liên quan; phẫu thuật loại bỏ các tổ chức hoại tử.

“Covid-19 có thể là nguyên nhân gây hoại tử xương. Virus tấn công khiến mạch máu tổn thương, viêm sưng, một số trường hợp bị nghẽn. Ở những mạch máu lớn hơn có thể gặp tình trạng đông máu. Từ đó, dẫn đến xuất hiện cục máu đông. Vùng máu ở xương hàm không đủ oxy, cung cấp chất dinh dưỡng và cuối cùng là gây hoại tử.

Ngoài ra, bệnh nhân có bệnh nền như tiểu đường, hoặc bệnh liên quan đến vùng xương phải dùng steroid cũng là nhóm nguy cơ. Đa số bệnh nhân Covid-19 nhập viện được chữa bằng steroid. Các yếu tố đó khiến xương dễ bị tổn thương, có nguy cơ hoại tử”, PGS.TS Trần Huỳnh giải thích.

Tuy nhiên, theo chuyên gia này, rủi ro hoại tử xương là vô cùng thấp. Ông dẫn chứng, tại Việt Nam, số ca mắc Covid-19 hiện là trên 10 triệu. Trong khi đó, tỷ lệ mắc hoại tử xương là vô cùng thấp. Vì vậy, người dân không nên quá lo lắng.

Nếu sau khi mắc Covid-19 có biểu hiện bất thường, người dân cần gặp bác sĩ để khám và điều trị. Một số biểu hiện gồm viêm xoang, đau nhức hàm, chảy mủ lỗ tai, nghe không rõ, hoặc dấu hiệu khác bất thường ở xương mặt, cộng thêm bệnh nền tiểu đường, cao huyết áp phải dùng steroid nhiều.

TS.BS Phạm Nguyên Quý - Bệnh viện Trung ương Kyoto Miniren (Nhật Bản) - cho rằng, giả thuyết hoại tử xương xảy ra do tắc nghẽn mạch máu nhỏ - biến chứng có thể xảy ra khi mắc Covid-19.

Tuy nhiên, vẫn chưa thể loại trừ các nguyên nhân/yếu tố khác. Một lý do có thể là vì quá trình điều trị Covid, như sử dụng thuốc corticoid... Bệnh nhân cũng có thể bị nhiễm trùng kèm nhiễm khuẩn, nhiễm nấm. Hoặc, họ có bệnh tiềm ẩn từ trước như tiểu đường, nha chu, sâu răng...

“Như vậy, không phải bệnh nhân Covid-19 nào cũng cần lo lắng về “hoại tử xương” và đi “tầm soát” khi không hề có triệu chứng như đau dai dẳng xương khớp, đột ngột khó di chuyển hoặc khó cử động khớp”, TS.BS Quý khuyến cáo.

Trước đó, Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương TPHCM báo cáo, từ tháng 2 đến nay đã tiếp nhận 16 bệnh nhân. Trong đó, có 3 ca hoại tử hàm trên lan đến sàn sọ và được chuyển qua Bệnh viện Chợ Rẫy hội chẩn, điều trị. Bệnh viện Chợ Rẫy cũng tiếp nhận 11 ca với tình trạng viêm xoang, viêm hoại tử vùng hàm mặt và xương sọ. Trong đó, có 2 ca tử vong. Tại Hà Nội, nhiều bệnh viện chuyên khoa răng hàm mặt, tai mũi họng hay Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết chưa ghi nhận bệnh nhân bị hoại tử xương hàm sau mắc Covid-19 đến khám.

Ngày 14/7, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đã có công văn yêu cầu Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương TPHCM và Chợ Rẫy báo cáo nhanh về tình hình người bệnh đến khám, điều trị, kết quả điều trị bệnh hoại tử xương hàm từ tháng 2 đến nay. Cơ quan này cũng yêu cầu hai bệnh viện thành lập Hội đồng chuyên môn để xem xét, xác định nguyên nhân gây bệnh và các yếu tố liên quan đến bệnh lý trên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ