Dù đã có những tín hiệu hứa hẹn, nhưng hành trình này vẫn còn đầy thách thức và chưa có “thần dược” nào xuất hiện.
Cơ chế đau ở người
Tháng 1/2025, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã phê duyệt một loại thuốc giảm đau mới. Thuốc có tên Journavx (tên khoa học là suzetrigine), đánh dấu lần đầu tiên sau hơn 20 năm có một loại thuốc giảm đau mới được đưa vào sử dụng. Điều đáng chú ý là Journavx không chứa thành phần gây nghiện opioid.
Tại Anh và Mỹ, các thuốc opioid như oxycodone hay morphine vẫn được dùng để điều trị cơn đau dữ dội, dù chúng tiềm ẩn nguy cơ nghiện cao. Từ năm 1999 – 2017, số ca tử vong do dùng thuốc giảm đau theo toa quá liều tại Mỹ đã tăng gần 400%, từ hơn 3,4 nghìn lên hơn 17 nghìn ca. Tại Anh và xứ Wales, con số này tăng từ 1,3 nghìn vào năm 1999 lên hơn 2,5 nghìn vào năm 2023.
Trong nhiều năm, các hãng dược đã nỗ lực phát triển thuốc giảm đau an toàn hơn nhưng gặp nhiều thách thức. Trong đó, tỷ lệ thuốc mới vượt qua được thử nghiệm lâm sàng để đến tay người bệnh là cực kỳ thấp, khoảng dưới 1%. Một trong những lý do là cơn đau không chỉ do nguyên nhân sinh học, mà còn bị chi phối bởi tâm lý.
Journavx được xem là bước tiến quan trọng, nhưng vẫn chưa phải giải pháp toàn diện. Thuốc này hiện chỉ áp dụng cho một số trường hợp đau ngắn hạn, trong khi nhiều loại đau khác vẫn chưa có cách điều trị hiệu quả, nhất là khi cơ chế gây đau còn chưa rõ ràng.
Và dù không phải opioid, câu hỏi đặt ra là, liệu có tồn tại thuốc giảm đau không gây nghiện thật sự?
Khi nhắc đến cơn đau, chúng ta có thể tưởng tượng ra cảm giác đập chân vào cạnh bàn. Đây là cơn đau do cảm giác, thường xảy ra khi mô trong cơ thể bị tổn thương. Theo GS Grégory Scherrer, Đại học North Carolina, lúc này các tế bào thần kinh cảm nhận đau sẽ được kích hoạt, gửi tín hiệu đến tủy sống, rồi tiếp tục truyền lên não. Tại não, các tín hiệu này được xử lý qua nhiều vùng, trong đó có vỏ não, nơi giúp chúng ta cảm nhận đó là đau.
Một dạng đau khác là đau thần kinh, xảy ra khi hệ thần kinh ngoài não và tủy sống bị tổn thương hoặc trục trặc. Ví dụ phổ biến là biến chứng thần kinh do tiểu đường. Cụ thể, đường huyết cao làm hỏng các mạch máu nuôi dây thần kinh, dẫn đến tổn thương và đôi khi gây hoại tử chi. Hiểu một cách đơn giản, cảm nhận đau xuất phát từ hai hệ thống gồm: Hệ thần kinh ngoại biên (chạy qua các chi, cơ quan và mô) và hệ thần kinh trung ương (não và tủy sống).
Ngoài ra, còn một loại đau nociplastic nhưng chưa có nhiều thông tin nghiên cứu. Dạng đau này không liên quan đến tổn thương mô hay thần kinh, mà có thể do hệ thần kinh trung ương xử lý tín hiệu bất thường.
Theo GS Jeffrey Mogil, Đại học McGill (Canada), một số nhà khoa học cho rằng đau nociplastic chỉ là một dạng tinh vi hơn của đau cảm giác hoặc đau thần kinh khi tổn thương quá nhỏ để phát hiện ra.
Trong y học, đau thường được phân loại theo thời gian. Ví dụ, đau cấp tính sẽ kéo dài dưới ba tháng, thường do chấn thương hoặc phẫu thuật. Đau mãn tính sẽ kéo dài hơn 3 tháng.
Tuy nhiên, cảm giác đau không phải lúc nào cũng tỷ lệ thuận với mức độ tổn thương. Một người bị thoái hóa khớp gối dạng nhẹ có thể cảm thấy rất đau, trong khi người khác tổn thương nặng hơn lại hầu như không cảm thấy gì.

Ngăn cảm giác hưng phấn
Dù bất kỳ loại đau nào, con người vốn không thích cảm giác này. Ngoài vùng vỏ não, nơi xử lý cảm giác, tín hiệu đau đi kèm lo âu, sợ hãi hoặc trầm uất.
Tín hiệu đau cũng làm giảm việc tiết dopamine, chất dẫn truyền thần kinh liên quan đến cảm giác hạnh phúc và phần thưởng. Vì vậy, việc giảm đau giúp mang lại rất nhiều giá trị cả về mặt cảm giác lẫn tâm lý.
Thuốc phiện giảm đau bằng cách bám vào và kích hoạt các thụ thể opioid trong não và tủy sống, một phần của hệ thống điều tiết đau và cảm xúc tự nhiên của cơ thể. Nó làm tăng dopamine trong cơ thể, tạo ra khoái cảm mạnh mẽ, vượt xa nhu cầu giảm đau ban đầu.
Theo thời gian, cơ thể có thể “quen thuốc” và cần liều cao hơn để đạt hiệu quả tương tự. Họ thèm cảm giác hưng phấn, kích thích mà thuốc giảm đau mang lại, tạo tiền đề cho việc lạm dụng thuốc và chứng nghiện.
Tuy nhiên, không phải thuốc giảm đau nào cũng gây nghiện. Ví dụ, paracetamol hay ibuprofen hoạt động theo cơ chế khác, không kích hoạt cảm giác “thèm thuốc”. Dù thế, việc loại bỏ được hoàn toàn cơ chế tiết dopamine và cảm giác hưng phấn do thuốc giảm đau tạo nên là mục tiêu của không ít hãng dược.
Journavx, do hãng Vertex Pharmaceuticals phát triển, thuốc Journavx hoạt động bằng cách chặn chọn lọc một kênh có tên Nav1.8, chỉ có trong tế bào thần kinh cảm giác đau của hệ thần kinh ngoại biên. Thuốc này không tác động lên não như opioid, do đó không gây nghiện.
Hiện, Journavx chưa được nộp hồ sơ xin phê duyệt tại Anh. Ở Mỹ, thuốc chỉ được sử dụng cho các cơn đau cấp tính từ mức trung bình đến nặng.