Giáo dục quốc phòng và an ninh tại 'địa chỉ đỏ'

GD&TĐ - Những năm gần đây, các “địa chỉ đỏ” trở thành nơi học tập, tham quan, điểm đến không thể thiếu trong chương trình giáo dục quốc phòng và an ninh.

Học sinh tham quan Nhà tù Hỏa Lò. Ảnh: Vân Anh
Học sinh tham quan Nhà tù Hỏa Lò. Ảnh: Vân Anh

Tham quan “địa chỉ đỏ”

Thực hiện nội dung lồng ghép giáo dục quốc phòng an ninh (GDQPAN) cho học sinh, Trường THCS Ngoại ngữ - Trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội) tổ chức cho học sinh khối lớp 9 tham quan Nhà tù Hỏa Lò và Bảo tàng Đường Hồ Chí Minh. Đây là những địa điểm lịch sử quan trọng, nơi lưu giữ trang sử hào hùng của dân tộc Việt Nam.

Tại Nhà tù Hỏa Lò, các em được trở lại thời kỳ đấu tranh cách mạng gian khổ của dân tộc, nơi từng giam giữ nhiều chiến sĩ yêu nước và nhà lãnh đạo cách mạng tiêu biểu. Những câu chuyện sống động và hiện vật nơi đây đã giúp học sinh hiểu rõ hơn tinh thần bất khuất, kiên cường của người Việt Nam trong các cuộc kháng chiến.

Tiếp tục thăm Bảo tàng Đường Hồ Chí Minh, các em được nghe kể về quá trình xây dựng và bảo vệ tuyến đường huyền thoại trong chiến tranh. Hàng nghìn hiện vật, hình ảnh và tư liệu lịch sử đã tái hiện rõ nét sự gian khổ và tinh thần dũng cảm của Bộ đội Trường Sơn. Mỗi chi tiết trong bảo tàng đều mang đến cảm xúc sâu sắc về lòng yêu nước và sự hy sinh của các thế hệ đi trước.

Cô Nguyễn Phương Thanh - Trường THCS Ngoại ngữ chia sẻ: Qua chuyến đi, học sinh không chỉ tìm hiểu lịch sử đấu tranh oai hùng của dân tộc mà còn được truyền cảm hứng và tinh thần yêu nước, sẵn sàng cống hiến cho quê hương. Một hành trình về nguồn đầy ý nghĩa và cảm xúc, giúp các em ghi nhớ những bài học vô giá về lịch sử và tinh thần dân tộc.

Trong khi đó, học sinh khối lớp 5, Trường Tiểu học Thăng Long (Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã có chuyến trải nghiệm thú vị, đáng nhớ khi tham quan Nhà tù Hỏa Lò, được lắng nghe những câu chuyện đầy cảm xúc về truyền thống cách mạng, tấm gương anh dũng của thế hệ đi trước. Đây là một phần trong kế hoạch lồng ghép GDQPAN cho học sinh các khối lớp của nhà trường.

Tại đây, học sinh được quan sát, khám phá phòng giam, đài tưởng niệm các chiến sĩ cách mạng cùng các hiện vật. Ngoài tìm hiểu thông tin trên bảng trưng bày, học sinh còn được lắng nghe những câu chuyện cảm động qua máy thuyết minh tự động. Những kiến thức qua chuyến trải nghiệm giúp các em hình thành nhận thức về tình yêu quê hương, đất nước; biết ơn người có công với cách mạng, đất nước.

Nguyễn Mỹ Ngọc - học sinh lớp 5A, Trường Tiểu học Thăng Long cho biết: Khi được nghe về lịch sử nhà tù, sự hy sinh của các anh hùng dân tộc, em rất tự hào, xúc động. Sau chuyến đi, em thấy trân trọng hơn cuộc sống và sẽ cố gắng học tập thật tốt. Chúng em cũng biết ơn sự hy sinh của cha ông để đất nước được độc lập, tự do như hôm nay.

giao-duc-quoc-phong-va-an-ninh-tai-dia-chi-do3.jpg
Ảnh minh họa ITN.

Gắn nội dung bài học với thực tế

Tại TPHCM, Khu di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi đã trở thành nơi học tập, tham quan, điểm đến không thể thiếu trong chương trình GDQPAN của các trường. Đây cũng là địa chỉ để tuyên truyền, giáo dục truyền thống chủ nghĩa yêu nước Việt Nam.

Để Khu di tích luôn là địa chỉ đỏ trong GDQPAN, Ban Giám đốc Khu di tích đã nỗ lực thực hiện các giải pháp đồng bộ trong bảo tồn, tôn tạo, xây dựng cơ sở hạ tầng và nâng cao chất lượng phục vụ. Nhờ đó, số lượng các đoàn tham quan, học tập, hội thảo..., nhất là các học sinh, sinh viên đến tham quan, học tập ngày càng nhiều.

Đại tá Lê Văn Phước - Giám đốc Khu di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi chia sẻ: Để thế hệ trẻ hiểu cặn kẽ về địa đạo Củ Chi - căn cứ địa cách mạng có một không hai trên thế giới, Ban Giám đốc mời các cựu chiến binh đã từng chiến đấu trên mảnh đất này tới kể chuyện, trả lời các câu hỏi nhằm khơi dậy truyền thống hào hùng, nâng cao khả năng cảm nhận cho các em.

GDQPAN gắn với truyền thống lịch sử sẽ kích thích sự hứng thú của học sinh. Với đặc thù có nhiều khu di tích lịch sử như Rừng U Minh, Nhà tù Phú Quốc cùng đường biên giới, bờ biển dài cùng nhiều đảo, Kiên Giang có nhiều thuận lợi trong GDQPAN.

Chia sẻ của ông Huỳnh Văn Hóa - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Kiên Giang: Để kích thích hứng thú của học sinh với GDQPAN, các nhà trường đã đa dạng loại hình giảng dạy. Ví dụ, Trường THPT Thoại Ngọc Hầu (huyện Giang Thành) tổ chức cho học sinh dã ngoại tại tuyến đường 1C trên địa bàn, đội nón tai bèo, đeo khăn rằn ri. Trải nghiệm thực tế đã giúp giáo viên thuận lợi hơn trong việc truyền đạt kiến thức môn học.

Trường THPT Phan Thị Rạng (huyện Hòn Đất) tổ chức cho học sinh tiếp thu bài học bắn súng tại Khu di tích hang Hòn Đất. Tại địa điểm này, trước đây giặc đã rải chất độc vào nguồn nước, hun khói vào hang... Những kiến thức lồng ghép này có tác dụng lớn đối với học sinh. Hay hoạt động dã ngoại và trải nghiệm tại Nhà tù Phú Quốc. Đây được gọi là địa ngục trần gian có hệ thống chuồng cọp của đế quốc Mỹ với những trận tra tấn kinh hoàng với các chiến sĩ cách mạng. Những nội dung như vậy được tích hợp, lồng ghép trong bài học bắn súng, khẩu lệnh sẽ giúp các em nhớ lâu, qua đó thích thú môn học.

Theo ông Huỳnh Văn Hóa, Kiên Giang có đường biên giới dài, đảo Phú Quốc tươi đẹp, bình yên. Để bảo vệ sự yên bình đó, cha ông đã tốn bao xương máu, chiến đấu để bảo vệ độc lập tự do. Qua hoạt động giáo dục truyền thống, học sinh có thêm những kiến thức, tham gia tốt chương trình học GDQPAN để góp phần bảo vệ đất nước yên bình, bảo vệ đất nước từ sớm, từ xa.

Vừa qua, Bộ GD&ĐT đã ban hành hướng dẫn lồng ghép nội dung GDQPAN thông qua các môn học, hoạt động giáo dục trong Chương trình GDPT 2018, bao gồm: Nội dung, phương pháp, hình thức, yêu cầu cần đạt và các điều kiện bảo đảm thực hiện việc lồng ghép.

Nội dung được lồng ghép bảo đảm mục tiêu xây dựng, phát triển tư duy, bồi dưỡng kỹ năng sống, nhân cách con người Việt Nam, yêu Tổ quốc, đồng bào, chủ nghĩa xã hội, niềm tự hào, tự tôn dân tộc đối với truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc dân tộc, có ý thức tổ chức kỷ luật, tinh thần đoàn kết. - Thiếu tướng Trần Ngọc Thanh (Vụ trưởng Vụ Giáo dục Quốc phòng và an ninh, Bộ GD&ĐT)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhiều người tuy tuổi còn trẻ nhưng đã suy giảm ham muốn tình dục. Ảnh minh họa: L.N

Phái mạnh cũng có lúc 'yếu'

GD&TĐ - Sức khỏe sinh lý từ lâu đã được coi là biểu tượng làm nên bản lĩnh và sự tự tin của phái mạnh.