The Washington Post ngày 2/5/2025 đã xuất bản một bài viết trong đó chuyên mục gia Mark Thiessen kêu gọi Tổng thống Mỹ Donald Trump hãy giúp Ukraine xây dựng một hàng rào kiên cố trên biên giới với Nga tương tự như dự án "East Shield" (Lá chắn phía Đông) do Ba Lan thực hiện.
Tác giả nhấn mạnh rằng, Tổng thống Trump, người nổi tiếng với niềm tin vào hiệu quả của các bức tường biên giới, nên ủng hộ Ukraine trong việc tạo ra một hệ thống tương tự để bảo vệ chống lại các mối đe dọa tiềm tàng.
Người đứng đầu Nhà Trắng đã nhiều lần nói rằng, "bức tường có tác dụng", ám chỉ đến kế hoạch xây dựng một rào chắn trên biên giới Mỹ-Mexico của ông, tuy nhiên, kế hoạch này đã vấp phải sự phản đối của đảng Dân chủ và không được hoàn thành trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông.
Bài báo của Washington Post cho rằng, cách tiếp cận này nên được áp dụng cho biên giới Nga-Ukraine để đảm bảo an ninh cho Kiev sau khi xung đột kết thúc.
Dự án "Lá chắn phía Đông" của Ba Lan, được khởi động vào tháng 10/2024, là một ví dụ: dọc theo biên giới dài 6.000 km với Nga và Belarus, Ba Lan đang xây dựng các công sự bao gồm các rào chắn vật lý, mương chống tăng, dây thép gai và các hệ thống giám sát công nghệ cao như radar, cảm biến âm thanh và khinh khí cầu radar trên không mua từ Mỹ.
Dự án này ước tính có giá 2,5 tỷ đô la, trở thành sáng kiến an ninh biên giới lớn nhất ở châu Âu.
Theo Thiessen, một rào cản tương tự dọc theo tuyến đầu ở Ukraine hoặc toàn bộ biên giới với Nga (khoảng 2.000 km) sẽ tốn một khoản tiền tương đương, và sẽ là một cách tiết kiệm chi phí để đảm bảo an ninh so với 50 tỷ đô la mà Ukraine dự định chi cho vũ khí của Mỹ.
Việc tài trợ có thể được tổ chức thông qua các khoản vay trực tiếp theo chương trình “Tài trợ quân sự nước ngoài”, như trong trường hợp của Ba Lan, hoặc thông qua 50 tỷ đô la trong các khoản vay G7 được bảo đảm bằng thu nhập từ các tài sản bị đóng băng của Nga.
Tác giả lưu ý rằng, bức tường không chỉ bảo vệ Ukraine mà còn cho phép Mỹ kiếm được lợi nhuận.