Chàng trai 26 tuổi hiện sống cùng cha mẹ tại quận Hoàng Mai (Hà Nội). Cha mẹ không yêu cầu đóng góp vì ông bà có lương hưu và thu nhập từ tiền phòng trọ. Mỗi tháng nhận lương xong, chàng kỹ sư công nghệ thông tin vẫn đưa mẹ 3 triệu đồng để phụ việc chi tiêu trong nhà.
Sau đó, Thành mất khoảng 7 triệu đồng để trả một loạt hóa đơn mua hàng trả góp, còn lại anh dùng chi tiêu cho các nhu cầu cá nhân khác.
“Chẳng hiểu mình tiêu gì mà không thấy tiền đâu. Mẹ mình bảo tại thói quen chạy đua công nghệ. Mấy bà chị ở công ty thì khuyên mình phải lấy vợ mới giữ được tiền” - Thành cười.
Không biết tiền đi đâu hết cũng là tình trạng của Thùy Linh, nhân viên của một công ty truyền thông tại TPHCM. Linh thuê phòng trọ, ở cùng hai cô bạn. Mỗi tháng Linh mất khoảng 1 triệu đồng cho các khoản tiền nhà và điện nước.
Đa số bữa tối, Linh cùng các bạn tự nấu ăn ở nhà. Mấy cô gái đều sợ mập nên ăn uống khá kiêng khem. Những ngày đi làm, Linh thường mất khoảng 50.000 đồng cho hai bữa sáng và trưa.
Linh than vãn: "Tiếng là phải đóng thuế thu nhập nhưng sau 4 năm đi làm, em mới chỉ có 10 triệu đồng gửi mẹ giữ. Cả năm nay, em chẳng để ra được đồng nào. Thỉnh thoảng mua sắm ít quần áo, mỹ phẩm, đi chơi, đi du lịch với bạn thế là hết sạch tiền".
Linh dự định theo một khóa luyện thi IELTS nhưng vẫn chưa ghi danh vì còn chờ đến khoản thưởng Tết sắp tới.
Thu Ánh - Nhân viên một cơ quan hành chính sự nghiệp ở TPHCM chưa bao giờ nghĩ đến việc tiết kiệm, vì "lương 4 triệu chưa đủ tiêu pha hàng tháng".
Những khi có việc đột xuất, hoặc tháng này nhận được 5 thiệp mời đám cưới của bạn bè, Thu Ánh thậm chí còn phải kêu gọi sự trợ cấp của bố mẹ.
Thỉnh thoảng, Ánh cũng có những khoản thu nhập do làm thêm, lúc đó cô lại mua một món đồ gì đó tự thưởng cho mình, hoặc mua sắm vật dụng cho gia đình hay dẫn các cháu con của anh chị đi chơi. Cô gái tâm niệm chỉ kết hôn với người nào có tài chính vững vàng để sau này khỏi phải về xin tiền bố mẹ.
Nói về việc một số bạn trẻ không tích lũy được tài chính khi còn độc thân, giáo sư, tiến sĩ tâm lý Vũ Gia Hiền cho rằng có 3 lý do cơ bản. Thứ nhất, có thể do kinh nghiệm làm việc, năng lực của bạn trẻ đó chưa cao nên thu nhập không nhiều, dẫn đến không có khả năng tích lũy.
Thứ hai, những bạn trẻ thường quan tâm đầu tư tài chính cho học tập, phát triển các ý tưởng, họ muốn phát triển sự nghiệp hơn là tích lũy tiền bạc.
Thứ ba, người độc thân không phải chịu trách nhiệm về gia đình con cái, không chịu áp lực tài chính nên không cảm thấy sự cần thiết của việc tích lũy tài chính, có tiền dễ tiêu xài hoang phí.
Tuy nhiên, dù bạn trẻ đó có đầu tư cho học tập, sự nghiệp hay trải nghiệm cuộc sống, thì việc để ra một khoản tiền tiết kiệm vẫn là rất cần thiết. GS Hiền dẫn giải, cuộc sống không biết trước điều gì nên rất cần có một khoản dự phòng cho những việc có thể xảy ra với mình.
Mới đây, trong một buổi sinh hoạt của CLB Tiền hôn nhân (thuộc Trung tâm Truyền thông và Giáo dục Sức khỏe TPHCM), giảng viên tâm lý Đỗ Văn Sự đã hướng dẫn các bạn trẻ cách quản lý tiền bạc khi còn độc thân.
Theo ông Đỗ Văn Sự, để có thể tích lũy tài chính cá nhân, trước hết mỗi người cần hiểu về quản lý chi tiêu, tức là kiểm soát được các nguồn thu cũng như nguồn chi của mình. Điều quan trọng là biết cân bằng hợp lý giữa hai nguồn này.
Bạn cần ghi ra giấy mỗi tháng mình có bao nhiêu tiền, từ những nguồn nào (lương, làm thêm, được cho...), lập danh sách những khoản chi của mình (thực phẩm, đi lại, giáo dục, nuôi dưỡng các mối quan hệ...). Hãy viết những con số chính xác, cụ thể chứ không nên áng chừng. Làm càng chi tiết thì bạn càng quản lý tài chính cá nhân tốt. Ngoài ra, ghi chép sẽ giúp bạn kiểm soát được các khoản lỡ chi.
Hãy xem mình đã thực sự chi tiêu hợp lý chưa, ví dụ có cần thiết phải đi xe tay ga tốn xăng hay chỉ cần đi xe số, thực phẩm có nhất thiết phải mua những loại đắt tiền hay chỉ cần tươi ngon, đảm bảo dinh dưỡng.
Chuyên gia tâm lý cũng gợi ý một số cách giúp các bạn trẻ tiết kiệm như lựa chọn nơi mua hàng, so sánh các địa chỉ để tìm được chỗ mua với giá rẻ.
Khi mua hàng trực tuyến phải xem xét nếu món hàng không như ý liệu có trả lại được không, có đòi được tiền lại không. Hãy thông minh trong tính toán thực đơn, tiết kiệm thực phẩm, sử dụng các gói cước điện thoại; sáng tạo khi tái sử dụng vật liệu...
Để tiết kiệm, bạn cũng nên lập kế hoạch chi tiêu ngay từ đầu tháng: Bao nhiêu cho ăn uống, bao nhiêu cho đi lại, bao nhiêu cho điện thoại. Có thể có những khoản dự trù cho kế hoạch xảy ra.
Ông Sự gợi ý, bạn có thể chia khoản thu của mình thành ba phần, 20% để dành, 30% để làm những việc bạn muốn, 50% là phục vụ các nhu cầu thiết yếu. Tất nhiên, đây chỉ là một con số tham khảo, bạn có thể chọn cho mình một tỷ lệ mà cảm thấy hài lòng, tùy thuộc vào điều kiện thực tế.
Để quản lý tốt tài chính bạn cũng cần có những kỹ năng nhất định như quản lý tốt cảm xúc của mình. Nếu rất nhiều phụ nữ khi buồn đi shopping để giải tỏa tâm trạng, khi vui đi shopping để vui hơn, thì nam giới lại có tâm lý thích thể hiện và sĩ diện khi chi tiêu, sẵn sàng sử dụng công nghệ đắt tiền nhưng không thực sự cần thiết.
Nhiều người bước chân vào siêu thị cái gì cũng muốn mua, vì thế trước khi đi nên ghi những gì cần mua, vừa tiết kiệm được thời gian vừa tiết kiệm được tiền bạc. Bạn cần có kỷ luật với bản thân, hãy nói không với những món đồ mình muốn nhưng không cần thiết.
Tuy nhiên, tiết kiệm không có nghĩa là bỏ qua tương lai, bỏ qua sức khỏe, nâng cao tri thức hay nuôi dưỡng các mối quan hệ. Ông Sự từng gặp nhiều người khi sức khỏe có vấn đề nhưng không dám đi gặp bác sĩ vì sợ khám ra bệnh và tốn tiền thuốc.
Thực tế, đến lúc bệnh nặng, tiền thuốc thang sẽ còn tốn kém hơn. Quan tâm đến giáo dục, ví dụ học thêm một số chứng chỉ sẽ giúp công việc thuận lợi, thăng tiến hơn. Nuôi dưỡng các mối quan hệ sẽ giúp bạn thành công hơn. Không đi các đám cưới, sinh nhật sẽ làm hại mối quan hệ của chính mình.
Sức khỏe, tri thức và các mối quan hệ chính là yếu tố giúp bạn tăng nguồn thu cho mình. "Đây là những thứ không được tiết kiệm quá, cần phải đầu tư, có đầu tư thì mới có cơ hội phát triển và cũng là kiếm tiền" - Chuyên gia Đỗ Văn Sự nhận xét.
Tiết kiệm không có nghĩa là cự tuyệt với các khoản chi, đây là kẹt xỉn, ky bo chứ không phải là tiết kiệm. Cứ rẻ là mua cũng chưa chắc đã giúp bạn tiết kiệm, bởi thường thì tiền nào của ấy.
Một cái sạc pin điện thoại rẻ tiền mua ven đường dùng một vài tháng đã hỏng. Một cái chất lượng mua ở những cửa hàng có thương hiệu, đắt hơn khoảng 2 - 3 lần có thể dùng được cả năm.
Nhiều người nghĩ rằng đã thiếu tiền thì không thể tiết kiệm. "Đây là một suy nghĩ rất sai lầm", ông Sự nhận xét. Bạn nên nhớ, tích tiểu thành đại, từ những cái ít thì sau này mới có cái nhiều.
Ngoài ra, nếu khó khăn, bạn có thể sử dụng nguồn lực từ người khác để dễ tiết kiệm hơn, ví dụ sống cùng bố mẹ, họ hàng đỡ tốn kém hơn ở riêng, thuê trọ cùng với người khác sẽ giảm chi phí so với sống một mình.
Các cụ xưa đã nói: "Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm", tuy nhiên quan trọng nhất vẫn là chất lượng cuộc sống, chuyên viên tâm lý nhấn mạnh. Không có cách tiết kiệm tốt nhất cho tất cả mọi người nhưng luôn có cách phù hợp nhất để bạn lựa chọn.