Bạn đã bao giờ nghe thấy " tuyết hồng", "tuyết dâu tây" hay "tuyết dưa hấu" chưa? Đó là một món ăn ư? Xin thưa, không - đó là tên một loại tuyết có thật, màu hồng nhạt, xốp xốp, thường xuất hiện ở các vùng núi có độ cao từ 3.000 - 3.600 m và ở Bắc Cực.
"Tuyết dâu tây", "tuyết dưa hấu" còn có tên gọi khác là "tuyết tảo"- algae snow sở dĩ là bởi màu đỏ trong tuyết được hình thành nhờ loại tảo cực nhỏ Chlamydomonas phát triển bên dưới lớp tuyết.
Khi thời tiết ấm dần, lượng ánh sáng tăng, tuyết tan và nhiều chất dinh dưỡng giúp chúng nảy mầm và xuất hiện những mảng hồng dưới tuyết.
Theo các nhà nghiên cứu, bên trong tảo Chlamydomonas có chứa diệp lục màu xanh, nhưng đồng thời bao hàm một lượng carotenoid mang sắc tố đỏ. Carotenoid là một dạng sắc tố hữu cơ có vai trò bảo vệ tảo khỏi tia cực tím từ Mặt trời.
Tuy nhiên, một nghiên cứu mới đây cho thấy, việc xuất hiện tuyết hồng ở Bắc Cực khiến chúng hấp thụ nhiệt nhiều hơn, gia tăng sự biến đổi khí hậu.
Để đưa ra kết luận này, các chuyên gia tiến hành thử nghiệm với 40 mẫu tuyết thu thập được từ 21 dòng sông băng trong khu vực, bao gồm Greenland, Iceland, Svalbard, và Thụy Điển.
Những vi khuẩn trong tuyết tảo cũng được thu thập và nghiên cứu, về sự đa dạng, sắc tố. Các chuyên gia nhận định, chúng có gây ảnh hưởng đến năng suất phản xạ (Albedo). Thuật ngữ này chỉ ra khả năng của 1 bề mặt phản xạ lại ánh sáng Mặt trời.
Theo đó, trong suốt mùa ấm áp, phần tuyết tảo nở hoa có thể làm giảm 13% hiệu suất phản chiếu, gây ra tỷ lệ băng tan chảy cao hơn.
Tác giả nghiên cứu - Stefanie Lutz, tiến sĩ tại Trung tâm Nghiên cứu Đức Khoa học địa chất GFZ và tại Đại học Leeds chia sẻ: "Năng suất phản xạ Albedo vô cùng quan trọng và cần được xem xét kỹ trong mô hình khí hậu tương lai. Sự xuất hiện của tảo trong băng ở mức độ nhiều sẽ vô tình khiến tỷ lệ băng tan chảy ngày một nhanh".
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Communications.