Tuyệt đối không chủ quan khi đã tiêm 2 mũi vắc xin Covid-19

GD&TĐ - Đó là khuyến cáo của ngành Y tế Việt Nam và cũng là cảnh báo từ WHO (Tổ chức Y tế thế giới).

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Thời gian gần đây, số ca mắc Covid-19 vẫn tăng ở nhiều địa phương dù tỷ lệ tiêm vắc xin phòng Covid-19 khá cao.

Theo thống kê trong đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), tính đến ngày 25/11, Việt Nam ghi nhận số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 1.150.625 ca, trong đó có 934.444 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: Thành phố Hồ Chí Minh (460.789), Bình Dương (278.102), Đồng Nai (83.965), Long An (37.644), Tiền Giang (24.116).

Tổng số liều vắc xin phòng Covid-19 đã được tiêm là 112.944.634 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 67.824.005 liều, tiêm mũi 2 là 45.120.629 liều.

Phân tích về nguyên nhân số ca mắc tăng cao ở các địa phương, nhiều chuyên gia và Bộ Y tế đều có ý kiến cho rằng, khi cả nước điều chỉnh biện pháp phòng chống dịch theo tình hình mới, cho phép nhiều hoạt động trở lại bình thường thì việc giao lưu qua lại giữa các địa phương sẽ tăng lên, người dân cũng tăng tiếp xúc trong cộng đồng. 

Bên cạnh đó, nhiều người dân đi từ vùng có tỉ lệ lây nhiễm cao, bùng phát dịch mạnh như ở các tỉnh, thành phố  phía Nam về các địa phương khác và trở thành nguồn lây cho địa phương, trong đó có cả những địa phương từ trước tới giờ chưa từng xuất hiện ca bệnh nào. 

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn: “Tôi hoàn toàn thông cảm với diễn biến dịch tại các địa phương. Khi “cửa” mở ra nhiều thứ có thể ‘đi vào”, nhất là khi dịch bệnh này lây lan qua đường tiếp xúc. Nếu không cẩn thận, chắc chắn số ca mắc sẽ tăng cao.

Bộ Y tế đã nhận được đề xuất của một số địa phương. Chúng tôi sẽ cử đoàn công tác của Cục Quản lý khám chữa bệnh làm đầu mối cùng các cục vụ liên quan của Bộ đến các điểm có tình hình dịch diễn biến phức tạp. Sau khi đoàn hoàn thành nhiệm vụ, trong tuần tới Bộ Y tế sẽ có những hỗ trợ các tỉnh tăng cường năng lực điều trị”.  

Cũng theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết thêm, đến cuối tháng 11 này, chúng ta chắc chắn đạt được bao phủ vắc xin. Bây giờ chúng ta đánh giá ca mắc không dựa trên xét nghiệm giang rộng nữa, không xét nghiệm cộng đồng nữa mà dựa trên những trường hợp có những nghi ngờ hoặc khi truy vết F1 liên quan đến F0.

Việc quan tâm hiện nay là giảm tỷ lệ bệnh nhân chuyển nặng, giảm tỷ lệ bệnh nhân nhập viện và giảm bệnh nhân tử vong. Có thể trong thời gian tới sẽ lấy những vấn đề này làm tiêu chí đánh giá mức độ dịch.

Tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo, sau hơn 1 tháng cả nước triển khai Nghị quyết 128 của Chính phủ quy định tạm thời về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh hôm 20/11, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng với tiến độ vắc xin nhận về như hiện nay, trong tháng 11 sẽ đủ vắc xin tiêm 2 mũi cho người trên 18 tuổi.

Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Y tế không đợi vắc xin về các kho trung gian mà ký quyết định phân bổ ngay cho các địa phương, có dự kiến ngày cụ thể để các tỉnh chủ động. Các tỉnh cần có báo cáo cụ thể về nhu cầu từng loại vắc xin và tổ chức tiêm nhanh nhất có thể cho toàn bộ người dân trên địa bàn, không phân biệt nhóm đối tượng, độ tuổi.

Bên cạnh việc bảo đảm các loại thuốc điều trị theo chỉ định của bác sĩ như kháng đông, kháng viêm, kháng thể đơn dòng…, ngành y tế cần bổ sung các loại thuốc kháng virus điều trị sớm cho F0. Đây là đề xuất của nhiều địa phương qua thực tiễn điều trị cho người mới mắc Covid-19.

Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh cùng với tiêm vắc xin, chúng ta phải tích cực tuyên truyền, vận động người dân thực hiện nghiêm thông điệp 5K mới kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, khắc phục tâm lý chủ quan, lơ là khi đã tiêm đủ 2 mũi hoặc thiếu tin tưởng hiệu quả của việc tiêm vắc xin...

Cũng tại cuộc họp này, khi đề cập đến nguyên nhân của các hạn chế và bất cập, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ vẫn có tư tưởng chủ quan, lơ là ở một số nơi. Một bộ phận người dân nhận thức chưa đúng về hiệu quả của việc tiêm vắc xin. Hệ thống y tế dự phòng, y tế cơ sở nhiều nơi, nhiều lúc chưa đáp ứng được khi tình hình diễn biến phức tạp.

Việc tiêm chủng vắc xin và đáp ứng thuốc chữa bệnh có nơi, có lúc triển khai chậm so với diễn biến tình hình và yêu cầu đặt ra, chưa đạt mục tiêu. Công tác phối hợp giữa các địa phương trong quản lý việc di chuyển của người dân chưa chặt chẽ, còn bất cập, gây khó khăn cho người dân. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết 128 có nơi, có lúc thiếu quyết liệt. Một số nơi chưa thực hiện tốt việc triển khai thu dung, phân loại điều trị kịp thời các ca nhiễm ngay từ cơ sở.

Trước đó, trong văn bản 298/TB-VPCP thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 hôm 5/11, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông tăng cường công tác truyền thông làm cho nhân dân hiểu rõ hơn để ủng hộ và tham gia tích cực các giải pháp về thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng đã tiêm vắc xin thì chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, không thực hiện nghiêm các giải pháp phòng chống dịch.

WHO cảnh báo: Không nên chỉ dựa vào vắc xin mà lơ là trong phòng dịch

Các loại vắc xin phòng Covid-19 giúp giảm khoảng 40% nguy cơ lây nhiễm biến thể Delta của virus SARS-CoV-2. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhận định như trên ngày 24/11, đồng thời cảnh báo rằng mọi người không nên quá phụ thuộc vào việc tiêm phòng mà lơ là các biện pháp bảo vệ khác.

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus kêu gọi những người đã tiêm phòng tiếp tục tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch Covid-19. Ông lưu ý tuần trước, số ca mắc mới và tử vong ở châu Âu tiếp tục chiếm hơn 60% các ca trên toàn cầu. Biểu đồ số ca mắc đi lên theo hướng thẳng đứng tiếp tục gây áp lực lên các hệ thống y tế ở Lục địa già và đẩy các nhân viên y tế vào tình trạng kiệt sức.

WHO lo ngại về việc người dân lầm tưởng rằng đại dịch đã chấm dứt sau khi có vắc xin và những người đã tiêm phòng nghĩ rằng không cần đề phòng nữa.

Tổng giám đốc WHO khẳng định, vắc xin có thể giúp giảm tỷ lệ tử vong nhưng không thể ngăn chặn hoàn toàn nguy cơ lây nhiễm. Các dữ liệu chỉ ra trước khi biến thể Delta xuất hiện, trung bình các loại vắc xin giúp giảm khoảng 60% nguy cơ lây nhiễm và khi Delta xuất hiện thì tỷ lệ này giảm xuống còn 40%.

Hiện biến thể Delta đang là biến thể chủ yếu gây bệnh trên toàn thế giới, lấn át các biến thể khác và biến thể gốc. Theo kết quả phân tích chuỗi gene của 845.000 mẫu bệnh phẩm được thu thập trong 60 ngày gần nhất mà sáng kiến khoa học toàn cầu GISAID thực hiện, có đến 99,8% là do biến thể Delta gây ra.

Ông Tedros cho biết, việc tiêm phòng giúp giảm nguy cơ bệnh nặng và tử vong nhưng vẫn còn nguy cơ nhiễm bệnh và lây bệnh cho người khác.

WHO một lần nữa kêu gọi mọi người kể cả khi đã tiêm phòng vẫn cần tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng ngừa để giảm nguy cơ nhiễm và lây bệnh cho người khác.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ