Đến dự và chỉ đạo Hội nghị có Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh; Vụ Giáo dục thể chất (Bộ GD&ĐT); Vụ Thể dục thể thao quần chúng, Tổng Cục thể thao (Bộ VH-TT&DL); đại diện các Học viện, các trường ĐH, CĐ Sư phạm; các Sở GD&ĐT; Sở VH-TT&DL trong cả nước.
Ngày 20/12/2016, Bộ GD&ĐT và Bộ VH-TT&DL triển khai thực hiện Chương trình phối hợp số 917/Ctr-BGDDT-BVHTTDL về chỉ đạo, quản lý, tổ chức công tác giáo dục thể chất (GDTC) và thể thao trường học giai đoạn 2016-2020.
Sau 5 năm thực hiện Chương trình phối hợp số 917, đã đạt những kết quả nổi bật như: Công tác giáo dục thể chất trong nhà trường có những bước chuyển biến tích cực; triển khai thực hiện tốt và hiệu quả việc duy trì bài tập thể dục giữa giờ ở các trường phổ thông trên cả nước; Phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” trở thành hoạt động thường xuyên trong các nhà trường. Phối hợp tổ chức thành công các hoạt động thể thao cho sinh viên, học sinh có quy mô toàn quốc…
Theo bà Nguyễn Thị Chiên, Phó Vụ trưởng Vụ TDTT quần chúng (Bộ VH-TT&DL), thực hiện Chương trình phối hợp số 917, đến thời điểm hiện tại đã gặt hái được nhiều kết quả tích cực và mang đến nhiều điểm đổi mới.
Trong công tác giáo dục thể chất, đến thời điểm hiện tại, 63/63 tỉnh, thành, đều đưa vào giảng dạy bộ môn GDTC ở nhà trường phổ thông các cấp, với số lượng tiết học 2 tiết/tuần (trừ ở Cấp tiểu học). Dựa vào kết quả đánh giá chất lượng GDTC năm học 2018-2019, các con số cho thấy số trường học phổ thông thực hiện đầy đủ chương trình GDTC đạt 100%; tỷ lệ học sinh thực hiện chương trình GDTC chính khóa đạt 95%; tỷ lệ học sinh được đánh giá và phân loại thể lực theo tiêu chuẩn rèn luyện thân thể đạt tỷ lệ cao, hơn 80%...
Bám sát định hướng phát triển phong trào GDTC và thể thao trường học, nhận được sự hỗ trợ từ phía các Vụ, đơn vị chuyên môn, các Liên đoàn, Hiệp hội thể thao luôn tích cực trong việc xây dựng các dự thảo, chương trình và kế hoạch mang hoạt động thể thao đến gần hơn với trẻ em. Đến nay tỷ lệ HS, SV tham gia tập luyện TDTT ngoại khóa đạt hơn 83%...
Đặc biệt là hoạt động phòng, chống đuối nước ở trẻ em, phối hợp, hướng dẫn các đơn vị, trường học trong cả nước tổ chức 36.298 lớp dạy bơi; số trẻ em tham gia học bơi là hơn 3,6 triệu; số trẻ biết bơi sau khi học bơi là hơn 2,1 triệu; số em được học kiến thức, kỹ năng an toàn trong môi trường nước là hơn 4,9 triệu... Đặc biệt, tỷ lệ trẻ em học bơi và biết bơi tăng nhanh, từ dưới 30% (2016) lên khoảng 35% (2018). Số lượng các ca tử vong do đuối nước đã có sự giảm thiểu từ trên 3.000 trường hợp (2015) xuống còn dưới 2.000 trường hợp...
Hiện số trường đủ sân bãi, nhà tập để phục vụ giảng dạy: Tiểu học 20%; THCS 40%; THPT 55%. Số trường có điều kiện sử dụng sân bãi ngoài trường: Tiểu học 3%; THCS 5%; THPT 10%. Số trường không có sân bãi tập luyện: Tiểu học 77%; THCS 55%; THPT 35%. Tỷ lệ trường học có bể bơi chiếm 0,4%. Như vậy, cơ sở vật chất, sân bãi, dụng cụ thể dục thể thao trường học hiện nay còn quá thiếu, nhất là các trường học khu vực miền núi, vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn…
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh ghi nhận những nỗ lực, sự vào cuộc của Bộ GD&ĐT và Bộ VH-TT&DL trong việc thực hiện Chương trình phối hợp. Đặc biệt là sự nỗ lực các địa phương trong công tác chỉ đạo, quản lý, tổ chức công tác giáo dục thể chất và hoạt động thể thao trường học giai đoạn 2016-2020.
Phát huy những kết quả đạt được trong 5 năm vừa qua, góp phần giáo dục toàn diện cho HS. Thứ trưởng Ngô Thị Minh đề nghị trong giai đoạn 5 năm tới, 2 ngành Giáo dục và Văn hóa tập trung phối hợp triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm: Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, giáo viên, HS, SV, gia đình và xã hội về tác dụng của GDTC.
Phối hợp tích cực trong việc triển khai thực hiện chương trình môn học GDTC mới năm 2018. Tăng cường cơ sở vật chất thông qua việc xây dựng cơ chế phối hợp, sử dụng các công trình thể thao có trên địa bàn phục vụ GDTC, thể thao trường học. Tăng cường tổ chức các hoạt động thể thao trường học, đặc biệt là hoạt động thi đấu, các môn thể thao dân tộc.
Phối hợp thành lập các đoàn thể thao HS, SV Việt Nam tham dự Đại hội thể thao khu vực và quốc tế. Tăng cường triển khai Quyết định 1076 của Thủ tướng về phê duyệt Đề án tổng thể giáo dục thể chất và thể thao trường học giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025. Quyết định 641 của Thủ tướng về Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011 - 2030…
Tại Hội nghị, ông Nguyễn Thanh Đề, Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất (Bộ GD&ĐT) trình bày Dự thảo Chương trình phối hợp về chỉ đạo, quản lý, tổ chức công tác GDTC và thể thao trường học giai đoạn 2020-2025.
Theo đó, Chương trình phối hợp giai đoạn 2020-2025 với quan điểm, phương hướng: Công tác TDTT trong trường học là một bộ phận quan trọng trong sự nghiệp phát triển TDTT của đất nước nhằm nâng cao sức khỏe, phát triển tầm vóc, thể lực, bồi dưỡng phẩm chất đạo đức, nhân cách, kỹ năng sống cho HS, SV đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Đổi mới, nâng cao chất lượng dạy và học môn GDTC; đa dạng các hình thức hoạt động thể thao trường học; chú ý phát triển các môn thể thao dân tộc. Đẩy mạnh cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” trong toàn ngành Giáo dục. Vận động mỗi cán bộ, nhà giáo, HS, SV tự chọn cho mình một môn thể thao hoặc hình thức tập luyện để tăng cường sức khỏe, nâng cao hiệu quả công tác, học tập. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa, chú trọng phát triển các hội và câu lạc bộ TDTT trong trường học…